Thánh Gioan tông đồ nói:“Ai nói rằng mình ở lại trong Người, thì phải đi trên con đường Đức Giêsu đã đi”(1 Ga 2,6). Điều kiện ở lại trong Chúa là đi con đường Ngài đã đi. Đường thập giá đau khổ cũng là đường tình yêu dẫn tới sự sống vĩnh cửu. Xu thế thời đại là lối sống tôn sùng vật chất, chủ nghĩa cá nhân và thực dụng. Yêu thương, tha thứ, hy sinh, khiêm nhường trở nên mớ lý thuyết trong cuộc sống đầy dẫy bon chen và tranh chấp. Con đường mà Đức Giêsu kêu mời trở nên yêu sách cho mọi người.
Tôi đang bước theo Chúa trên con đường ấy. Không thiếu những lần mỏi chân chùn bước và chán nản, tôi kéo lê thánh giá mỗi ngày. Lòng tôi không đủ rộng để đón nhận những khuyết điểm của người khác. Theo Thầy, nhưng tôi chẳng giống Thầy: Thầy dạy yêu thương- tôi ganh ghét. Thầy dạy tha thứ, hy sinh, khiêm nhường - tôi chấp nhất, tìm kiếm lợi ích cho mình và kiêu ngạo.
Một ngày tồi tệ, tôi tìm đến Chúa như một đứa con hoang đàng trở về. Lặng nhìn thập giá, cảm xúc trong tôi tuôn trào. Lời Chúa nói với các môn đệ khi xưa cũng vang lên thật rõ trong lòng tôi lúc này: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy ... hãy ở lại trong tình thương của Thầy.” Lần đầu tiên tôi cảm nhận thật sâu sắc về việc làm con Chúa, làm môn đệ Chúa. “Chúa gọi con là người con bé nhỏ ư? Chúa muốn con ở lại với Chúa ư…? bé nhỏ thì chắc chắn sẽ được yêu thương che chở và được tha thứ nhiều, ở lại thì chắc chắn sẽ được lợi…”. Tôi cảm thấy có sự thôi thúc mãnh liệt: Hãy thay đổi bản thân, hãy trở về với tình yêu của Chúa, sống tâm tình con thảo với Chúa và sống tình hiệp thông với anh chị em, hãy học theo gương Chúa Giêsu và sống điều Người truyền.
Được thúc đẩy, tôi phải làm điều gì đó để thay đổi. Trước tiên là ở lại với Chúa: Tôi tập kiên trì, trung thành giữ giờ thiêng liêng và thêm giờ cầu nguyện riêng. Ngoài ra, khi làm việc, học hành, tương quan ... tôi quan sát từng chuyển động trong nội tâm để đi theo sự hướng dẫn của Chúa. Ban đầu, tôi gặp nhiều khó khăn: lúc quên, lúc nhớ, lúc sốt sắng khi nguội lạnh, chia trí. Không nản chí, tôi tiếp tục cố gắng vì có Chúa là động lực, dẫn đường và đồng hành. Bên cạnh đó, tôi được quan tâm hướng dẫn từ các Dì hữu trách. Qua thời gian, tôi biết yêu Chúa, nhạy bén trước lời mời gọi của Chúa và nhu cầu của tha nhân. Tôi cũng dễ cảm thông, tha thứ cho những thiếu sót, yếu đuối của chị em.
Càng ở lại với Chúa, tôi càng dễ dàng nhận ra những thiếu sót của bản thân. Khi suy nghĩ, nói năng hay làm điều gì không tốt, tôi cảm thấy xấu hổ với Chúa. Ở với Chúa, tôi nói cho Chúa nghe nhiều điều, trong đó có những ý nguyện của người thân. “Khi đến với Chúa, con đừng đến với hai bàn tay trắng, nhưng hãy luôn mang theo những ý nguyện làm lễ vật dâng lên Ngài.” Vì vậy mỗi ngày tôi đều tập cho mình mang theo một điều gì đó để đến với Chúa: tôi mang theo Giáo hội, xã hội, Hội dòng, gia đình, những người đau yếu bệnh tật, những người đã qua đời, những tội nhân, những người chưa biết Chúa… nhờ việc mang theo mình những người có liên hệ với tôi cách này hay cách khác mà dần dần tôi ý thức được mình phải có trách nhiệm với mọi người, và mọi vấn đề xung quanh. Giờ cầu nguyện trở nên sốt sắng hơn và ý nghĩa.
Thánh Augustino đã nói rằng: “Hãy khao khát cầu nguyện luôn luôn ngay cả khi miệng lưỡi im bặt. Nếu bạn ao ước luôn luôn thì bạn sẽ cầu nguyện luôn luôn. Khi nào cầu nguyện bị ngủ quên? Đó là khi ước muốn trở nên lạnh nhạt”. Tôi xin Chúa cho mình luôn có sự khao khát cầu nguyện, khao khát yêu mến Chúa, để qua cầu nguyện Chúa giúp tôi biến đổi, canh tân con người cũ để trở nên xác tín, can đảm dấn bước trên con đường thập giá, con đường mà Thầy Giêsu đã đi.
Maria Kiều Thành