02/07/2020 -

Các khối huấn luyện

5062
Lời khấn Vâng phục trong thế giới hôm nay

Dẫn nhập

Đời sống thánh là ân huệ của Thiên Chúa Cha ban cho Giáo hội Người qua trung gian của Thánh Thần. Nhờ việc tuyên giữ các lời khuyên Tin Mừng, các tín hữu được mời gọi hướng nhìn về Mầu nhiệm Nước Trời đã tác động trong lịch sử, nhưng còn đang chờ ngày đạt tới viên mãn ở trên trời. Ý nghĩa sâu xa nhất của các lời khuyên Phúc Âm được vén mở khi được đặt trong tương quan với Ba Ngôi Thiên Chúa nguồn mạch của mọi sự thánh thiện. Quả thế, các lời khuyên ấy diễn tả tình yêu của Chúa Con đối với Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần. Nhất là sự nhúng chìm trọn vẹn trong lời khấn vâng phục. Với lời khấn vâng phục, tôi đã trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu trong sự hóa mình ra không. Vì chính trong vâng phục mà Đức Giêsu Kitô, phận là một vị Thiên Chúa nhưng Ngài là con do sự vâng phục. Điều đó có nghĩa, tôi chỉ trọn vẹn trong vai trò làm con khi tôi vâng phục thực sự. Đó là sự lắng nghe tiếng Chúa qua những dấu chỉ, qua những người cùng sống trong cộng đoàn, qua Bề trên, qua những vị hữu trách. Vì thế, vâng phục mời gọi tôi từ bỏ ý riêng, quyền lực thế gian để trở nên người phục vụ của Tình Yêu, lắng nghe và hành động không áp bức người khác.
 
1. Ý nghĩa và mục đích của lời khấn vâng phục
 Vâng phục là thái độ lắng nghe, đó là thứ lắng nghe đặc biệt mà chỉ có người con mới có thể thực hiện. Khi lắng nghe cha mẹ mình là lúc chúng ta xác tín rằng; cha mẹ chỉ có điều tốt để nói và trao ban cho mình, nên dễ dàng làm cho người con chấp nhận ý muốn của cha mẹ mình. Cũng vậy, vâng phục là từ vỏ ý riêng để lắng nghe tiếng Chúa mời gọi, tìm kiếm, nhận ra và thực thi ý Ngài.[1] “Nhờ khấn giữ đức vâng lời, các tu sĩ tận hiến ý muốn mình như của lễ bản thân dâng lên Thiên Chúa, nhờ đó họ được kết hợp với ý muốn cứu rỗi của Người cách kiên trì và chắc chắn hơn.”(PC 14)
 
2. Nền tảng Kinh thánh của lời khấn vâng phục
Sự vâng phục trong đời sống tu trì, theo ý nghĩa của Tin Mừng chúng phải được trình bày trong mối tương quan trường cửu với thánh ý của Chúa Cha. Đặc tính của sự vâng phục là từ bỏ ý riêng để theo sát Chúa Ki-tô và dâng lên Thiên Chúa như một hiến tế. Ý riêng được dâng lên Thiên Chúa như một điều sâu thẳm và cao quý nhất của con người muốn dành riêng cho Thiên Chúa, thuộc quyền sở hữu của Thiên Chúa. Khi tạo dựng con người, Chúa đã ban cho con người sự tự do là điều cao quý nhất, nên khi tự nguyện khấn lời khấn vâng phục, người tu sĩ đặt mình dưới sự lệ thuộc vào Thiên Chúa qua sự vâng lời Bề trên là người đại diện thay mặt Chúa. Đồng thời sự vâng phục luôn bao hàm một thái độ đức tin. Nếu chỉ có một sự tuân phục tự nhiên thì không phải là lời khuyên Phúc Âm. Trong tinh thần đức tin người tu sĩ coi Bề trên như thay quyền Chúa.[2] Theo Công Đồng Vatican II : “Khi tuyên khấn lời khấn vâng phục, các tu sĩ khiêm tốn vâng lời Bề trên của mình theo tiêu chuẩn qui luật và Hiến pháp, trong tinh thần tin kính và yêu mến đối với thánh ý Chúa, dùng tất cả năng lực trí tuệ, ý muốn và mọi khả năng và ơn Chúa ban để thi hành các giới lệnh và chu toàn những bổn phận đã được ủy thác cho mình, vì biết mình đang góp công xây dựng thân thể Chúa Ki-tô theo ý định Thiên Chúa. Các Bề trên hãy tuân hành thánh ý Chúa khi chu toàn bổn phận và hãy thi hành quyền bính trong tinh thần phục vụ anh, chị em” (PC 14).

