“Giữa cuộc đời trăm vạn nẻo đường xin chọn con đường yêu thương” (lời bài hát Con đường Giêsu)
Lời bài hát cho chúng ta thấy cuộc sống này luôn có muôn vạn nẻo đường để con người chọn lựa và bước theo, dù chọn sống bậc gia đình hay độc thân đều có những thuận lợi và khó khăn mà chúng ta phải chiến đấu không ngừng. Đặc biệt, khi chọn sống độc thân vì Nước Trời, đòi hỏi người tu sĩ càng phải chiến đấu quyết liệt hơn. Khi tìm về cội nguồn dòng Đa Minh, chúng ta cũng nhận thấy rằng Thánh Đa Minh đã chọn đời sống cộng đoàn để nâng đỡ và phá triển đời sống anh em, nhưng vẫn còn đó những thách đố đòi hỏi sự tôi luyện bản thân của mỗi người để có được một cộng đoàn hợp nhất trong Chúa Kitô.
Đời sống cộng đoàn là thành phần chính của nếp sống Đa Minh. Thánh Đa Minh đã chọn tu luật Thánh Augustinô làm kim chỉ nam cho đời sống anh em trong dòng, thánh nhân đã nhấn mạnh đến việc kiến tạo một cộng đoàn hiệp nhất luôn phải là trung tâm điểm của ơn gọi Đa Minh. Niềm khao khát điều thiện hảo này đã được cụ thể hóa qua việc thiết lập đời sống chung: “Sở dĩ anh em đoàn tụ làm một trước hết là để anh em sống đồng tâm nhất trí trong một nhà và để anh em chỉ có một lòng một ý trong thiên Chúa” (Tu luật Thánh Ausustinô)
Trong cộng đoàn Giêrusalem tiên khởi, các tín hữu đã xây dựng đời sống chung trong đoàn kết và nhất trí vì một giá trị linh thánh, như trong sách công vu tông đồ có ghi: “Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau và để mọi sự làm của chung” (Cv 2, 44)
Sống chung không chỉ có nghĩa là sống trong một mái nhà, cùng ăn một bàn hay cùng nhau nguyện ngắm...mà còn có nghĩa là trường dạy đức ái dạy ta biết hy sinh từ bỏ mình và cũng là nơi chúng ta được các Bề trên và chị em hướng dẫn về đường tiến đức qua việc sửa bảo lẫn nhau. Điều này không chỉ biểu thị mối tương quan giữa ta với Thiên Chúa mà còn được biểu hiện trong tình yêu mến giữa anh chị em với nhau: “Ai không yêu người anh em mà họ trông thấy thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1Ga 4,20)
Chính vì thế, đời sống chung là một nét độc đáo và là một yếu tố quan trọng nhất trong nếp tu Đa Minh.
Kế đến, đời sống cộng đoàn còn được xây dựng và củng cố dựa trên nền tảng Ba Ngôi Thiên Chúa. Vì đặc tính của cộng đoàn là sự hiệp nhất mà Đức Kitô mong ước thiết tha, nguồn gốc của cộng đoàn là đáp lại tiếng Ngài mời gọi và chị em là hồng ân Thiên Chúa ban cho chúng ta. Do đó, chúng ta được mời gọi để kiến tạo cộng đoàn theo kiểu mẫu Ba Ngôi Thiên Chúa. Chính trong tình yêu thương cộng đoàn, một cá thể không làm mất đi chính mình nhưng ngược lại nhờ sự khác biệt của họ làm cho cộng đoàn trở nên phong phú hơn. Chúng ta không làm việc một mình mà chúng ta phụ thuộc lẫn nhau, cùng hỗ tương cho nhau.
