05/04/2023 -

Các cộng đoàn

263
Tuần Thánh trong Năm Thánh

Trên hành trình theo Chúa, chắc hẳn mỗi người cũng đã nhận ra cuộc đời này, con đường này, ơn gọi này, nhiều lúc “không như mơ”. Chưa kể cuộc sống, công việc, sứ vụ, tương quan…không ngần ngại ném vào chúng ta những nỗi đau nhức nhối. Đau khổ được mặc định và được cài đặt sẵn trong lập trình của cuộc sống, thế nên chẳng thể nào tránh khỏi đau khổ, có chăng mỗi người hãy tìm cho mình một cách thế để bình an “sống chung với lũ”. Giáo Hội bước vào Tuần Thánh để tưởng niệm Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu, một mẫu gương sống bình an và phó thác trong đau khổ, để trong thinh lặng và chiêm ngắm chúng ta sẽ biết mình cần gì và phải làm gì?
 
Hành trình Vượt Qua của Chúa Giêsu không phải kết thúc tại cổng thành Giêrusalem với những tiếng reo hò vang dậy của đoàn người: “Hoan hô Thái Tử nhà Ða-vít. Hoan hô Chúa trên các tầng Trời!”, nhưng là kết thúc trên đồi Canve với cây thập giá và những lời nhục mạ ê chề, và trong cơn thử thách đau thương Ngài đã biến đổi Thập giá thành nguồn ơn cứu độ cho nhân loại.

Cũng vậy, trải qua một chặng đường dài theo Chúa, nay dừng lại ở con số 50, không phải để tận hưởng thành quả đạt được, nhưng là để tạ ơn, tạ lỗi, và để học nơi Ngài những bước đi kiên vững hơn trong cuộc đời dâu bể, chúng ta cũng học nơi Ngài tình yêu và lòng tín thác nơi Thiên Chúa. Dĩ nhiên, từng ấy bài học không phải là một khung thành chắc chắn bảo vệ chúng ta trước sự tấn công của thế gian, nhưng nó sẽ giúp chúng ta vượt qua cuộc thương khó của đời mình bằng sự khôn ngoan và bình an của Thiên Chúa.

50 năm bước theo Chúa trên đường thương khó, chúng ta gặp rất nhiều bóng tối bủa vây dọc đường: chia rẽ vẫn xảy ra, phản bội vẫn lấp ló sau tấm màn “dù có phải chết con cũng sẽ không bỏ Thầy” những thái độ ghen tương, thù hận, kỳ thị… vẫn được chứng kiến mỗi ngày… Thế mới biết, đường theo Chúa chẳng bao giờ là con đường một chiều với đông đảo dân chúng “trải áo xuống mặt đường, rồi chặt lá rải lên lối đi, được người trước kẻ sau reo hò vang dậy”, nhưng là con đường 2 chiều, một lối xuôi, một nẻo ngược, lối đi nào cũng đầy những gai góc và đá sỏi. Tuy nhiên, Tin Mừng cho thấy, trong suốt cuộc thương khó, Chúa Giêsu không có một thái độ phản kháng nào, Ngài chỉ có một trạng thái duy nhất là biểu lộ sức mạnh bằng tình yêu, sự tha thứ và lòng cậy trông phó thác nơi Thiên Chúa. Chính sức mạnh ấy đã hàn gắn mọi chia rẽ, chữa lành mọi vết thương, biến thù hận thành yêu thương và biến mọi sỉ nhục thành động lực. Và như thế chúng ta có cơ sở để xác tín rằng, nếu chúng ta cùng chung tâm tình với Chúa và can đảm cùng chịu đau khổ và đóng đinh cùng Ngài, chúng ta sẽ được bình an và sống hạnh phúc với những đau khổ như Người.

Chẳng mấy ai thích mình đau khổ, cũng chẳng ai tự nguyện chọn cho mình những khó khăn, lại càng không ai chọn thập giá để làm bàn đạp cho hành trình cuộc đời mình. Nhưng "mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh," mỗi người đều có câu chuyện thương khó của riêng mình. Trong thinh lặng, chiêm ngắm và cầu nguyện, ta sẽ nhận ra nơi cuộc khổ hình của Chúa, từ phòng tiệc ly đến Đồi Sọ,  cũng như nhận ra từ ngày Hội dòng thành lập đến nay là một câu chuyện tình dài tập. Có chương viết về tình thương bao la của Đấng Chịu đóng đinh lẫn lòng hận thù của con người, có chương đề cập đến sự chia rẽ và gàn gắn, có chương lại mang những ngôn từ tươi sáng của niềm hy vọng … Nhưng rồi tất cả được nối mạch bằng ngôn ngữ của tình yêu mà chính Chúa Giêsu đã viết bằng chính mồ hôi và máu của mình. Tình yêu ấy mời gọi chúng ta bước vào tuần thánh với tâm tình của những người môn đệ, bước gần hơn, sát hơn, quyết liệt hơn với Thầy của mình trong cuộc thương khó và phục sinh của Ngài, cùng học nơi Ngài cách sống cuộc thương khó của chính mình trong bình an và phó thác. Để với tình yêu, chúng ta lại cất lên niềm xác tín "vinh dự của tôi là Thập giá Chúa Giêsu Kitô, chịu đóng đinh vì Người, với thế gian mà tôi quên mình, mang thương tích vì Chúa Kitô.” Và trong niềm vui của ngày cứu độ, chúng ta lại trào dâng niềm tri ân qua khúc khải hoàn ca Alleluia, Chúa đã sống lại…

CatBui
114.864864865135.135135135250