Tông huấn chứng tá Phúc Âm cũng khẳng định: “Quyền bính và vâng phục là hai phương tiện bổ túc cho sự tham dự vào hiến tế của Đức Ki-tô, người có quyền bính thì phải phục vụ trong anh chị em mình, kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa, còn các tu sĩ chấp nhận những lời chỉ giáo của Bề trên thể theo gương Thầy Chí Thánh Giê-su và hợp tác vào công cuộc cứu độ ấy.”[3] Mặt khác, huấn thị về quyền bính và vâng phục nói thêm: “Đời sống thánh hiến như một chứng từ của sự tìm kiếm Thiên Chúa, vì thế trong cộng đoàn mọi người phải chân thành tìm kiếm ý Chúa (số 12). Quyền bính là một thẩm quyền thiêng liêng. Những người nắm quyền bính nhận thức rằng mình được gọi là để phục vụ (số 13). Các Bề trên được gọi để là người đầu tiên biết vâng phục.’’ (Số 14)

 
a. Noi gương sự vâng phục của Đức Ki-tô 

Với lời khấn vâng phục, tôi đã trờ nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô trong sự hóa mình ra không. Vì chính vâng phục mà Đức Ki-tô đã trở nên con người, Ngài là con do sự vâng phục. Điều đó có nghĩa tôi chỉ trọn vẹn trong vai trò làm con khi tôi vâng phục thực sự. Đó là biết lắng nghe tiếng Chúa qua những dấu chỉ, qua những người chị em sống chung trong cộng đoàn và đặc biệt là lắng nghe qua Bề trên, những vị hữu trách. Vì thế, vâng phục mời gọi tôi từ bỏ quyền thế gian để trở nên con người phục vụ tình yêu. Trong Tin Mừng có rất nhiều đoạn văn nói về sự vâng phục của Đức Ki-tô, và Công Đồng trích dẫn 3 đoạn văn quan trọng liên quan đến sự vâng phục của Đức Ki-tô: “Dầu là con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục” (Dt 5,8). 

Khi bước vào trần gian, Đức Ki-tô nói: “Chúa không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Chúa, này con đây, con đến dể thực thi ý Ngài, như sách thánh đã chép về con (Dt 10,5-7). “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu” (Pl 2,6-9). Và còn rất nhiều những đoạn khác nữa nói về sự vâng phục của Ngài như: Suốt 30 năm sống ẩn dật tại Nazaret, Người hằng vâng phục Đức Mẹ và thánh cả Giuse. Khi công khai hoạt động rao giảng Tin Mừng Nước Trời, Ngài đã dùng quyền năng để làm nhiều dấu lạ điềm thiêng như: hóa bánh ra nhiều để nuôi đám đông dân chúng, cho người chết sống lại, trừ quỷ và chữa hết mọi bệnh hoạn tật nguyền trong dân, biến nước thành rượu ngon tại tiệc cưới Cana... Nhưng, “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4,34); “Tôi không tìm cách làm theo ý riêng tôi, nhưng theo ý Đấng đã sai tôi” (Ga 5,30).

