Nhìn vào thực trạng xã hội ngày nay, con người đang bị cuốn vào vòng xoáy của công nghệ, tiện nghi, hưởng thụ … dẫn con người tiến đến sự thờ ơ, vô cảm với những chiều kích tinh thần khác trong mối tương quan giữa người với người cũng như giữa người với vũ trụ. Thay vì tìm cách để làm cho cuộc sống này thêm giá trị và ý nghĩa thì vô tình hay hữu ý con người lại biến nó trở thành tệ hại hơn. Thực trạng xã hội như thế đã để lại trong tâm hồn tôi một nỗi thao thức được trở nên khí cụ của Chúa cho thế giới hôm nay. Càng thao thức bao nhiêu, thì niềm cậy trông và hi vọng của tôi càng tăng lên bấy nhiêu.
Có thể nói, cuộc sống càng hiện đại bao nhiêu thì đời sống của người tu sĩ càng phải chiến đấu hơn bấy nhiêu. Các thiết bị truyền thông hiện đại đang chiếm vị trí ngày càng quan trọng trong đời sống và chiếm rất nhiều thời gian của người tu sĩ; những tiện nghi vật chất đang thay thế cho những phương thức khổ chế, nhiệm nhặt; những bận rộn lo toan cho công việc và cho các mối tương quan đôi lúc lớn hơn lòng nhiệt thành tông đồ và che khuất thao thức sống căn tính đời tu... Người bước theo con đường thánh hiến thì nhiều, nhưng người thực sự dâng hiến bản thân để sống cho Chúa và cho tha nhân thì có là bao. Bước theo Chúa trong đời tu, nhưng có mấy người cùng chung nỗi lòng thao thức với Chúa? Nhiều lúc chúng ta cũng có thao thức, nhưng là thao thức trong những tham-sân-si của con người: thao thức làm sao có được vị thế trong cộng đoàn, thao thức thành công trong việc tông đồ để được nhiều người biết đến, thao thức đi du học để đánh bóng cho bản thân,...
Nhìn vào sự thao thức nơi Chúa Giêsu, Ngài thao thức về một đoàn chiên không người chăn dắt; Ngài thao thức về cánh đồng đầy lúa chín mà thiếu thợ gặt; Ngài thao thức về “phép rửa” là sứ vụ của Ngài để thi hành thánh ý Chúa Cha,...Chính vì sự thao thức đó mà: “Đức Giêsu Kitô không nghĩ phải nhất quyết duy trì, địa vị ngang hàng với Thiên Chúa. Nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế”(Pl 2,6-7). Chưa dừng lại ở đó, “Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu” (Pl 2,8-9). Một Thiên Chúa đã chọn sống dưới thân phận con người để mang lại hạnh phúc và bình an cho nhân loại.
Là người môn đệ của Chúa trong Hội Dòng Đa Minh Rosa Lima, tôi ước mong bản thân luôn biết mang trong mình nỗi thao thức của Chúa. Từ khi tôi được đặt chân đến làng Tok- một cứ điểm truyền giáo mà qúy Dì trong Hội Dòng đang phục vụ- trái tim tôi dường như được thúc giục hơn về lửa nhiệt tâm của người tông đồ, và phần nào cũng thay đổi não trạng của tôi về cách phục vụ mà Chúa muốn người tu sĩ của Chúa cần phải làm. Nhìn thấy viễn cảnh tương lai của đời sống sứ vụ đã không làm tôi lo lắng hay nhụt chí, trái lại càng làm tôi thêm phần quyết tâm cũng như trân trọng những gì mà tôi đang được lãnh nhận và tặng ban.
Sự thao thức không phải chỉ dừng ở lý thuyết, càng không phải để cất giữ trong tâm trí rồi cho qua, nhưng những thao thức ấy là để tôi hiện tại hóa và sống hy vọng hơn. Sự thao thức càng mãnh liệt trong lòng tôi bao nhiêu, thì tôi càng phải cố gắng thể hiện ra cuộc sống hiện tại bấy nhiêu. Càng nghĩ đến những mảnh đời đau khổ thiếu thốn cả về tinh thần lẫn vật chất, tôi càng phải cố gắng nhiệm nhặt hơn trong cách tiêu xài, càng phải cư xử yêu thương hơn trong cách tương quan với chị em. Thay vì dành thời gian để gây ra khó khăn, để làm cuộc sống của cộng đoàn thêm mệt mỏi với những cái vô bổ: nói hành, nói xấu, ganh đua, chì chiết nhau,...thì tôi nên dành thời gian để hướng về họ trong những lời kinh, thánh lễ và những hi sinh nhỏ bé hằng ngày. Đức cố Hồng Y Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận từng nói: “Lãnh nhận một trách nhiệm tông đồ là sẵn sàng chấp nhận chịu “tử đạo” bởi mọi người, ở mọi nơi, bằng mọi cách, với tất cả yêu thương và bền chí (ĐHV 313). Hay như người ta vẫn thường nói: khi bạn yêu ai đó thì bạn sẽ có những sáng kiến và sáng tạo để tìm ra cách yêu thương. Cũng vậy, khi tôi thao thức cùng Chúa, có lẽ tôi cũng sẽ tìm ra những phương thế để làm cho những thao thức ấy được thể hiện một cách cụ thể. Có như thế thì sự thao thức của tôi ít là cũng được hiện tại hóa ngay trong cuộc sống qua từng giây phút mà tôi đang hoàn trọn.
Thiên Chúa đã từng thao thức và Ngài vẫn hằng thao thức với nhân loại. Ngài không muốn sự thao thức của Ngài được đáp trả bằng những nỗi sợ: sợ khổ, sợ khó hay sợ dấn thân. Mỗi người tu sĩ được đào tạo, được rèn luyện, được nuôi dưỡng là để nhận ra chân giá trị của đời thánh hiến và để trở thành người tông đồ nhiệt tâm cho Chúa và Giáo hội.
Hội Dòng Đa Minh Rosa Lima của tôi đã hình thành và phát triển được 50 năm, điều đó cho thấy những hoa trái tốt đẹp trong hiện tại không phải ngày một ngày hai mà có, nhưng là kết quả của cả một chặng đường dài với biết bao khó khăn, thành công, nước mắt, nụ cười,....và một điều lớn lao nhất để Hội Dòng của tôi đứng vững đến ngày hôm nay đó chính là ÂN SỦNG CỦA THIÊN CHÚA. Qua việc chứng kiến sự xả thân, hy sinh không ngần ngại của qúy Dì nơi những vùng truyền giáo như một minh chứng về nỗi thao thức của Chúa đang được tiếp nối, lan tỏa và thắp lên trên tất cả mọi miền. Đời sống chứng tá của quý Dì là cầu nối để qua đó chính Chúa đã khơi lên trong tôi một thao thức trở nên sứ giả tình yêu của Chúa cho mọi người.
Mỗi ngày qua đi, tôi luôn xin Chúa cho tôi có đủ sức, đủ lòng tin và lòng mến để tôi nuôi dưỡng những thao thức của Chúa nơi tâm hồn và trở thành người môn đệ đích thực của Chúa. Nếu như ngày nào, tim tôi không còn chung nỗi thao thức với Chúa nữa thì hẳn rằng: “Đường tôi đi đã vắng bóng Chúa và con đường ấy chỉ còn lại chính tôi”.
Nguyễn Mai