05/08/2022 -

Các khối huấn luyện

308
Chiếc chìa khóa vạn năng

Thiên Chúa đã dựng nên con người để con người nhận biết, phục vụ và yêu mến Thiên Chúa. Ngài đặt để nơi con người khao khát nên hoàn thiện và để nên hoàn thiện con người cần tương quan với người khác. Mối tương quan này được xây dựng trên nền tảng việc thực hành bác ái. Bác ái chính là tình yêu cao cả được trao ban cho mọi người. Bác ái cũng chính là linh đạo của Ki-tô giáo, nhất là trong đời sống thánh hiến, bác ái làm nên hình ảnh Đức Ki-tô nơi người dâng hiến. Bác ái trong đời sống cộng đoàn như chiếc chìa mở ra một đời sống trọn hảo giúp chúng ta trưởng thành, sống nên người hơn. Nhưng thực hành việc bác ái này không phải là việc đơn giản. Chúng ta có thể giúp người khác những nhu cầu vật chất giúp họ vượt qua những khó khăn nhưng trong cộng đoàn thì không chỉ có vậy. Thực hành bác ái trong đời sống cộng đoàn đòi hỏi bản thân mỗi người, cách riêng bản thân tôi sống dấn thân hơn. Bởi đây không chỉ là cộng đoàn nhưng là một gia đình, sống tình nhiều hơn sự công bằng. Điều này đòi hỏi mỗi thành viên phải suy xét, chọn lựa và hành động cách hợp lý để mang lại bầu khí yêu thương, cảm thông với nhau. Để cuộc sống cộng đoàn không chỉ có lý mà còn chan chứa tình yêu của Chúa trong tâm hồn mỗi thành viên và cùng nhau xây dựng cộng đoàn.

Cánh cửa cộng đoàn

Có rất nhiều cánh cửa mở để ra đời sống cộng đoàn, cộng đoàn có “yên” thì cũng do mỗi thành viên biết mở cánh cửa cộng đoàn, có “sóng gió” thì cũng do trong cộng đoàn thiếu đi cánh cửa nào đó.

Trong cộng đoàn để yêu chị em, tôi phải có tình bác ái là đi đến chỗ xê dịch được trọng điểm của mình, thay vì để nó nằm ở chính mình thì đưa vào trong Thiên Chúa và chị em. Luôn lấy Chúa là trung tâm để tôi có nói thì hãy nói lời của Chúa, làm thì hãy làm như Chúa, suy nghĩ thì cũng hãy suy tư như Chúa trong cầu nguyện. Cộng đoàn có hạnh phúc khi tôi biết sống đón nhận chị em. Điều này chứng tỏ tôi không sợ hãi nhưng với một con tim tự do, rộng mở tôi sẵn sàng đưa bàn tay để đón nhận cũng như để chia sẻ, không mặc cảm tự tôn hay tự ti, bởi biết rằng tôi luôn có một kho báu cần chia sẻ, và người khác có một kho tàng để ta hiệp thông. Cộng đoàn luôn bình an khi mỗi thành viên và chính tôi mang trong mình sự tha thứ. Đây là điều cần thiết và quan trọng vì trong đời sống cộng đoàn, và để xây dựng tình bác ái, trước hết chúng ta phải biết tha thứ cho nhau. Thực vậy, ai cũng có những sai sót, những lầm lỗi dẫn đến những đổ vỡ khiến bầu không khí cộng đoàn nên nặng nề, căng thẳng ngăn cản đời sống thiêng liêng cũng như tinh thần nơi từng thành viên. Nguyên nhân chính là chính tôi chưa có một tình yêu thật sự, thiếu vắng đức ái trong cộng đoàn. Mà để sống và xây dựng cộng đoàn tôi cần tập sống tha thứ cho nhau. Bởi bản chất nơi con người là bất toàn, luôn luôn cần đến sự tha thứ của Thiên Chúa và của nhau. Cộng đoàn phát triển là nhờ những con người luôn hết mình phục vụ, và tôi cũng phải là một con người sống phục vụ để không ai trở thành gánh nặng của ai. Phục vụ là sống âm thầm, luôn biết quên mình, ân cần, quan tâm đến người khác. Trong cộng đoàn nếu có được một người có tinh thần phục vụ thì đời sống cộng đoàn sẽ rất nhẹ nhàng, bầu khí trở nên dễ chịu và cởi mở, bởi lẽ người ta dễ dàng đón nhận những vất vả, mệt nhọc, những khó khăn thiếu thốn khi nhìn thấy sự hy sinh âm thầm của một ai đó. Như một tấm gương thúc đẩy người khác cùng theo, cũng là một động lực giúp tôi tiếp tục nỗ lực phục vụ xây dựng cộng đoàn. Sự thành công của một tập thể, một cộng đoàn là nhờ sự góp mặt của từng chị em, sự cộng tác đòi hỏi phải quên mình. Như vậy, trong thành công chung, người ta không nhìn thấy bóng một cá nhân nổi bật mà thấy một tập thể đoàn kết, nhiều khả năng được cộng lại. Cộng đoàn bền vững chính là nhờ đời sống thiêng liêng và cầu nguyện được duy trì và coi trọng, vì đó là động lực, là sức mạnh giúp chúng ta vượt qua những yếu đuối, chán nản, thất bại trong đời sống cộng đoàn.

