14/11/2021 -

Các khối huấn luyện

350
Đâu là bầu trời của Thiên Chúa?

Công nghệ phát triển, con người lo chạy theo những xu hướng hiện đại và dường như Thiên Chúa đang dần bị lãng quên. Thật vậy, nếu người tu sĩ hôm nay xem nhẹ đời sống cầu nguyện, hoặc không cầu nguyện thì không còn là tu sĩ nữa. Từ việc lơ là đời sống cầu nguyện, người tu sĩ vướng phải những rào cản trong đời sống cộng đoàn, kỉ luật và ngay cả việc tuân giữ Ba lời khuyên Phúc âm. Một khi xem nhẹ hay lơi lỏng việc tuân giữ lời khấn, người tu sĩ đang dần dần tục hóa đời sống thánh hiến của mình. Sự tục hóa ít nhiều cũng ảnh hưởng đến nếp nghĩ, thái độ và cách hành xử của họ. Thử nhìn lại hiện trạng, nguyên nhân và tìm hướng giải quyết là ước mơ nhỏ bé của người viết trong bài này.

1. Lời khấn khiết tịnh

Khi khấn giữ lời khấn khiết tịnh, người tu sĩ tự nguyện hiến dâng cho Chúa một tình yêu trọn vẹn không chia sẻ để phụng sự và yêu mến Chúa hết linh hồn hết trí khôn… (Mt 22,37). Quả thật, đức khiết tịnh mang nét đẹp thánh thiêng làm người ta thanh thoát nhưng lại “mỏng manh dễ vỡ. Chính Chúa Giêsu cũng đã dạy chúng ta: “Hễ ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi” (Mt 5, 27). Vì vậy, mang thân phận con người yếu đuối, nếu không cẩn thận và thiếu sự cậy dựa vào Chúa, chúng ta rất dễ lỗi lời khấn khiết tịnh và tục hóa đời tu của mình.

Từ sự dung dưỡng con người thể lý quá mức, lại thiếu hãm mình khổ chế, khiến bản năng đòi hỏi thêm mãnh liệt, và tệ hại hơn khi tiếp xúc với người khác phái không ý tứ giữ gìn ngũ quan, chủ quan cho rằng mình có bản lĩnh… Từ những lỗi trong tư tưởng dẫn đến những vấp ngã nơi thân xác sau đó. Thiếu cầu nguyện, thiếu ơn Chúa nâng đỡ, sự nhu nhược ý chí hoặc kiêu căng, cố chấp của mình, không nghe tiếng nhắc bảo của lương tâm, không dám bộc lộ với cha linh hướng, không thật lòng khi xưng tội… Theo thời gian, sự ngã càng lúc càng trầm trọng, lời khấn khiết tịnh bị tục hóa và có nguy cơ đánh mất ơn gọi của mình.

Với hiện trạng sống xã hội hóa - toàn cầu hóa, những điều tích cực vươn cao nhưng bên cạnh cũng không thiếu những tiêu cực bén gót, lời khấn khiết tịnh rất dễ có nguy cơ bị tục hóa, bù đắp. Phải nói rằng, khi thiếu đời sống cầu nguyện người tu sĩ cảm thấy cô đơn. Đây thật sự là thách đố dai dẳng đối với đời tu không trừ ai. Khi đi công tác tông đồ, mục vụ nơi xa xôi mà thiếu sự nâng đỡ bảo vệ của cộng đoàn. Cảnh sống vắng lặng đơn chiếc và nỗi cô đơn gặm nhấm từng ngày khiến người ta rất dễ xuôi chiều và tìm kiếm tình cảm lấp vào khoảng trống đó.

Rồi, những nhận thức lệch lạc liên quan đến tính dục hoặc bị bản năng lôi cuốn dẫn đến những biến tướng nghịch với đức khiết tịnh mang tính tai họa cho đời tu,... Đây là điều cực kì nguy hiểm vì đây là thứ tội đáng ghê tởm mà thánh Phaolô gọi là thứ dục tình đồi bại … (Rm 1,26-27). Nó có thể bắt đầu bằng việc kết giao cha con thiêng liêng, anh em tinh thần… (mặc dù những loại hình tình cảm này tự bản chất là không xấu). Ban đầu chỉ là những cuộc gặp gỡ chuyện trò với mục đích tốt lành mang tính xây dựng, động viên, an ủi lẫn nhau khi gặp khó khăn, chia sẻ kinh nghiệm đời tu và cuộc sống…
Nguyên do tất cả những chuyện này tại đâu? Xin thưa một cách mạnh mẽ rằng:

 
- Lý do chính là bởi người tu sĩ tương đối hóa việc phụng sự Chúa, tham dự thánh lễ, kinh nguyện và thiếu sự chuyên chăm cầu nguyện, kết hiệp cùng Chúa khiến tình yêu dành cho Chúa cũng nguội lạnh dần.

