22/09/2022 -

Các khối huấn luyện

773
Luôn khát khao và tìm kiếm thánh ý Chúa
 
“Điều đẹp ý Ngài, xin dạy con thực hiện” (Tv 142,10)

Mỗi người Kitô hữu chúng ta đều được mời gọi nên thánh, vì đó là ý muốn của Thiên Chúa “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48) qua nhiều cách thế khác nhau: ơn gọi hôn nhân, ơn gọi độc thân, ơn gọi dâng hiến. Dù trong bậc sống nào thì Chúa cũng luôn kêu mời chúng ta hãy sống gắn bó với Người. Khi và chỉ khi có Chúa cùng đồng hành, ban ơn, soi dẫn thì chúng ta mới có thể nên thánh và sống hạnh phúc, bình an. Chính qua đời sống cầu nguyện sẽ là phương thế tốt nhất giúp cho chúng ta được gần với Chúa và Chúa thật gần gũi với chúng ta. Cụ thể trong đời sống dâng hiến, từng chị em chúng ta đang hiện diện nơi đây đều ước mong và quyết tâm dâng hiến trọn vẹn xác hồn, tâm tư, tình cảm để thuộc trọn về Chúa. Chúng ta không chọn đi tu để được sống và làm theo ý mình nhưng là sống và thực thi ý Chúa. Vì thế để có thể thực hiện được lý tưởng đó, trước hết chúng ta cần có lòng khao khát Chúa thật mãnh liệt. Vậy lòng khao khát Chúa là gì?

1. “KHÁT” CHÚA?
 
1.1. Lòng khao khát Chúa là một ân ban
Giáo lý Hội thánh Công giáo: “Niềm khát khao Thiên Chúa được ghi khắc trong trái tim con người, bởi vì con người được dựng nên bởi Thiên Chúa và hướng về Thiên Chúa. Thiên Chúa không ngừng lôi kéo con người đến với Ngài, và chỉ nơi Thiên Chúa, con người mới tìm thấy chân lý và hạnh phúc thực mà họ không ngừng kiếm tìm” (Số 27).

Con người đã sẽ không hiện hữu nếu không được Thiên Chúa tạo dựng trong tình yêu, trong sự bảo tồn và chăm sóc của Người. Con người không thể đạt đến chân lý cách toàn vẹn nếu không tự nguyện nhìn nhận và khao khát Thiên Chúa hơn mọi cùng đích và không dám phó mình hoàn toàn cho sự quan phòng của Người. (CĐ Vaticano II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 19)

​​​​​1.2.  Lòng khao khát Chúa là nhu cầu “sinh tồn” của con người[1]

Có một câu chuyện kể rằng: “Trong cuộc săn đuổi giữa con sói và con nai, con sói chạy vì nhu cầu ăn uống để kiếm mồi, còn con nai chạy vì nhu cầu sống còn của mình”. Con sói vô cùng hung dữ, rất mạnh mẽ nhưng lại sợ nước; con nai thì hiền lành, đơn sơ, không sợ nước. Mỗi khi bị con sói truy đuổi, con nai phải tìm đường để thoát thân, nếu không sẽ thành mồi nuôi sói. Con sói hung dữ là vậy, nhưng lại rất sợ nước. Vì thế, trong cuộc trốn chạy này, con nai mong đến suối nước để lao mình xuống. Đến được dòng suối là con nai được an toàn. Con nai tìm đến suối không phải để uống nước (nhu cầu ăn uống) mà là để được cứu sống (nhu cầu sinh tồn). Trong khi đó, con sói hung dữ săn đuổi con nai vì kiếm mồi (nhu cầu ăn uống). Tìm được đến suối nước đối với con nai là vấn đề sống hay chết. Khát vọng vươn tới suối nước mang tính sống còn, vì thế mà nó tìm mọi cách, dồn hết sức lực để lao mình về suối nước.”[2]