Vậy phải sống làm sao cho đúng, phù hợp để không xảy ra trường hợp thái quá cũng không tốt mà bất cập cũng không hay?

Chìa khóa vạn năng mở cánh cửa cộng đoàn

Đời sống cộng đoàn cần thiết là việc thực hành bác ái với nhau, và việc thực hiện bác ái chính là chiếc chìa khóa để giúp tôi mở ra mọi cánh cửa của đời sống cộng đoàn

Bác ái giúp tôi khôn ngoan dễ dàng thoát khỏi tình trạng thái quá hoặc bất cập khi làm bất cứ việc gì. Khôn ngoan đây không phải để tìm cho được cách lấy lòng người này hay vừa lòng người kia nhưng là khôn ngoan để có một tương quan, một cách ứng xử vừa phải với tất cả mọi người. Tất cả chị em cùng tụ họp lại trong một hội dòng để cùng thực hiện lý tưởng của mình là làm sáng danh Chúa Ki-tô nơi trần gian này. Tuy nhiên, ai cũng có những ưu điểm cũng như khuyết điểm riêng của mình. Tôi cần học cách đón nhận chị em như chính “như Đức Ki-tô đã đón nhận anh em, để làm rạng danh Thiên Chúa”
[1]. Nhưng đón nhận như thế nào để từ đó giúp nhau thăng tiến chứ không phải để chỉ trích, bêu xấu nhau. Trước một vấn đề bác ái sẽ giúp tôi khôn ngoan nhìn nó như chính nó chứ không theo cái nhìn của cá nhân mình. Như thánh Tôma nói: phải xét một sự vật tại sự trước khi so với sự vật khác. Bởi mỗi sự vật đều có đặc điểm riêng của mình. Chính tôi phải nhìn dưới lăng kính của Chúa rồi mới nhìn đến sự việc. Với cái nhìn như vậy sẽ “mang lại cho tôi sự ngọt ngào chứ không phải cay đắng, sự nghỉ ngơi chứ không phải sự mệt nhọc” khi sống trong cộng đoàn[2]. Và tôi có một thái độ đón nhận chị em một cách khách quan hơn.

