01/12/2016 -

Các khối huấn luyện

557
Lòng thương xót của Thiên Chúa

LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA

 
Trong xã hội hiện nay, khi con người bị cuốn vào guồng quay của sự phát triển khoa học, kỹ thuật, đề cao tiền bạc, danh vọng, địa vị, chạy theo lối sống thực dụng và hưởng thụ thì con người cũng dễ dàng lấy thước đo vật chất làm mục đích đời mình. Trước những thực trạng chai lì của một thế giới thiếu vắng tình thương, người Kitô hữu được mời gọi loan báo và làm chứng mạnh mẽ và hữu hiệu hơn về lòng thương xót của Chúa mà ĐGH Phanxicô nhấn mạnh: Sự cấp thiết phải loan báo và làm chứng về lòng thương xót trong thế giới ngày nay với một lòng hăng say mới và bằng một hoạt động mục vụ được đổi mới. Vì, đó là “điều có tính chất quyết định đối với Giáo Hội và đối với uy tín việc loan báo của Giáo hội”. Chính vì thế: “Nơi nào Giáo Hội hiện diện, thì nơi đó lòng thương xót của Chúa Cha phải trở thành điều hiển nhiên tỏ tường và nơi nào có các tín hữu Kitô, thì bất kỳ ai cũng có thể tìm được một ốc đảo từ bi thương xót”. Đứng trước lời mời gọi đó, xin được nêu một vài cảm nhận về: Lòng thương xót của Thiên Chúa.

1. Lòng thương xót Chúa trong Thánh Kinh
Theo dòng lịch sử cứu độ, ngay từ buổi đầu của công cuộc tạo dựng, lòng thương xót đã là từ then chốt nói lên tác động của Thiên Chúa đối với nhân loại. Dung mạo đó đã được chính Thiên Chúa mạc khải qua dòng lịch sử cứu độ.

Dựa vào những mặc khải của Thánh Kinh, khởi đi từ những trang Cựu ước, chúng ta thấy Thiên Chúa của Cựu ước không phải là Thiên Chúa hay giáng phạt (Xh 32,14; Gn 3,9), nhưng là Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín, giữ lòng nhân nghĩa với muôn ngàn thế hệ (Xh 34,6). Người yêu thương qua việc tạo dựng con người, hứa ban ơn cứu độ con người (St 3,15). Hơn nữa, Thiên Chúa còn tín trung với giao ước Người đã ký kết với dân Người là Israel: Người mãi mãi trung thành với lời Người cam kết (Tv 146,6): Là người thực thi và bảo vệ dân Người. Người mãi mãi là Cha tín trung dù dân Người có bất tín, bởi lời của Đức Chúa phán với ông Giacóp cũng là phán với dân Người: “Này Ta ở với ngươi; ngươi đi bất cứ nơi nào, Ta sẽ giữ gìn ngươi, và Ta sẽ đưa ngươi về đất này, vì Ta sẽ không bỏ ngươi cho đến khi Ta hoàn thành điều Ta đã phán với ngươi” (St 28,15).

Qua Tân ước, khuôn mặt lòng thương xót của Thiên Chúa có một dung mạo cụ thể và rõ ràng, được thể hiện một cách trọn vẹn và viên mãn nơi Chúa Giêsu: “Chúa Giêsu Kitô là khuôn mặt của lòng thương xót Chúa Cha”[1]. Lòng thương xót thể hiện cụ thể qua việc Chúa Giêsu chữa bệnh, trừ quỷ, cho ăn, phục sinh kẻ chết, chọn các tông đồ… Lòng thương xót đó có thể sờ, chạm được qua các dụ ngôn tuyệt vời của thánh Luca như: Đồng bạc bị mất, con chiên lạc, người Cha nhân hậu. Đỉnh cao lòng thương xót của Chúa Giêsu chính là tình yêu của cả Ba Ngôi, là tình yêu viên mãn, hữu hình và chạm tới được bởi vì chính Ngôi Con làm người đã hoàn tất mọi hành vi bằng tình yêu, trong tình yêu và qua tình yêu. Vì thế, “trong Ngài, tất cả đều diễn tả lòng thương xót”[2]. Và tình yêu tuyệt vời đó đạt tới sự tột đỉnh và viên mãn nơi biến cố chết và phục sinh của Đức Kitô. Chỉ có lòng thương xót Thiên Chúa mới cứu độ con người. Chính vì thế, Năm Thánh về Lòng Thương Xót là thời điểm các tín hữu được mời gọi chiêm ngắm Lòng Thương Xót của Thiên Chúa để có thể trở nên dấu chỉ hữu hiệu của Mầu Nhiệm Thiên Chúa hành động trong cuộc đời mình. Năm Thánh còn là cơ hội thuận tiện, để chứng từ của họ nên mạnh mẽ và hữu hiệu hơn[3].