- Không yêu mến và gắn bó với nhau trong cộng đoàn, ganh tị, hiềm khích và ít dấn thân.

- Coi thường các cám dỗ ngọt ngào, thường xuyên truy cập vào những trang mạng thiếu nghiêm túc...
Xin trình bày những nguyên do gởi mở này để mỗi người chúng ta tự tìm hướng giải quyết bằng sự trưởng thành cùng với ơn Chúa.

2. Lời khấn khó nghèo

Trong bối cảnh xã hội mà những giá trị vật chất được đề cao, nếp sống khó nghèo có vẻ lạc lõng, lớp người trẻ dấn thân vào đời tu còn mang theo những nhận thức trái ngược với đức khó nghèo, khi xem nhà dòng là nơi nương náu khỏi cảnh nghèo mà họ phải trải qua ngoài đời, có cơ hội thăng tiến, được giáo dân kính trọng và rồi bổng lộc đi kèm theo sau… Một số người sống đời tu nhưng lại mơ ước những gì nặng tính trần tục như của cải, tiền bạc, quyền lực, tham vọng… Sự tục hóa này khiến người sống đời tu rơi vào tình trạng quá chú trọng và lệ thuộc vật chất mà quên đi cái nghèo phải sống là theo gương Chúa Giêsu, Đấng sống nghèo và chết nghèo trên thập giá.

Tiếp đến là thiếu sự đồng cảm và tình liên đới đối với người nghèo khiến người ta dễ rơi vào tình trạng sống trong cái nghèo giả tạo; vì trong nhà dòng, những nhu cầu vật chất đã có người lo nên dễ ỉ nại, coi thường “những cái tự nhiên có” nên không cảm nhận được sự bức bách của những người nghèo phải vất vả mưu sinh từng ngày. Thực tế là sự ỉ nại này cũng dễ xảy ra vì đời sống vật chất trong nhà dòng tương đối đầy đủ dù không được tiện nghi như ngoài đời và tâm lí “mọi sự đã có bề trên lo” cũng vẫn tồn tại, nên tinh thần nghèo khó của người thánh hiến nhiều khi còn mang nặng tính hình thức. Ngay cả việc lao động cũng dễ rơi vào tình trạng thờ ơ, làm cho xong việc còn tính hiệu quả thì phải xem lại...

Cũng phải nói thêm rằng đừng chỉ nặng về khó nghèo vật chất, hãy lưu tâm đến khó nghèo thời gian, năng lực, sức khỏe… Một nguy cơ khác trong đời sống thánh hiến đó là thay vì để phục vụ thì lại xem quyền lực, địa vị là thước đo thành công của đời tu và tìm mọi cách để duy trì địa vị đó như đảm bảo một đời sống thoải mái về những quyền lợi do chức vụ mang lại. Để đạt được điều này, có người sẵn sang lấy lòng bề trên, anh em và nhằm tạo được sự tín nhiệm và hy vọng dần dần đạt được mục đích. Lý tưởng khó nghèo theo gương Chúa Giêsu rất dễ bị biến tướng và vô tình Chúa lúc này “là cái bụng, nghĩa là chỉ tìm lợi lộc mà thôi.

Cuối cùng là tính ích kỉ, nguyên nhân dẫn đến một lối sống phản chứng mà theo tâm lý bình thường là dễ ghét đối với những người sống chung quanh mình. Vì ích kỉ, người ta chỉ nghĩ đến mình, không muốn chia sẻ của cải vật chất, không muốn hy sinh thì giờ cho anh chị em. Khi phải chia sẻ, hy sinh thì cũng không bằng thái độ vui vẻ mà thường tính toán được mất, so đo hơn kém rồi dẫn đến ganh tị, bực bội trong lòng. Đây cũng là những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, một lối sống chỉ nghĩ đến mình, khiến người ta không sống sống cho Thiên Chúa và cũng chỉ yêu mến anh em ngoài môi miệng, nghĩa là không sống các chiều kích mà đức ái hoàn hảo đòi hỏi là hiệp thông, chia sẻ và sứ vụ tông đồ.

3. Lời khấn vâng phục

Với lời khấn vâng phục, Chúa Thánh Thần luôn hiện diện nơi các thành viên trong cộng đoàn vì thế lắng nghe và đối thoại là cách tốt nhất để bề trên nhận ra tiếng Chúa nơi các thành viên và cùng mọi người phân định ý Chúa, đồng thời đó là thái độ tôn trọng phải có đối với nhau vì mọi người là anh em của Chúa và tất cả đều tìm kiếm và làm theo Thánh ý Chúa.