Tác giả Thánh vịnh đã dùng hình ảnh con nai tìm đến nguồn suối để diễn tả niềm khao khát Thiên Chúa của người Do thái cũng như của mỗi người chúng ta cần phải có: “Như nai rừng mong mỏi tìm về suối nước trong, hồn con cũng trông mong được gần Ngài, lạy Chúa (Tv 42,1). Khát mong Chúa không giống như nhu cầu ăn uống của con người (khát nước, đói cơm bánh…) nhưng là nhu cầu sống còn, nhu cầu cần phải có để con người tồn tại đích thực và sống một cuộc đời hạnh phúc, có ý nghĩa. Vì không có Chúa, cuộc đời con người trở nên không có ý nghĩa, buồn tẻ. Nếu con người chỉ lo tìm vật chất thì sớm muộn gì cũng phải thất vọng tràn chề. Chỉ có “vẻ đẹp” và tình yêu của Thiên Chúa mới thu hút con người và đem lại một giá trị linh thiêng đến nỗi không thể có gì sánh bằng. “Linh hồn con đã khao khát Ngài, tấm thân này mòn mỏi đợi trông, như mảnh đất khô cằn không gặp nước” (Tv 62,2).

Trong Cv 17,26-28: “Từ một người duy nhất, Thiên Chúa đã tạo thành toàn thể nhân loại, để họ ở trên khắp mặt đất. Người đã vạch ra những thời kỳ nhất định và những ranh giới cho nơi ở của họ. Như vậy là để họ tìm kiếm Thiên Chúa, may ra họ dò dẫm mà tìm thấy Người, tuy rằng thực sự Người không ở xa mỗi người chúng ta. Thật vây, chính ở nơi Người mà chúng ta sống, cử động và hiện hữu”.

1.3. Lòng khao khát Chúa giúp con người nên hoàn thiện hơn mỗi ngày
​​​​​​​
Đối với người Kitô hữu

Hướng về Chúa, khao khát gặp gỡ Chúa là lý tưởng của người Kitô hữu và là cốt lõi của đời sống Đức tin. Thánh Phaolô khuyên chúng ta: “Dù ăn, dù uống, dù làm việc gì, anh em hãy làm mọi sự để tôn vinh Thiên Chúa” (1 Cr 10,31). Thiên Chúa mà chúng ta khát vọng và kiếm tìm không phải một ý niệm mơ hồ hay một vĩ nhân của lịch sử xa xưa, cũng không phải một vị thần ở trên cao mãi dửng dưng với nỗi đau đớn của con người và thế giới. Thiên Chúa đã phán: “Ta là Chúa của Abraham, Isaác và Giacóp” (Xh 3,15). Danh xưng này diễn tả sự quan tâm chăm sóc cách cá vị và rất tâm lý của Ngài đối với con người. Sự quan tâm chăm sóc của Cha chúng còn thể hiện cách đặc biệt qua công trình nhập thể và cứu độ mà Người đã hứa ban khi nguyên tổ phạm tội trong vườn địa đàng. Chính nơi Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa đã nhập thể làm người. Trời cao đã đến với đất thấp. Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ, hòa bình công lý đã giao duyên. Hay nói như thánh Irênê: “Thiên Chúa đã làm người để cho con người được làm con Thiên Chúa.” Vì thế, người Kitô hữu được mời gọi không còn sống cho mình nhưng là sống cho Đấng đã chết và sống lại vị mình
Trong gia đình có Chúa, cha mẹ giáo dục con cái biết kính sợ Thiên Chúa thì chắc chắn sẽ hòa thuận ấm êm, mọi thành viên biết yêu thương, quan tâm tới nhau, nâng đỡ nhau và dễ cảm thông với nhau.
​​​​​​​
Đối với những người sống đời thánh hiến

Thiên Chúa là nguồn cảm hứng bất tận, luôn hấp dẫn và gọi mời những ai muốn nên trọn lành tiếp tục gặp gỡ khám phá những nét đẹp nơi Ngài. Nhờ đó giúp chúng ta sống đúng căn tính và lời mời gọi của Chúa là nên hoàn thiện mỗi ngày qua việc “bước sát” Đức Kitô bằng sự dâng hiến toàn thân cho Thiên Chúa (x. VC 17). 

Khi luôn khao khát, hướng lòng trí về Chúa trong từng giây phút của cuộc sống thì người tu sĩ sẽ quyết tâm chọn lựa, vâng nghe, thực thi Thánh ý Chúa cách triệt để hơn.Tâm hồn những ai luôn hướng về Chúa sẽ luôn ý thức sự hiện diện của Chúa trong cuộc sống và mong muốn làm đẹp lòng Ngài trong tư tưởng, lời nói, việc làm. Khi đó chính là tiến lên trên đường hoàn thiện mỗi ngày.