Trong vườn Giệtsimani, Chúa Giê-su đã lớn tiếng cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Lc 22,42). Thánh Phaolo đã tóm gọn cuộc đời trần thế của Chúa Giê-su: “Người đã vâng lời cho đến chết, chết trên thập giá” (Pl 2,8). Nhờ sự vâng phục này, Đức Ki tô đã chiến thẳng tội lỗi và chuộc lại sự bất phục tùng của Ađam: “Vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người trở thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính” (Rm 5,19).

Từ gương sống vâng phục của Đức Ki-tô, ta cũng hiểu được phần nào những yêu sách mà Người đặt ra cho những ai muốn đi theo Người. “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lạy Chúa ! Lạy Chúa ! là được vào Nước Trời cả đâu ! Nhưng chỉ những ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7,14).  “Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi” (Mc 3,35). Sự vâng phục của Đức Ki-tô là một sự tự hạ, từ thân phận Thiên Chúa đến thân phận nô lệ, và tự hủy. Chính giá trị vâng phục của Chúa Ki-tô cho ta hiểu được tầm quan trọng của sự vâng phục trong đời tu. (x. ĐSTH theo Công Đồng Vatican II, tr.323).

 
b.  Gương vâng phục của Đức Maria

Mẹ Maria là mẫu gương tuyệt hảo về sự vâng phục thánh ý Thiên Chúa cho mọi tu sĩ, trọn cuộc đời Mẹ là lời xin vâng trong mọi biến cố. Đặc biệt là qua biến cố truyền tin Mẹ đã thưa tiếng xin vâng để đón lấy Ngôi Lời của Thiên Chúa đến với nhân loại: Bấy giờ bà Maria nói, “vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói" (Lc 1,38). 
 
 c. Vâng phục để phục vụ Hội thánh

Các tu sĩ khấn lời khấn vâng phục để phục vụ tất cả mọi anh chị em trong Chúa Ki-tô (PC số 14). Chính Chúa Ki-tô, phục tùng ý Chúa Cha, đã trở nên tôi tớ của anh em và hiến mạng sống làm giá chuộc nhiều người (Mt 20,28; Ga10,14-18). Các tu sĩ vì thế, cũng được nối kết chặt chẽ hơn với việc phục vụ Hội thánh và nỗ lực đạt đến mức độ hoàn hảo của Chúa Ki-tô (PC số 14). Nhờ sự vâng phục của mình, tu sĩ đóng góp vào sự thành toàn viên mãn của Hội thánh (ĐSTH theo Công Đồng Vatican  II, tr 323).
 
3. Giá trị thần học của lời khấn vâng phục
Khi tuyên khấn vâng phục không phải là từ bỏ một điều gì xấu, cũng không phải là việc thu gọn để tự thể hiện mình, mà phải được nhìn qua việc cảm nghiệm về Thiên Chúa, từ đây mở ra con đường tự thể hiện theo viễn tượng của Thiên Chúa. Không có viễn tượng này thì lời khấn dòng chẳng còn ý nghĩa. Thậm chí chúng còn dẫn tới trạng thái tâm thần. Sống lời khấn vâng phục trong chiều kích thần học sẽ khiến chúng thành vấn đề linh đạo, chứ không chỉ là vấn đề khổ chế hoặc luân lý... (Đời tu gạn đuc khơi trong, tr157-158)

Khi khấn lời khấn vâng phục, người tu sĩ được mời gọi noi gương bắt chước Chúa Giê-su Đấng luôn vâng phục thánh ý Chúa Cha: Khi khấn lời khấn vâng phục ta đã trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô. Chiều kích hướng lên Thiên Chúa, xét trong mối liên hệ giữa con người với Thiên Chúa. Người tu sĩ phải luôn ý thức rằng, mình đang nối dài sự hiện diện và tham dự vào sứ mạng của Chúa Ki-tô ở trần gian. Và phải luôn ý thức rằng, đức vâng phục của mình phải được thực hiện trong cộng đoàn, trong mối tương quan với Thiên Chúa, cá nhân người tu sĩ và cộng đoàn. Bởi vì cá nhân và cộng đoàn tu trì đều phải là sự hiện diện và làm chứng cho Chúa giữa trần gian. Cộng đoàn tu trì công giáo khác với những cộng đoàn khác do những lý do khác được quy tụ lại. Các tu sĩ và cộng đoàn có một lý tưởng chung là thực thi thánh ý Thiên Chúa để mang Chúa đến hiện diện giữa trần gian.”

