21/06/2024 -

Các cộng đoàn

340
Yếu đuối

Yếu đuối là tà áo chung của cả nhân loại, ai cũng phải mang. Mỗi người một lãnh vực, người thì về tình cảm, người khác lại nghèo túng tinh thần, người khác lại kém khả năng…

Theo cái nhìn thiển cận, người càng nhiều yếu đuối càng dễ bị người khác coi thuờng. Vì vậy, con người rất sợ yếu đuối, họ luôn tìm cách trốn tránh và che đậy bao nhiêu có thể. Nhưng người ta chỉ có thể che đậy yếu đuối chứ làm sao có thể trốn tránh được, vì nó là một phần bản tính của con người. Người xưa có câu “nhân vô thập toàn.” Đã là người không ai hoàn hảo, ai cũng mang trong mình sự yếu đuối. Họ cho rằng yếu đuối là một cái ách, hèn kém, do đó họ luôn tìm cách khẳng định mình và chứng tỏ mình. Bằng mọi cách họ sẵn sàng loại bỏ những kẻ yếu thế hơn mình. Càng chứng tỏ mình bao nhiêu thì người khác càng dễ nhận ra sự giới hạn của họ. Những người này thường đánh giá mình cũng như người khác bằng những giá trị vật chất, hình thức bên ngoài.

Cha Anthony De Mello đã từng nói : “Những người không phạm một lỗi nào là những kẻ phạm lỗi lớn nhất. Bởi họ chẳng cố gắng điều gì mới.” Câu nói này cũng thật dễ hiểu cho những người tự cho mình là chuẩn mực của xã hội, họ luôn tự hào về mình. Nhưng thực ra họ đang là những kẻ thật đáng thương “có tội mà không biết mình có tội”. Bên cạnh cái nhìn phiếm diện đó lại có cái nhìn rất lạc quan và tin tưởng như : Thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Côrintô nói : “Nếu cần phải tự hào thì tôi chỉ tự hào về sự yếu đuối của tôi” (2Cr 11, 30). Thánh Têrêsa nói thêm : “Tôi không buồn khi thấy mình là chính sự yếu đuối, trái lại, tôi tự hào về sự yếu đuối đó.” (MTH CIX tr.117).

Chính trong sự yếu đuối, các ngài cảm nhận được tình thương vô biên của Thiên Chúa và làm chứng cho Người. Đó là yếu đuối dưới cái nhìn của con người, còn với Thiên Chúa thì sao ? Kinh Thánh nhìn sự yếu đuối là sa ngã và tội lỗi. Khi lâm vào yếu đuối, cùng đồng nghĩa với việc họ bị rơi vào tình trạng lầm lỗi, sa ngã và mất giá trị. Nhưng yếu đuối cũng là điểm hẹn để chúng ta gặp gỡ Chúa. Vì Chúa Giêsu đã từng nói : “Con Người đến để tìm cứu những gì đã hư mất” (Lc 19,10). Tin Mừng còn kể lại, nhiều lần Đức Giêsu đã dùng cơm trong nhà những người tội lỗi, thu thuế. Chúa đến trần gian cũng để giải thoát con người khỏi xích xiềng, nô lệ tội lỗi. Vì vậy, ta có thể xác định mục đích mà Thiên Chúa hướng đến là những người tội lỗi. Sở dĩ vậy, vì trong tội lỗi con người mới nhận ra tình yêu Thiên Chúa và chạy đến với Người qua việc ăn năn, sám hối. Chính khi yếu đuối tội lỗi là con người trở về với chính mình. Thiên Chúa là Đấng nhân hậu, khôn ngoan vô cùng. Người biết ta hơn ta biết Người, Người biết ta cần gì, thiếu gì. Người luôn sẵn sàng chờ đợi chúng ta, chỉ có điều ta có biết quay lại với Người không? Thánh Augustino đã nói : “Khi tạo dựng, Thiên Chúa không cần con người; nhưng để cứu chuộc, Thiên Chúa cần sự cộng tác của con người.” Quả thế, trong tình yêu, Thiên Chúa luôn là tác nhân đệ nhất, nhưng chỉ mình Người, chưa đủ. Lịch sử Giáo hội cho chúng ta một minh chứng về hai nhân vật Phêrô và Giuđa. Hai người đều mang tội trạng giống nhau, nhưng Phêrô biết cộng tác với Chúa, van nài tình thương của Người nên đã được thứ tha. Còn Giuđa đã không nhận ra và chối từ tình thương Chúa nên mang án phạt.

Trong tội lỗi, quyền năng của Thiên Chúa được thể hiện: “Ôi tội hồng phúc”. Nói như vậy không phải để khuyến khích con người phạm tội, sau đó Thiên Chúa chứng tỏ uy quyền của Người. Nhưng “ở đâu tội lỗi lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội.” (Rm 5,20)

Yếu đuối không hẳn là xấu, nếu như con người biết nhìn nhận sự yếu đuối của mình.

Nỗ lực tránh lầm lỗi là điều phải làm, nhưng bất mãn vì không tránh hết được thì thật sai lầm. Bởi vì yếu đuối là một phần bản tính con người. Chúng ta phải luôn đi tìm sự trọn hảo và chấp nhận vấp ngã để nhận ra sự giới hạn của bản thân.
Thiên Chúa là Đấng trung thành, Người không bỏ ta khi ta bỏ Người.

Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa và xin cho con biết con. Biết Chúa để con yêu mến Người nhiều hơn. Biết con để con nhìn rõ mình chỉ là tạo vật đầy yếu đuối cần bàn tay Người nâng đỡ, chở che. Đồng thời con biết nhìn yếu đuối để con dễ thông cảm và chấp nhận anh chị em của con.” 

NN
114.864864865135.135135135250