Vì chỉ có Chúa mới đem đến hạnh phúc cho con người. Những lợi lộc danh vọng trần gian chỉ là hư ảo chóng qua. Cuộc đời và ơn gọi của thánh Augustinô đã chứng minh điều đó. Là một chàng thanh niên học thức đầy triển vọng và cũng là một người ăn chơi nổi tiếng, nhưng Augustinô vẫn thấy tâm hồn trống rỗng. Ông khởi đầu hành trình tìm kiếm Chúa bằng tâm tình sám hối, cầu nguyện và đọc Lời Chúa. Cuộc đời ông dần dần được biến đổi. Augustinô đã trở thành linh mục, rồi giám mục giáo phận Hippo. Thánh nhân đã khát khao tìm kiếm Chúa đến mức ngài phải thốt lên khi cầu nguyện: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa và tâm hồn con còn mãi băn khoăn khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa”.

Đối với tôi, tôi đã thực sự khao khát Chúa trong đời sống dâng hiến?

2. 
“TÌM KIẾM” THÁNH Ý CHÚA?
Thánh ý Chúa là những điều Chúa muốn chúng ta thực hiện trong cuộc sống. Ngài thể hiện qua nhiều cách thức hay trung gian.

​​​​​​​2.1. Tìm kiếm thánh ý Chúa đem lại điều gì cho tôi?

Tôi xác tín Thiên Chúa biết điều gì tốt nhất cho tôi.
Tìm kiếm thánh ý Người đem lại cho tôi sự bình an và niềm vui nội tâm đích thực.
Trong mọi biến cố xảy đến, tôi sẽ bình tâm để đón nhận và học được những bài học mà Chúa gửi đến.

 
​​​​​​​2.2. Con đường tìm kiếm ý Chúa: Qua Lời Chúa, huấn quyền của Hội Thánh, Thánh Lễ, các bài giảng của cha chủ tế, Dịp tĩnh tâm, linh thao, đời sống cầu nguyện, phụng vụ, các biến cố trong cuộc sống, qua Hội Dòng, Bề Trên, Dì Giáo, chị em, người thân trong gia đình, chiêm ngắm vẻ đẹp của các thụ tạo…
 
Trong cuộc sống, nhiều khi thật không dễ dàng để nhận biết thánh ý Thiên Chúa. Có khi chúng ta phải chờ đợi mỏi mòn. Hãy kiên trì và ở với Chúa. Chúa biết điều gì tốt nhất. Chắc chắn Người sẽ thực hiện vào thời điểm tốt nhất: “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích với những ai yêu mến Người” (Rm 8,28)

Các mẫu gương luôn tìm kiếm Thánh Ý Chúa
​​​​​​​
- Mẹ Maria: Maria nhiệt tâm thi hành ý Chúa bằng cách không ngừng tìm kiếm ý Chúa. Cả cuộc đời của Mẹ Maria là một chuỗi dài không ngừng tìm kiếm ý Chúa cho mỗi giai đoạn, cho mỗi hoàn cảnh, mỗi biến cố: Truyền Tin (Lc 1,26-38), Đi thăm viếng bà Elisabet…Đứng dưới chân thập giá. Mẹ Maria luôn suy niệm tất cả trong lòng (Lc 1,51) và thực thi điều đẹp lòng Chúa và phục vụ với tất cả nguồn tình yêu của Chúa ở trong Mẹ.

Đức Thánh Cha Phanxicô trong tông huấn Đức Kitô đang sống, đã viết “Không lẩn tránh, không ảo tưởng, Mẹ sát cánh với nỗi thống khổ của Con mình; nâng đỡ Con bằng ánh mắt và che chở Con bằng quả tim. Nỗi đau Mẹ mang lấy không làm cho Mẹ buông xuôi. Mẹ là người phụ nữ mạnh mẽ thưa tiếng ‘xin vâng’, là người nâng đỡ và đồng hành, che chở và ôm ấp. Mẹ là người gìn giữ niềm hy vọng thật tuyệt vời. Chúng ta học từ nơi Mẹ để biết nói lời ‘xin vâng’ với sự nhẫn nại bền chí và tinh thần sáng tạo của những người luôn mạnh dạn bắt đầu lại.” (số 45)