 
4. Tu đức và giá trị của lời khấn vâng phục
Nhờ lời khấn vâng phục, người tu sĩ tập luyện được các nhân đức khác như : tin tưởng, phó thác, hy sinh, khiêm nhường, bác ái…

Theo Hiến pháp chị em Đa Minh Việt Nam số HP 25 : Nhờ tuyên khấn vâng phục, chúng ta : dâng hiến ý muốn mình như một của lễ bản thân dâng lên Thiên Chúa ; được kết hợp với ý muốn cứu độ của Thiên Chúa cách kiên trì và chắc chắn hơn ; được liên kết chặt chẽ với sứ vụ phục vụ của Hội thánh ; được trưởng thành nhân vị nhờ phát triển tự do của con cái Chúa ; được sống trước thực tại trên trời, nơi các thánh luôn yêu mến và tuân hành ý Chúa Cha.

 
5. Những thách đố của lời khấn vâng phục trong thời đại hôm nay
a.  Khó thực hiện trong nền văn hóa hưởng thụ, quá đề cao tự do cá nhân: Người tu sĩ thời nay đang phải đối diện với những thách đố của thời đại. Sống giữa một thế giới trong thời đại người ta có khuynh hướng thích hưởng thụ và quá đề cao sự tự do cá nhân trong mọi lĩnh vực và muốn gạt bỏ sự hiện hiện của Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống. Đó cũng là những thách đố cho những ai dẫn thân bước theo Chúa Ki-tô. Người tu sĩ được mời gọi vâng phục theo gương Đức Ki-tô. Đức vâng phục đặc thù của đời sống thánh hiến là một lời đáp ứng hữu hiệu cho tình trạng trên. “Đức tuân phục tu trì giới thiệu một cách hùng hồn về việc Đức Ki-tô vâng phục Chúa Cha như một mẫu gương điển hình, và khởi đi từ mầu nhiệm Đức Ki-tô, đức vâng phục tu trì minh chứng rằng vâng phục và tự do không mâu thuẫn nhau...” (x.VC, số 91).
 
b. Chứng từ về quyền năng của ân sủng Thiên Chúa: “Đức Ki-tô là Đấng vâng phục tuyệt hảo, đã từ trời xuống không phải là để làm theo ý mình mà là làm theo ý Đấng đã sai mình” (Ga 6,38; Dt 10,5-7). Vì sự vâng phục con thảo, Chúa Giê-su đã đón nhận và thi hành ý Chúa Cha như lương thực hằng ngày (Ga 4,34; VC 16,12). Như đá tảng vững chắc, như niềm vui, thuẫn đỡ và nơi trú ẩn cho mình (Tv 18, 3). Kẻ yêu Chúa hưởng an bình thư thái, chẳng còn lo gặp chướng ngại nào (Tv119, 165). Việc thi hành sự vâng phục theo gương Chúa Giê-su, mà lương thực của Ngài là làm theo ý Cha, biểu lộ nét đẹp giải phóng của một sự lệ thuộc con thảo chứ không phải nô lệ, một sự lệ thuộc đầy ý nghĩa trách nhiệm và được linh động bởi một sự tín nhiệm hổ tương (x.ĐSTH theo Công Đồng Vatican II, tr 325-326).

