25/11/2022 -

Các khối huấn luyện

401
Nên thánh để...

Cuộc sống quả thực đầy ý nghĩa, quý giá và tuyệt đẹp. Có đúng như vậy không?

Đúng, với những ai tìm được ý nghĩa và mục đích cho đời sống của mình, và tất nhiên sẽ không đúng đối với những ai đánh mất ý nghĩa và mục đích sống của đời mình.

Có một cuộc khảo sát tại Hàn Quốc với chủ đề: “Nếu bạn được phép đặt một câu hỏi cho Thiên Chúa và Ngài sẽ trả lời thì bạn sẽ hỏi điều gì?” Thật ngạc nhiên, câu hỏi chiếm con số nhiều nhất là câu hỏi: “Tại sao có quá nhiều đau khổ trên thế giới này?” và câu hỏi đứng thứ hai là: “Lạy Chúa, đâu là mục đích của đời sống con?” Có lẽ câu hỏi đứng thứ hai đã phần nào trả lời cho câu hỏi chiếm tỷ lệ cao nhất: Có quá nhiều đau khổ trên thế giới này, vì trên thế giới này có quá nhiều người không tìm được ý nghĩa và mục đích cho đời sống của mình.

Quả thật, sống không có mục đích, cuộc sống của chúng ta sẽ chỉ như “bèo dạt mây trôi,” thật buồn chán, thật tẻ nhạt, thật lãng phí và chẳng có ý nghĩa gì. Một cuộc sống không có ý nghĩa không phải là một cuộc sống đích thực. Vậy, để sống một cuộc sống đích thực, hay để sống một cuộc sống có ý nghĩa, ta cần tập sống nên thánh.

1. Tại sao cần phải nên thánh

Người xưa có câu: “Nhân chi sơ tính bản thiện.” Con người sinh ra vốn có bản tính lương thiện, hay nói cách khác, theo niềm tin Kitô giáo, con người vốn thánh thiện vì được tạo dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa là Đấng vô cùng Thánh Thiện. Thế nhưng, khi được đưa “vào đời” cùng với sứ mạng riêng mà Thiên Chúa trao phó, con người phải đối diện với một thế lực rất ghê gớm, đó là thế lực của Satan – kẻ đối đầu với Thiên Chúa. Chúng đã tạo nên những “con chíp” mang tính thế gian và tính xác thịt để ném vào con người. Chúng dùng nó làm phương tiện để cám dỗ, điều khiển con người chống lại Thiên Chúa. Với những hấp lực từ những “con chíp” đó, con người dần mê mẫn và quên đi sứ mạng của mình. Và rồi, theo thời gian, với bản tính yếu đuối, con người cũng dần đánh mất đi sự thánh thiện vốn có của mình, và đồng thời cũng đánh mất dần đi ý nghĩa cuộc sống mà Thiên Chúa đã yêu thương ban tặng.

Có thể nói, các tệ nạn xã hội, những trào lưu tục hóa, những lối sống hưởng thụ hay văn hóa vứt bỏ ngày nay như tiếng chuông lớn thức tỉnh mỗi người chúng ta ý thức lại con người thực sự mà Thiên Chúa đã tạo dựng, và mỗi người chúng ta cần phải hành động, cần phải cố gắng, nỗ lực để lấy lại bản tính thánh thiện vốn có của mình bằng cách nên thánh.

“Nên thánh” cũng chính là ơn gọi mà Thiên Chúa dành cho tất cả mọi người Kitô hữu, bất kể già, trẻ, lớn, bé.

2. Để nên thánh

Có thể ví hành trình nên thánh như một cuộc chinh phục đỉnh núi cao. Người chinh phục trước hết phải có lòng khao khát muốn chinh phục được đỉnh núi đó. Lòng khao khát sẽ là động lực giúp họ hành động và đạt đến đích. Nên thánh không phải là một hành trình dễ đi, nhưng ta vẫn có thể chinh phục được hành trình này và đạt đến đích, chỉ cần ta có lòng khao khát thực sự.

Ai đã từng đi leo núi, chắc hẳn sẽ biết được mình cần có hành trang như thế nào để thuận tiện cho việc leo núi. Một hành trình chinh phục đỉnh núi không thể mang theo những hành trang cồng kềnh, nặng trĩu. Vì thế, cần phải bỏ lại những thứ không cần thiết, những thứ làm cản trở bước tiến của ta. Trong hành trình nên thán” cũng vậy, ta cũng cần phải bỏ lại những gì làm cản trở bước đường nên thánh của ta. Đó có thể là một “chiếc áo choàng” đầy kiêu căng, ích kỷ, hay một “chiếc túi” chứa đầy những thói hư tật xấu. Đó cũng có thể là “chiếc ba lô” với đầy những đam mê, ham muốn kéo ghì ta xuống mà không giúp gì cho ta vươn tới sự thánh thiện. Có khi ta cũng phải bỏ lại cả những thứ xem là chính đáng, nhưng vì sức nặng của nó làm ta khó tiến bước. Đó là bỏ lại những mối bận tâm, lo lắng về gia đình mà phó gửi trong tay Chúa quan phòng. Đó là bỏ lại “cái bản đồ” của ta là những hoạch định ta đã vạch ra cho riêng mình mà vâng theo chỉ dẫn vô cùng sáng suốt và chính xác của Đấng Khôn Ngoan qua các trung gian của Ngài. Như vậy, hành trang của ta sẽ trở nên nhẹ nhàng và ta sẽ dễ dàng hơn để tiến về đích.