2. Giáo hội – chứng nhân của lòng thương xót
Công Đồng Vaticano II đã định nghĩa: Giáo Hội như là Bí tích và là dụng cụ ơn cứu độ của Thiên Chúa qua Đức Giêsu. Vì thế, chẳng có gì lạ khi ĐTC Phanxicô khẳng định: “Nơi nào Giáo Hội hiện diện, thì nơi đó lòng thương xót của Chúa Cha phải trở thành điều hiển nhiên tỏ tường và nơi nào có các tín hữu Kitô, thì bất kỳ ai cũng có thể tìm được một ốc đảo từ bi thương xót”. Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng khẳng định: “Giáo Hội sống một cuộc sống đích thực khi Giáo Hội tuyên xưng và rao truyền lòng thương xót là các thuộc tính kỳ diệu nhất của Tạo Hoá và của Ðấng Cứu Chuộc”Do đó, giữa một xã hội đầy biến động và bất an, Giáo Hội phải là chứng nhân loan truyền lòng thương xót của Chúa và thực thi lòng thương xót đối với nhau mà ĐTC Phanxicô ước mong Giáo Hội sẽ là nơi ẩn náu của những ai đang đi tìm lòng nhân hậu và sự bao dung thứ tha: Trong các giáo xứ, các cộng đồng, các hiệp hội và phong trào, nói chung, ở đâu có các Kitô hữu hiện diện, thì ở đấy bất cứ ai cũng sẽ gặp thấy một tụ điểm chan hoà lòng thương xót[4]. Hơn nữa, Giáo Hội cần phải đi xa hơn, cố gắng vươn đến một mục tiêu cao hơn và quan trọng hơn; đó là thực thi lòng thương xót và loan báo sự tha thứ (số 10). Mặt khác, Giáo Hội phải là chứng nhân lòng thương xót, bởi đó là con đường làm cho Giáo Hội trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, Hiền Ph của mình, khi mà Giáo Hội có trong mình những tâm tư, suy nghĩ, chọn lựa và hành động của Chúa Kitô.

Nếu một Giáo Hội không có đức ái thì không còn là Giáo Hội của Chúa Kitô nữa. Và thiếu lòng thương xót, Giáo Hội không còn khả tín và đời sống, Giáo Hội trở nên khô cằn. Chính vì thế, lòng thương xót phải là sứ mạng, là xà nhà để nâng đỡ Giáo Hội. Đây cũng là lý do tại sao khi khai mạc Công Đồng Vatican II, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII nói rằng: trước hết Giáo Hội phải dùng tới thuốc thương xót. Giáo Hội làm chứng cho lòng thương xót qua ba phương thức, đó là công bố lòng thương xót, cung cấp cho mọi người lòng thương xót qua các Bí tích và cuối cùng là để cho lòng thương xót hiện diện và thể hiện trong toàn bộ đời sống Giáo Hội. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói thêm: “Ngày nay, khi Giáo Hội đang gánh vác trọng nhiệm Tân Phúc Âm Hóa, chủ đề của lòng thương xót cần được tái đề xuất hết lần này đến lần khác với lòng nhiệt thành mới và các hoạt động mục vụ được canh tân. Tuyệt đối cần thiết cho Giáo Hội và cho sự khả tín của thông điệp Giáo Hội đưa ra là Giáo Hội phải sống và làm chứng cho lòng thương xót. Ngôn ngữ và những cử chỉ của Giáo Hội phải chuyển tải lòng thương xót, để chạm vào con tim của tất cả mọi người và truyền cảm hứng cho họ một lần nữa để tìm ra con đường dẫn đến Chúa Cha(số 12).