Thế nhưng do thiếu đối thoại, bề trên không thể hiểu hết những khúc mắc, trở ngại của bề dưới trong những tình huống cụ thể khi phải vâng lời khiến bề dưới bằng mặt chứ không bằng lòng, lâu ngày sẽ dẫn đến tình trạng dồn ép tâm lý khiến bề dưới bức xúc. Và nếu bề trên thường xuyên lạm dụng quyền hành lãnh đạo cộng đoàn hay thiếu chân thành trong việc hướng dẫn các thành viên thì cộng đoàn thường có được nề nếp bề ngoài nhưng sẽ có tâm lý sợ mà vâng lời, bất mãn, thiếu tin tưởng nơi các thành viên nên không có sự hiệp thông và tình huynh đệ trọn vẹn.

Hậu quả là vì sợ hãi và thiếu đối thoại khiến cho quan hệ giữa các thành viên mang tính đề phòng, khó lòng cởi mở, không gần gũi với bề trên, do đó mối dây liên kết huynh đệ mang tính giả tạo không thực chất như đức ái đòi hỏi. Như thế cộng đoàn không còn mang tính thánh hiến nữa và chỉ như một tổ chức xã hội què quặt, thiếu tính nhân văn đang nhan nhản trong xã hội Việt Nam chúng ta hiện nay. Bởi cộng đoàn thánh hiến không phải là một cơ chế xã hội nơi mà người ta đấu tranh cho quyền lợi của mình bằng mọi cách, kể cả mánh khóe, thủ đoạn, sống chết “thắng làm vua, thua làm giặc”! Nhưng là một cộng đoàn để phục vụ trong yêu thương dưới tác động của Chúa Thánh Thần nhắm đến sứ vụ tông đồ, làm sáng danh Chúa.

Mặt khác về phần bề dưới có những suy nghĩ mang nặng tính trần tục khi làm theo ý riêng hoặc không tuân hành mệnh lệnh bề trên hợp pháp dưới nhiều hình thức: sự ngang ngược, không tuân giữ tu luật, tu hiến của dòng tu, tu hội, không tôn trọng phẩm trật, trật tự trong cộng đoàn... Nữa là gây chia rẽ, phe phái trong cộng đoàn, dù công khai hay ngấm ngầm đều gây nên những hậu quả nghiêm trọng mang tính phá hoại cho cá nhân người đó và cho cả cộng đoàn, biến cộng đoàn thành cơ chế trần tục, trái ngược tinh thần vâng phục của Chúa Kitô và Giáo Huấn Giáo hội.

Lời khấn vâng phục cũng bị tục hóa khi người thánh hiến bị tính háo danh chi phối, nghĩa là chú trọng quá mức đến danh phận phải có trong đời tu, nếu không để ý để tự điều chỉnh. Tính háo danh khiến người tu sĩ phấn đấu chệch hướng trong đời tu và có nguy cơ là nếu thành công người ta dễ tự mãn, trái lại nếu không đạt được mục đích, thì dễ chán nản, buông xuôi, sống an phận thủ thường, kéo lê đời tu trong phiền muộn, mặc cảm thua kém. Cho nên người tu sĩ tìm cách lấy lòng bề trên vì mục đích được tín nhiệm nhằm được bề trên cất nhắc, tiến chức… Khi làm như vậy người tu sĩ vô tình coi thường phẩm giá con người của chính mình và của cả bề trên vì một cách chủ quan họ đang “lèo lái” bề trên theo ý mình. Thái độ rất “đời” này thường gây phản cảm với những người khác và là chướng ngại cho sự hiệp thông giữa các thành viên trong cộng đoàn, thậm chí còn nảy sinh tâm lý đề phòng lẫn nhau vì sợ bị thưa trình bề trên chuyện này chuyện nọ.

Những lệch lạc nhận thức về lời khấn vâng phục nêu trên sẽ khiến người tu sĩ sống như con cái của nô lệ, chứ không phải con cái tự do trong ơn thánh và một cách nào đó, họ đang tục hóa lời khấn vâng phục của mình.

4. Bầu trời của Chúa

Thật vậy, sự tục hóa đã chiếm mất bầu trời của Chúa trong đời sống của người tu sĩ. Sự tục hóa kéo người tu sĩ, cách riêng là người tu sĩ trẻ xa rời Chúa – Đấng Lang Quân mà họ kết ước, khiến cho đời thánh hiến ủ rũ héo tàn và kéo lê đời tu của mình. Vậy làm sao để đời thánh hiến được trở về là bầu trời của Chúa chứ không phải của “thế tục.” Một bầu trời tình yêu vì “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga4,16). Chỉ có một phương pháp duy nhất đó chính là “cầu nguyện.” Chỉ khi cầu nguyện người tu sĩ mới triển nở đời tu của mình, mới lấy lại bầu trời có Chúa trong đời tu. Từ đó, người tu sĩ mới có thể bám rễ sâu vào đời sống thánh hiến chứ không phải cách hời hợt, để bớt đi tình trạng “mới khấn đó mà đã xuất tu.” Và chỉ có đời sống cầu nguyện mời giúp người tu sĩ biến đổi bản thân.