Nhờ đó, tôi có cơ hội hiểu được chị em cũng cho mình cơ hội hiểu chính mình. Như vậy, tôi sẵn sàng phục vụ chị em trong tình thương,
[3] tập sống tha thứ cho nhau trong tình mến, [4]cùng chia sẻ với chị em cả đời sống thường ngày cũng như trong lời cầu nguyện. Nếu không chính tôi sẽ khiến cộng đoàn đông cứng và chết ngạt, dòng nước sự sống của cộng đoàn sẽ không được luân chuyển sẽ bị tù hãm rồi cạn khô. Điều này cũng phù hợp với các mối phúc Chúa Giê-su đã dạy, nhất là mối phúc thứ bảy là “làm cho người hòa thuận”. Sống như vậy, tôi mới tạo được bầu không khí an hòa trong cộng đoàn. Người khôn ngoan là người kiến tạo được hòa bình. Hòa bình trong thực hành bác ái. Nhờ đó tôi trở nên người con đích thực của Thiên Chúa (Rm 8,39).[5]

Bên cạnh đó, Thiên Chúa ban cho tôi một linh hồn và tài năng như những nén bạc để ta phục vụ Chúa và tha nhân. Chính bản thân tôi sẽ phải trả lời với Thiên Chúa về những gì ta đã làm với những nén bạc Chúa trao. Bác ái trong cộng đoàn giúp tôi công bằng biết chia sẻ những gì mình có để giúp chị em cũng như tôn trọng những tài năng của chị em. Để ta sống hết tình, hết mình cho cộng đoàn sẵn sàng chia sẻ cả về vật chất lẫn tinh thần cho nhau. Tuy không dư giả nhưng tôi cũng có những thứ để chia sẻ cho chị em như: đồ dùng, các phương tiện làm việc, máy móc,…vì không ai có thể sắm đủ thứ cho mình cho công việc của mình, nhưng khi cần thì đã có chị đặc trách từng công việc có thể chia sẻ cho nhau, chị em giúp nhau thành công. Chúa ban cho mỗi người một tài năng: chị em đàn giỏi, hát hay thì tôi có tài nấu ăn; các chị trang trí đẹp thì tôi có công dọn dẹp gọn gàng, sạch sẽ; tôi không có khiếu hài hước, không có khiếu kể chuyện nhưng Chúa ban cho tôi tính hoạt bát, nhiệt tình cũng như chu đáo cẩn thận. Khi cộng đoàn hay chị em nào có nhu cầu là tự nhiên nghĩ ngay đến khả năng của người chị em đó, và mỗi người thực hành bác ái trong cộng đoàn bằng chính nén bạc Chúa trao ban để xây dựng cộng đoàn. Chúa không lấy đi tất cả của ai cũng không ban tất cả cho một người. Tôi cũng phải luôn nhìn ra những khả năng mình có và biết cách sử dụng cho tốt những điều đó. Tôi cần bỏ đi tính ỷ nại, tự ti nhưng cũng không nên tự tôn thái quá mà không nghĩ đến sự cộng tác của chị em đã trợ giúp mình. Cộng đoàn cũng như một thân thể được gắn kết từ nhiều bộ phận cùng tương quan cùng hoạt động, cùng nhau sống. tôi cũng là một bộ phận trong đó. Nếu tôi sống nửa vời, ngưng trệ thì các bộ phận khác cũng bị ảnh hưởng.