3. Thực thi lòng thương xót
Trong một xã hội toàn cầu hóa như hiện nay, căn bệnh dửng dưng vô cảm, ít nghĩ đến lòng thương xót… đang là một thách thức lớn của xã hội. Đức Giáo Hoàng Phanxicô  không ngần ngại nhận định rằng: Xã hội ngày nay, trong môi trường văn hóa đương đại này, con người ngày càng quên dần lòng thương xót của Chúa. Và điều này Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh trong Thông điệp Dives in Misericordia với những lời lẽ mạnh mẽ: Có lẽ là hơn bao giờ hết, não trạng của con người ngày nay xem ra muốn chống lại một Thiên Chúa của lòng thương xót, và trong thực tế có xu hướng muốn loại ra khỏi cuộc sống và triệt hạ khỏi trái tim con người những ý tưởng của lòng xót thương. Chính vì thế, khi mở Năm Thánh Lòng Thương Xót, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã mời gọi: Tất cả mọi Kitô hữu, hãy chạm đến sự cao cả của lòng thương xót Chúa. Vì đây là thời gian thuận lợi để thay đổi đời sống, đây là thời gian để cho tâm hồn mình được chạm đến, nhất là qua bí tích Hòa Giải để mỗi người được giao hòa với Thiên Chúa và ra đi thực hiện lòng thương xót với anh chị em mình. Ngài nhấn mạnh, mỗi người Kitô hữu hãy trở thành những người thông truyền lòng thương xót của Chúa cho tha nhân. Và khi sống lòng thương xót làm cho chúng ta trở thành những thừa sai của lòng thương xót, và làm thừa sai khiến chúng ta ngày càng tăng trưởng hơn trong lòng thương xót của Chúa. Như thế, lời mời gọi thực thi lòng thương xót không dừng lại ở một bậc sống nào nhưng là một lời mời gọi khẩn thiết cho bạn, cho tôi và cho tất cả mọi người.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi mỗi người tín hữu trong năm lòng thương xót, ngoài việc đi hành hương qua Cửa Thánh để được Lòng Thương Xót Chúa bao bọc và để có lòng thương đối với người khác như Chúa Cha đối xử với chúng ta (số 14/1). Mỗi người còn phải thể hiện lòng thương xót một cách cụ thể: Cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, cho khách đỗ nhà, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc, và chôn xác kẻ chết; về mặt thiêng liêng: hãy lấy lời lành mà khuyên người, mở dậy kẻ mê muội, yên ủi kẻ âu lo, răn bảo kẻ có tội, tha kẻ dể ta, nhịn kẻ mất lòng ta, cũng như cầu cho kẻ sống và kẻ chết… (số 15). Chính Đức Giêsu- người Thầy đã dạy bài học về sự chia sẻ, sự đồng cảm với người khác. Chúa đã thực hành trước khi dạy: Ngài đã biết chia vui trong tiệc cưới Canna (Ga 2,1-11), Ngài cũng biết chia buồn với cái chết của Lazarô (Ga 11,1-14), của con trai góa phụ thành Naim (Lc 7,11-17)… Trong thư gửi tín hữu Rôma, thánh Phaolô cũng đã nêu bật về sự đồng cảm với mọi người: “Vui cùng kẻ vui, khóc cùng kẻ khóc” (Rm 12,14).