Quả thật, trong đời sống, người tu sĩ không thể tránh được những khó khăn, cạm bẫy. Đôi khi họ tưởng như mọi thứ sụp đổ, vô ích, không có lối thoát. Hãy tìm lối thoát hiểm duy nhất là tiếng kêu lên: “Lạy Chúa, xin giúp con!” Lời cầu nguyện mở ra những tia sáng trong bóng tối dày đặc nhất, mở ra con đường, mở ra lối đi. Lời cầu nguyện khiến con tim hướng về Thiên Chúa là Cha. Và cho ta những khoảnh khắc hạnh phúc, chứ không còn là những giờ phút tồi tệ. Chúa luôn ở trong sâu thẳm của trái tim những người đang chờ đợi trong thinh lặng cầu nguyện. Nhưng nếu đôi tai đầy những tiếng ồn khác, thì sẽ không thể nghe thấy tiếng gọi của Chúa.

Nhờ ở lại với Chúa, người tu sĩ được Chúa ban cho sự sống sung mãn dồi dào, lãnh nhận tình thương của Thiên Chúa và trao ban tình thương ấy đến mọi người. Ở lại với Chúa sẽ giúp người tu sĩ tìm được niềm vui trong cuộc sống, trung tín với Chúa đến cùng, dù phong ba bão táp, dù thử thách đau thương. Quả thật hạnh phúc chẳng phải tìm đâu xa, chỉ đơn giản là hãy “ở lại trong Thầy” để được Người che chở, chúc lành và hướng dẫn. Và điều quan trọng nhất rằng ta có ý thức đời ta có giá trị, ý nghĩa, sinh hoa trái cho đời khi tựa như cành nho gắn liền cây nho.

Nhờ ở lại với Chúa người tu sĩ bớt đi sự ganh ghét nghi kỵ, thờ ơ, lãnh đạm, nhưng thay vào đó là sự gắn kết với nhau và với Chúa trong sự vâng phục tận tình, yêu thương không điều kiện, và chân thành tin tưởng lẫn nhau, biết nâng đỡ chị em cùng đứng lên. Người tu sĩ không còn loay hoay, co cụm lại trong những vấn đề của riêng mình, nhưng biết mở lòng để thấy những nhu cầu của Hội dòng, của chị của em, hầu có thể cộng tác, chia sẻ, nâng đỡ, giúp nhau kiên vững dìm sâu đời mình vào lòng xót thương của Thiên Chúa.

Mỗi ngày trầm lắng bên Chúa người tu sĩ sẽ cảm nghiệm tình yêu của Chúa, sẵn sàng tìm kiếm, cảm thông và gắn bó với Chúa nơi tha nhân, nơi sứ vụ, nơi bổn phận để Thiên Chúa được sống mãi trong lòng mọi người. Từ đó trở thành động lực và sức mạnh để người tu sĩ hoán cải từng ngày, nhờ đó ơn cứu độ được sinh hoa kết quả nơi tâm hồn, mang lại cuộc sống bình an hạnh phúc hơn cho mọi người.

Như vậy, người tu sĩ cách riêng người tu sĩ trẻ hãy luôn ở lại với Chúa trong tinh lặng cầu nguyện, trong những hoạt động của ngày sống và ngay trong những biến cố của cuộc đời mình. Chỉ khi “ở lại với Chúa” thì bầu trời của Chúa mới trở lại trong đời sống người thánh hiến, để người thánh hiến luôn được canh tân và biến đổi cuộc sống mình luôn mãi chứ không phải chỉ mang tính nhất thời và chóng qua. Và cũng là để đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Như thế, người thánh hiến sống lời khấn của mình cách trọn hảo hơn theo gương Chúa Giêsu.

Maria Hoàng Lan


TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. LM THIỆN CẨM O.P. Siêu nhiên trong tự nhiên. Nxb Tôn Giáo. 2002.
  2. HỘI DÒNG ĐA MINH ROSA LIMA. Tu luật thánh Agustino – Công vụ tổng hội VII.
  3. PHÊRÔ NGUYỄN TRƯỜNG SƠN. Vấn đề tục hóa trong đời sồng thánh hiến. Truy cập tại http://baochiaselts.blogspot.com/2019/07/van-e-tuc-hoa-trong-oi-song-thanh-hien.html
  4. Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI. Tự Sắc “Ubicumque et Semper - Ở Hết Mọi Nơi và Mãi Mãi” (Dg Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh). Truy cập tại     http://www.thoidiemmaria.net/GIAOHOI/Tu%20Sac%20Ubicumque%20et%20Semper/tusacubicumqueetsemper.htm

 
114.864864865135.135135135250