- Cha thánh Đa Minh: ngài dành trọn ban đêm hay ngủ rất ít để nói chuyện với Chúa, cầu nguyện với Chúa, ngài nói về những người đã gặp, luôn thao thức phần rỗi cho các linh hồn…Ban ngày, thánh Đa Minh không ngừng rao giảng Lời Chúa cho mọi người: “Thánh Đa Minh đã gắng sức để đem tình yêu cháy bỏng đến tận cùng trái đất. Ngài tìm cách đưa Chúa Kitô đến với người Cuman ngoại giáo, thuộc nước Hungary ngày này, và người hồi giáo Sacracen.”[3]


- Thánh Rosa Lima: “Rosa chôn mình trong căn phòng ẩn dật của mình như một người đã chết cho thế gian, luôn luôn bận rộn với việc cầu nguyện, đền tội, và được thẩm thấu trong Chúa đến nỗi chị sống cho Chúa hơn là cho chính mình” (X. Cuộc đời thánh Rosa Lima, trg 59)

- Noi gương các thánh, tôi đã tìm kiếm thánh ý Chúa trong cuộc sống của mình?

3. 50 NĂM HÀNH TRÌNH “VỀ NGUỒN”

Về nguồn là trở về với cội nguồn của chúng ta, một cội nguồn duy nhất, cao cả, là chính Thiên Chúa- Đấng tạo dựng nên chúng ta; sau đó là các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã sinh thành nên ta, các bậc tiền bối đã đi trước và dầy công xây dựng Hội Dòng.

Tâm hồn luôn khát khao và tìm kiếm thánh ý Chúa còn gọi là gì?

Đó là hành trình “VỀ NGUỒN”!

- Về nguồn là trở về với cội nguồn của chúng ta, một cội nguồn duy nhất, cao cả, là chính Thiên Chúa.
- Khi tâm hồn luôn khát khao Chúa là trở về với căn tính đích thực của con người là được tạo dựng cho Chúa và quy hướng về Chúa.
- Tìm kiếm thực thi ý Chúa là con người đang đi đúng hướng mà Thiên Chúa mong muốn hầu cho con người đạt tới hạnh phúc đích thực.

* Hội Dòng Đa Minh Rosa Lima đã hiện diện được 50 năm nói lên:
 
- Đây là công trình đẹp lòng Chúa
Thiên Chúa mãi yêu thương và che chở Hội Dòng dù cho vẫn còn nhiều yếu đuối của phận người.
- Một sự trung kiên tìm kiếm, yêu mến, thực thi Thánh ý của Thiên Chúa của Hội Dòng và từng chị em trong Hội Dòng.
 

3.1.  Ở với Chúa và cùng nhau “Về Nguồn”

Đó là đường hướng cụ thể của tổng hội XI năm 2020-2023: Ở với Chúa và cùng nhau về nguồn. Ước mong sao mỗi chị em chúng ta ngày càng gắn kết với đời sống cầu nguyện, hăng say ở với Chúa. Nhờ đó từng chị em kín múc được nguồn sức mạnh, tình yêu, lòng nhiệt huyết để trung tín với lời đã đoan hứa. Chỉ có ở với Chúa thì chị em chúng ta mới có thể chung tay xây dựng Hội Dòng trong tình hiệp nhất yêu thương. Chỉ có ở với Chúa thì chúng ta mới sống đúng với linh đạo, với mục đích chung và mục đích riêng của Hội Dòng.

3.2“Điều đẹp ý Ngài, xin dạy con thực hiện” (Tv 142,10)

Ai nghe lời Ta và đem ra thực hành mới là môn đệ của Chúa. Chúa không ngừng mời gọi chúng ta trở nên chứng nhân của tình yêu Chúa giữa lòng thế giới hôm nay. Vì thế như lời mời gọi của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, mỗi chị em chúng ta cùng nỗ lực trở thành một chuyên viên cầu nguyện đích thực để có thể đem Chúa đến với muôn người qua đời sống, cung cách phục vụ trong vui tươi. Vì “ở đâu có tu sĩ ở đó có niềm vui”.
Lương Nguyễn HV
 
 
[1]Gm. Giuse Vũ Văn Thiên, Khát Vọng, 2015. Tại: https://tgpsaigon.net/bai-viet/khat-vong-28557
[3] Kevin Vost, PSY. D. Những con chó của Chúa. Chuyển ngữ: Học Viện Đa Minh, 2020.
114.864864865135.135135135250