Mỗi người phải cảm nhận được lòng thương xót của Thiên Chúa và  thực thi lòng thương xót một cách sung mãn và trọn vẹn. Bởi vì, lòng thương xót của Thiên Chúa chính là động lực thúc đẩy mỗi người dễ dàng tha thứ và yêu thương tha nhân. Hành trình cuộc đời của mỗi người luôn cần có lòng thương xót của Thiên Chúa ủ ấp, uốn nắn và hướng dẫn. Cách riêng, những người sống đời thánh hiến phải luôn nhìn nhận lại thân phận yếu đuối của chính mình và tự hỏi: “Tu sĩ là ai?” Để từ đó, mỗi người tu sĩ luôn biết chạy đến lòng thương xót của Chúa trong mỗi phút giây qua Bí tích Hòa Giải. Và trở nên sứ giả của lòng thương xót nơi cộng đoàn các dòng tu và nơi chính mỗi người sống đời thánh hiến. Những cộng đoàn sống đời thánh hiến cũng hãy trở nên là những hải đảo thương xót giữa lòng đại dương vô cảm như lời mời gọi của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Thực thi lòng thương xót trong đời sống cộng đoàn sẽ là một thách đố nếu cộng đoàn không được xây dựng trên tinh thần tha thứ. Vì cộng đoàn không đơn thuần là một nhóm người cùng chung sống và yêu thương nhau, nhưng còn là dòng chảy của sự sống: Một trái tim, một tâm hồn, một tinh thần. Cộng đoàn gồm những con người yêu thương nhau tha thiết và đang cùng nhau hướng tới một niềm hy vọng. Chính điều này mang đến một bầu khí đặc biệt của niềm vui và của sự đón nhận, là những yếu tố làm nên căn tính của một cộng đoàn đích thực. (Jean Vanier, Thăng tiến cộng đoàn).Thật vậy, khi nói đến đời sống cộng đoàn,  Thánh Phaolô đã nhiều lần khuyên nhủ mọi người trong cộng đoàn sống tinh thần yêu thương và tha thứ. Trong thư gởi tín hữu Êphêxô, thánh Phaolô đã khuyên nhủ mọi người về đời sống mới trong Đức Kitô, đời sống mới trong tình yêu của Chúa:“Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thoá mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác. Trái lại, phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô” (Ep 4, 31-32). Trong đời sống cộng đoàn, nếu không có lòng bao dung tha thứ hiện diện nơi mỗi cá nhân, thì chắc chắn không thể xây dựng nên một cộng đoàn duy nhất trong tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa. Do đó, để tình huynh đệ được gắn kết với nhau thì đòi hỏi mỗi cá nhân phải có một tấm lòng bao dung, luôn tha thứ, Đức Kitô dạy: “Anh em hãy tha thứ thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha” (Lc 6,37). Sự tha thứ này trước hết đến từ Thiên Chúa và qua Đức Kitô – mẫu gương sống sự tha thứ: Chúa đã tha thứ cho người phụ nữ phạm tội ngoại tình (Ga 8,1-11), người trộm lành có lòng sám hối (Lc 23,39-43)… Như thế, mỗi ngày chúng ta luôn cần đến sự tha thứ của Thiên Chúa và xin ơn để mỗi người có khả năng biết sống tha thứ. Đón nhận lòng thương xót và sự tha thứ của Thiên Chúa, người tu sĩ cũng biết tha thứ, đón nhận và cảm thông với những giới hạn của anh chị em ngay trong cộng đoàn, trong môi trường mình sống.

Như thế, để đáp lại lời mời gọi của vị Cha chung, mỗi người hãy loan báo và làm chứng lòng thương xót của Thiên Chúa ngay trong cuộc sống của mình.
               Maria Thu Hà

 

[1] Tông sắc Khuôn mặt thương xót, số 1.
[2] Tông sắc Khuôn mặt thương xót, số 8/1.
[3] Tông sắc Khuôn mặt thương xót, số 3.
[4] Tông sắc Khuôn mặt thương xót, số 12.
114.864864865135.135135135250