Việc thực hành bác ái trong cộng đoàn giúp tôi can đảm rất nhiều. Đối với tôi đức can đảm giúp tôi thực hiện việc bác ái cách tốt nhất và làm cho đến cùng. Bởi bác ái thường mang dấu tích của thánh giá, không ai có thể học yêu, thực hành yêu mà không trải qua hay chấp nhận đâu khổ. Nhà thơ Xuân Diệu viết “yêu là chết trong lòng một ít” nhưng trong đời sống cộng đoàn muốn yêu tôi phải chết đi chính mình. Thánh Phaolô dạy “hãy mến nhau tha thiết, kính trọng nhau, hãy coi kẻ khác hơn mình”
[6]. Để làm được điều đó, tôi phải dám từ bỏ mình thì mới đón nhận được người khác. Thật vây, chúng ta là những con người bất toàn, chưa hoàn thiện, ai cũng có nhiều khiếm khuyết nên sẽ có những sai sót, xích mích, đổ vỡ. Đức can đảm giúp tôi thực hành bác ái qua việc từ bỏ những ích kỉ, những rào cản để bước đến tha thứ cho nhau, kiến tạo một cộng đoàn hòa thuận, an vui. Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II nhấn mạnh đến việc tha thứ trong cộng đoàn “Dù sao đi nữa, những biến cố trong cuộc sống hằng ngày chứng tỏ rõ ràng rằng sự tha thứ và hòa giải cần thiết biết bao cho sự canh tân cá nhân và xã hội. Điều này không chỉ đúng trong quan hệ giữa cá nhân với nhau mà còn trong phạm vi các cộng đồng và các dân tộc”[7]. Sống cộng đoàn là trường học của sự tha thứ và giúp chúng ta sống tâm tình tha thứ luôn như lời Chúa dạy “tha thứ bảy mươi lần bảy”[8]. Tôi đã trải qua một kinh nghiệm của sự tha thứ khi bị tổn thương, dường như đánh đổi cả ơn gọi của mình. Nhờ sự hướng dẫn khôn ngoan và sự can đảm Chúa giúp tôi vượt qua thử thách lúc bấy giờ. Có câu nói: “tha thứ không đồng nghĩa là quên”. Thật vậy, tôi đã tha thứ nhưng vết thương đó vẫn còn, vẫn đau mỗi khi chạm đến. Điều này nhắc nhở tôi nhớ đến lời Chúa Giê-su dạy là tha thứ luôn luôn. Là một người môn đệ của Chúa tôi cần thực hiện điều này. Nhờ can đảm tôi chiến thắng những suy nghĩ tiêu cực trong mình mà luôn sống tâm tình tha thứ. Đức can đảm cùng với ơn Chúa nâng đỡ tôi đứng vững trước mọi nguy cơ cám dỗ hướng chiều về sự xấu và các dịp khiến tôi phạm, trong cộng đoàn chính là tránh đi việc nghĩ xấu, nói xấu... bề trên, chị em. Điều này làm cho cộng đoàn bị xáo trộn, mất bình an.

Để can đảm thực hiện điều này không phải dễ, nhưng chính Đức Giê-su là một mẫu gương để tôi sống và noi theo. Chính Chúa thêm sức mạnh để cam đảm sống cho điều thiện, nhất là làm điều thiện cho anh em cùng gia đình đức tin
[9]. Đây còn hơn gia đình đức tin mà còn là những con người cùng chí hường, cùng lý tưởng sống cùng một cùng đích duy nhất. Bác ái thêm sức can đảm giúp tôi khi một người chị em gặp chuyện bất công mà không ai dám đứng ra bênh vực vì sợ “họa vô đơn chí”. Đức can đảm thêm động lực cho tôi dũng cảm sống theo sự thật mà giúp đỡ chị em đến cùng khi dám từ bỏ quyền lợi của mình.