Nói là bỏ lại, nhưng không phải là bỏ lại tất cả. Ta vẫn cần phải mang theo những thứ có khi là ta không thích, không muốn, những thứ có khi là rất nặng nhưng vì chúng cần thiết và giúp ích cho hành trình của ta. Như xưa Chúa Giêsu đã phải mang lấy cây thập giá nặng trĩu trên vai để leo lên đồi Canvê. Ngài đã biến sức nặng của cây thập giá đó thành Thánh giá mang lại ơn cứu độ cho nhân loại. Hành trình nên thánh của ta cũng phải mang những cây thập giá như vậy. Cây thập giá đó là những yếu đuối, giới hạn, những khuyết điểm của ta. Cây thập giá đó là kỷ luật, là sự vâng phục, là chu toàn các bổn phận… Ta cần phải mang lấy chúng và biến chúng thành những phương tiện sinh ích cho hành trình của ta.
Một thứ khác mà ta cũng cần phải có và phải luôn mang theo trong suốt hành trình của mình, đó là lòng kiên trì. Lòng kiên trì là phương tiện rất quan trọng, rất cần thiết và hữu ích để đưa ta tới đích. Kiên trì trong cầu nguyện, kiên trì vượt qua những chướng ngại, những khó khăn, thử thách, kiên trì đứng lên bước tiếp sau những lần vấp ngã… và kiên trì chịu đựng và thánh hóa những đau khổ, những “vết thương” ta gặp phải trong hành trình. Chính lòng kiên trì sẽ tiếp thêm sức mạnh cho ta, giúp ta rút ngắn đoạn đường dài và sẽ mau chóng đưa ta tới đỉnh trọn lành.

3. Nên thánh để…

Hành trình nên thánh của ta khó khăn là thế, vất vả là thế, nhưng nó lại mang đến những ý nghĩa vô cùng lớn lao. Ta có thể tạm dừng lại hành trình của mình để tưởng niệm về cuộc hành trình lên đồi Canvê của Chúa Giêsu. Có lẽ đã có rất nhiều câu hỏi được đặt ra cho Chúa Giêsu. Rằng, tại sao Chúa Giêsu lại phải chịu một cuộc khổ nạn đáng sợ như vậy, tại sao Chúa phải vác thập giá, phải chịu đánh đòn, xỉ nhục, chịu đóng đinh và chết treo trên cây gỗ như vậy? Chúa làm như vậy để làm gì?... Và những câu hỏi tương tự khác. Câu trả lời là: Chúa Giêsu làm như vậy để đáp trả thánh ý Chúa Cha và cũng là vì yêu thương nhân loại đầy tội lỗi này.

Hành trình nên thánh của ta cũng mang cùng ý nghĩa đó. Nên thánh để ta có thể đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa dành cho mỗi người Kitô hữu chúng ta. Như thánh Phaolô đã nói trong thư thứ nhất gửi các tín hữu Thêxalônica (4, 3): “Ý muốn của Thiên Chúa là anh em nên thánh.” Nên thánh là cách thức hữu hiệu và tốt nhất để ta thờ phượng Thiên Chúa của chúng ta. Nên thánh để ta có thể mưu ích cho phần rỗi của chính mình và của người khác. Và nên thánh cũng là cách để ta có thể góp phần gìn giữ và làm cho sự thánh thiện của Giáo Hội được lớn mạnh vững bền nơi trần thế này.

Nên thánh là một hành trình dài, có khi kéo dài suốt cả đời ta. Nên thánh là một hành trình đầy thú vị, đầy bất ngờ và đầy ý nghĩa, nhưng cũng không kém phần thách đố. Tuy nhiên, câu châm ngôn của cha ông ta quả không sai: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền,” chỉ cần ta có lòng khao khát và sự kiên trì đến cùng, chắc chắn ta sẽ tới đích.

Một hành trình chinh phục không phải chỉ dừng lại ở việc về tới đích, nhưng sau đó nó còn để lại những điều ý nghĩa và tuyệt đẹp cho cuộc sống của người chinh phục và cho cả những người khác. Hành trình nên thánh không chỉ dẫn ta tới đỉnh trọn lành, đạt đến sự thánh thiện, nhưng ta còn có thể mang lại những món quà đầy ý nghĩa cho Thiên Chúa, cho Giáo Hội, cho tha nhân, cho các linh hồn và cho chính chúng ta nữa. Đó mới là cuộc sống đích thực, đó mới là “cuộc sống đầy ý nghĩa, quý giá và tuyệt đẹp”. Vậy nên, hãy nên thánh các bạn nhé!!!

_ Têrêsa Ngân Hà_ TS
 
114.864864865135.135135135250