​​​​​​​Tạm kết:  Sống giữa một thế giới ngày càng đề cao sự hưởng thụ và tự do cá nhân, tranh đua quyền lực. Khi khấn lời khấn vâng phục là từ bỏ ý riêng, quyền lực thế gian, để vâng phục và thi hành thánh ý Thiên Chúa qua Bề trên và Hiến pháp Dòng. “Người tu sĩ được mời gọi để làm chứng cho thế gian qua lời khấn vâng phục là sự từ bỏ ý riêng để sống theo gương Đức Ki-tô. Đức tuân phục được đảm nhận trong tinh thần đức tin và đức ái để theo bước Đức Ki-tô là Đấng đã vâng phục cho đến chết vì yêu thương con người, cũng đòi buộc người tu sĩ vâng phục các Bề trên hợp pháp, khi các ngài đại diện Thiên Chúa ban lệnh hợp pháp theo Hiến pháp riêng của Dòng (GL, số 601).

Qua các văn kiện của tòa thánh nói về đời sống vâng phục, ta nhận thấy tầm quan trọng của lời khấn này trong thời đại hôm nay là để làm chứng cho Tin Mừng và lời mời gọi của Chúa Giê-su khi Ngài kêu gọi các môn đệ đi theo Ngài: “Ai muốn theo tôi, phải tử bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9,23). Từ bỏ chính mình ở đây là gì nếu không phải là từ bỏ ý riêng, để làm theo thánh ý của Thiên Chúa. Trải qua sáu năm khấn giữ các lời khuyên Phúc Âm, cách riêng là lời khấn vâng phục, dù thời gian sống và giữ lời khấn này chưa được bao nhiêu để nói lên những đòi hỏi và thách đố của lời khấn vâng phục trong thời đại hôm nay, em cũng cảm thấy đôi lúc là một sự thách đố cho người tu sĩ khi sống giữa thời đại mà người ta có khuynh hướng ngày càng nhiều và rõ rệt với sự hưởng thụ và sự đề cao tự do cá nhân. Để sống và giữ lời khấn vâng phục trong một xã hội như thế em thấy không phải là một chuyện dễ, vì nhiều khi người ta chỉ bằng mặt mà không bằng lòng, nhưng không phải là không làm được.

Mặc dù, vì bản tính tự nhiên của con người, vẫn mang trong mình thân phận yếu hèn, với những yếu đuối và hay vấp ngã, luôn muốn và thích làm theo ý riêng của mình, nhất là những khi vâng lời có thể làm trái ý gây cho mình những đau khổ, và phải giằng co trong sự chọn lựa giữa ý chung và ý riêng. Nhưng em tin rằng Thiên Chúa đã kêu gọi ai, thì Ngài cũng ban cho người ấy có đủ ơn để sống, giữ và làm thăng tiến lời khấn của mình như trong thư thứ hai của thánh Phaolo gửi giáo đoàn Cô-rin-tô “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ tron vẹn trong sự yếu đuối” (2Cr 12, 9). Với sức riêng của con người thì em cảm thấy khó sống và giữ lời khấn vâng phục được. Nhưng với sự yêu thương nâng đỡ của chị em, của Hội dòng, đặc biệt là với ơn Chúa giúp, vì Ngài đã kêu gọi em dẫn bước theo Ngài trên con đường Ngài đi, em tin rằng em sẽ làm được, vì lời thánh Phaolo đã nói “Ơn Ta đủ cho con thì hôm nay lời này Chúa cũng đang nói với em “ơn Thầy đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối.” Xin cho lời này của Chúa luôn ở với em và nâng đỡ em, để dẫu cho rằng nhiềus khi em vất ngã vì sự yếu đuối của mình, thì em vẫn tin rằng Chúa luôn tha thứ và nâng em chỗi dậy để em tiếp tục dấn bước theo Ngài trong khi em sống và thi hành sứ vụ của Hội dòng.

 
​​​​​​​Maria Lệ Quyên
 
[1] Huấn thị về Quyền bính và vâng phục, số 5.10
[2] ĐSTH theo Công Đồng Vatican II, tr.322.
[3] Tông huấn chứng tá Phúc Âm, số 24-25.
114.864864865135.135135135250