Thực hành bác ái là quan trọng nhưng không phải thế mà chúng ta chỉ biết là bác ái mà không cần để ý đến các yếu tố khác, công việc bổn phận khác nhiều khi còn ảnh hưởng đến cả sức khỏe của mình, chính mình lại bất công với mình. Nhiều khi tôi lấy lý do làm việc bác ái cho chị em nhưng lại mang ý nghĩa tôn vinh mình vì đã làm được nhiều việc tốt, vô tình mình tự tôn mình lên, hay làm việc bác ái giúp chị em quá mà quên đi công việc bổn phận của mình vô tình ta lại lỗi bác ái với chị em khác, hay làm bác ái quá đánh mất cả những giây phút linh thiêng của cầu nguyện riêng tư với Chúa. Bởi cầu nguyện là điều cần thiết cho cuộc sống của người tu sĩ. Qua chia sẻ thiêng liêng và cầu nguyện giúp chúng ta gặp gỡ Chúa sẽ làm thăng tiến đời sống thiêng liêng và được gặp gỡ nhau. Khi cùng hướng về một tâm điểm là Chúa Giêsu, tôi hiểu chị em, dễ tha thứ, dễ đón nhận và yêu nhau. Đánh mất cầu nguyện tôi dễ dàng đánh mất những thứ khác. Cho nên khi làm bất cứ việc gì tôi cũng cần biết rằng bác ái cũng cần sự tiết độ, sắp xếp lại mọi việc cho phù hợp. Thế nhưng không thể nói “chỉ lo cầu nguyện mà không hoạt động”. Tôi cần dung hòa mọi chuyện, nhất là trong ơn gọi Đa Minh hoạt động và chiêm niệm luôn đi đôi với nhau. Bác ái là giúp đỡ nhau là việc tốt nhưng làm việc quá thì cũng thấy mệt, rồi tôi cáu gắt khó chịu, nhìn chị em với con mắt xét đoán. Tôi từ làm bác ái chuyển sang thiếu bác ái với chị em.

Như vậy, chiếc chìa khóa bác ái cũng cần tiết độ giúp tôi cân bằng và làm mọi việc một cách vừa phải, giúp tôi bớt đi cái xấu mà gia tăng điều tốt. Tiết độ không những giúp tôi cân bằng việc làm mà còn giúp tôi là chủ cả tư tưởng của mình là những thái độ bác ái với chị em. Tôi bớt đi những hành vi xét đoán bằng những cử chỉ cảm thông, khích lệ dễ bỏ qua; bớt đi những lời nói khó nghe, tiêu cực bằng những lời nói chân thành, tích cực lạc quan; thay vì thờ ơ, an phận thì tôi nhiệt thành, hăng say, dấn thân hơn, sẵn sàng đón nhận những sứ vụ mà Hội dòng trao phó bằng tinh thần trách nhiệm, cẩn thận và quảng đại.

Kết

Đời sống cộng đoàn là một trong những cột trụ của đời sống Đa Minh. Bác ái trong cộng đoàn chính là việc tôi xây dựng cộng đoàn bằng việc từ bỏ cái tôi ích kỉ của mình mà hướng đến chị em. Do đó, tôi cần từ bỏ thói bảo thủ, lười biếng, ỷ lại, hay trốn tránh trách nhiệm, nhất là tâm trí là bè phái, phe nhóm để mỗi người sống hoà nhập với hết mọi người, không ai cảm thấy bị lạc lõng, cô đơn; cũng đừng đòi hỏi ở người khác quá nhiều nhưng sống yêu thương, giúp đỡ và đùm bọc nhau luôn hướng đến những lợi ích chung cho cộng đoàn. Thánh Augustino cũng đã dạy: Đừng ai làm việc gì vì tư lợi nhưng luôn hướng đến lợi ích chung, và làm chúng một cách nhiệt thành, nhanh nhẹn. Bởi “Đức ái không tìm tư lợi”
[10] nghĩa là có làm bác ái thì cũng luôn đặt ích chung lên trên ích lợi riêng vì càng lo cho công ích hơn lợi riêng bao nhiêu thì chính mình lại càng tiến bộ về đường nhân đức bấy nhiêu.[11] Từ đó, chị em sẽ sống hết mình và yêu thương nhau “để cứ dấu này, mọi người nhận biết anh em là môn đệ Thầy”.[12]

Maria Hoàng Lan
 
[1] Rm 15,7
[2] Thomas de Aquinas, ST IIa-IIae,q45,a3,ad3
[3] Gl 5,13
[4] Ep 4,32
[5] Thomas de Aquinas, ST IIa-IIae, q45,a6,ad1
[6] Rm12,10
[7] ĐGH. Gioan Phaolô II
[8] Mt 18,22
[9] Gl 6,9-10
[10] 1Cr 13,5
[11] Thánh Augustino. Tu luật, chương VIII số 27
[12] Ga 13,35
114.864864865135.135135135250