Trong cộng đoàn, Chúa Thánh Thần không ngừng hoạt động để giúp chúng ta tìm kiếm ý Thiên Chúa và sống đúng với các ước muốn của Tin Mừng. Hiến pháp dòng Anh Em Thuyết Giáo số 3 cho chúng ta thấy tính chất linh đạo của sự hiệp thông như sau: “Cũng như trong cộng đoàn các thánh tông đồ, sự hiệp thông giữa chúng ta được đặt nền móng, xây cất và duy trì trong cùng một Thánh Thần. Trong Ngài, chúng ta lãnh nhận Lời từ Chúa Cha như một đức tin, chúng ta chiêm niệm Lời với một con tim, chúng ta tuyên dương Lời nhờ một môi miệng. Trong Lời chúng ta trở thành một thân thể nhờ thông dự vào một tấm bánh. Sau cùng, chúng ta nhắm tới một công tác rao truyền Phúc Âm”.
Khi nói đến việc rao truyền Phúc Âm, là chúng ta phải sống và làm chứng tá bằng chính đời sống của mỗi người chúng ta. Chúng ta không rao giảng trên lý thuyết suông mà phải bằng chính những việc làm cụ thể; và lý tưởng của đời sống cộng đoàn là:
Thứ nhất: biết chấp nhận nhau như chi thể của mình, tuy với những chức năng khác biệt nhưng hết thảy đều bình đẳng như nhau trong mối dây đức ái, biết chấp nhận nhau với những khác biệt về tính tình, về phán đoán, địa vị, vùng miền, giai cấp... nhưng sự khác biệt ấy thay vì tạo sự xung khắc đối trọi lại có thể làm giàu không những cho cộng đoàn mà còn là cơ hội cho mỗi thành viện học hỏi bổ túc cho nhau.
Thứ hai: ngoài việc chấp nhận nhau, mỗi thành viên cần phải đảm nhận trách nhiệm trong cộng đoàn, cũng như biết sẻ chia những niềm vui nỗi buồn cho nhau, giúp đỡ những gánh nặng cho nhau. Chẳng có cộng đoàn nào có thể phát triển mạnh nếu như các thành viên ích kỉ chỉ nghĩ cho bản thân, sống cùng nhau chính là cơ hội tốt nhất giúp tiến triển đời sống làm người và làm Kitô hữu. Đó là sự tiến triển trong tình yêu, tính kiên nhẫn lòng bao dung và sự rộng lượng.
Ngoài ra chúng luôn chắc chắn rằng: luôn có những thành viên lớn tuổi và bệnh tật trong mỗi công đoàn của chúng ta cũng giống như nhiều gia đình vậy. Họ làm chứng cho một phẩm giá đặc biệt của việc theo Đức Kitô trong sự yếu nhược của con người và họ cũng cho chúng ta thấy một sự tiếp nối không ngừng với quá khứ của chúng ta. Do đó, những thành viên khỏe mạnh của cộng đoàn phải bày tỏ cho những người lớn tuổi hay bệnh tật tình yêu thương, sự chăm sóc và lòng kính trọng để chứng tỏ cho họ thấy họ vẫn còn cần thiết và giá trị.
Sự khác biệt rộng lớn giữa đời sống gia đình và đời sống cộng đoàn ở chỗ những thành viên trong cộng đoàn Kitô giáo không chọn những người mà chúng ta sống chung mà là tất cả mọi miền đất nước quy tụ lại, hoàn toàn khác biệt về tuổi tác, tâm tính, vùng miền được Thiên Chúa trao gởi để sống chung với nhau và được mong đợi để kiến tạo sự tốt đẹp nhất nơi cộng đoàn. Điều này chứng tỏ cho chúng ta thấy sự hiệp thông nên một như thế thì chúng ta cũng không lạ gì khi hiến pháp dòng đặt đời sống cộng đoàn trước ba lời khấn. Đó là ba phương thế để củng cố thêm sự hiệp thông và việc tuân giữ ba lời khấn được thể hiện trong môi trường thuận lơi. Chính sự vâng phục đưa đến việc nhất trí trong công đoàn, sự khiết tịnh tạo ra tình bạn cao thượng và sự khó nghèo đưa đến việc liên đới với nhau.
Maria Hồng Hà