30/11/2023 -

Các khối huấn luyện

242
Nhận thức đời dâng hiến

DẪN NHẬP

Cuộc sống là những chuỗi ngày thăng trầm trong đời người. bất cứ môi trường nào, chúng ta cũng cần sống thích ứng, hài hòa và hòa nhập với môi trường đó. Sống hòa hợp chúng ta mới có cơ hội tồn tại và phát triển, phát huy hết khả năng của mình để yêu thương và phục vụ. Đó là những kinh nghiệm của quý Dì đi trước đã để lại cho lớp trẻ mai sau là chính tôi và mỗi người chúng ta, để rồi Hội dòng Đa Minh Rosa đã được sinh ra và phát triển đến ngày nay.

Kỉ niệm 50 năm thành lập Hội dòng cũng là quãng thời gian tôi nhìn lại, tri ân quý Dì đã bỏ cả cuộc đời gầy dựng nên Hội dòng và cũng để nhìn lại đời sống ơn gọi dâng hiến của tôi. Tôi thầm cảm ơn Chúa và Hội dòng đã cho tôi được sống và hiện diện trong Hội dòng, đặc biệt trong năm hồng phúc mà tôi sẽ được lãnh nhận để trở thành thành viên chính thức của Hội dòng. Nhìn lại chặng đường mà tôi đã và sẽ còn tiếp bước hành trình dâng hiến, tôi nhận thức rằng di sản mà quý Dì đi trước để lại cho thế hệ sau thật quý giá, là những bài học để tôi tự tin hơn tiếp nối sứ vụ mà Hội dòng giao phó.

Nhận thức được điều này, tôi cần nỗ lực hơn trong cách sống đ có thể hòa nhập với môi trường sống hiện nay, đó là con người cần nhận thức được những thay đổi, biến chuyển của cuộc sống để dần thay đổi chính mình hoàn thiện hơn. Ngay từ buổi sáng sớm thức dậy, chúng ta đã có những nhận thức về không gian, thời gian và những công việc mình sẽ dự định làm trong ngày. NAnthony De Mello đã từng nói:“Không phải kiến thức nhưng nhận thức mới làm cho người ta thay đổi. Thật vậy, chỉ khi con người nhận thức mình chỉ là thụ tạo trong lòng bàn tay Chúa, dù có kiến thức uyên thâm tới đâu thì Chúa vẫn là chủ, là nguồn sống và là Đấng tạo dựng nên mọi sự từ hư vô. Khi đó, con người mới thật sự có nhận thức đúng đắn về chính mình và tha nhân, để có thể sống hòa nhập, sống cho, sống vì và sống với tha nhân. Nói cách khác, nhận thức giúp con người sống một ngày thấy được mình, một ngày sống thấy được người khác và một ngày sống thấy sự chung nhất giữa mình và người khác. Nhận thức để chúng ta sống năng động và mạnh mẽ, để biết sống sâu hơn về chính mình, sâu hơn về tình liên đới sâu hơn trong mối tương quan với Thiên Chúa.


NHẬN THỨC ĐỂ SỐNG LÀ CHÍNH MÌNH

Bước vào cuộc đời này, ngay từ khi lọt lòng mẹ, con người đã sống mối tương quan giữa người với người, mối tương quan này được gắn kết qua tình yêu thương lẫn nhau: cha mẹ yêu thương con cái, con cái yêu thương cha mẹ và mở rộng ra ngoài xã hội là mối tương quan với những người xung quanh, với tình yêu thương ta trao cho họ và họ trao cho ta. Để sống tốt mối tương quan này, chúng ta cần nhận thức rõ về chính mình, biết mình có những ưu khuyết điểm nào, để từ những ưu, khuyết điểm đó chúng ta phát huy và sửa đổi để sống hài hòa, thích ứng hơn với môi trường chúng ta đang sống. Càng hiểu rõ bản thân, chúng ta sẽ dễ dàng tha thứ và cho đi, sẵn sàng thay đổi lối sống để phù hợp với hoàn cảnh, con người và môi trường chúng ta đang sống.

Quả vậy, khi nhận biết được chính mình, tôi có cái nhìn bao dung và thương cảm hơn, sống chân thành hơn với mọi người, không chỉ là sự cho đi của tôi với tha nhân mà tôi còn biết khiêm tốn đón nhận những lời góp ý, khiêm tốn lắng nghe, chậm giận để suy xét kỹ lưỡng hơn về mọi sự việc đang diễn ra trong cuộc sống hàng ngày, phân biệt được những điều nên làm và những điều nên tránh. Hơn hết, nhận thức được bản thân, tôi cảm thấy cuộc sống vui tươi, hạnh phúc hơn dù sống trong hoàn cảnh nào. Đặc biệt, trong ơn gọi thánh hiến, tôi luôn cảm ơn Chúa đã luôn gìn giữ và đồng hành với tôi. Và nhất là tôi biết quảng đại dấn thân và không ngại ngùng sợ hãi với sứ mạng mà Hội dòng giao phó cho tôi.

Nhìn lại những bước đường dâng hiến, tôi cảm thấy mình được lớn lên trong ơn gọi, thấy được chính mình nhiều hơn ngang qua sự va chạm, tiếp xúc với chị em. Tôi thấy được những giới hạn, khuyết điểm của mình qua cuộc sống chung và qua những lời góp ý của người chị em. Bước vào đời dâng hiến, tôi mang theo cả con người tôi, nhưng nhờ sự dạy dỗ của những vị hữu trách và của người chị em sống chung, tôi học biết kiềm chế bản thân để cùng nhau đối thoại, cảm thông và giúp đỡ nhau sống với lý tưởng là bước theo Đức Kitô ngày một khăng khít và sâu hơn. Tôi nhận thức rằng cuộc sống sẽ trở nên ý nghĩa hơn nếu mỗi người biết nhận ra những giá trị của chính mình cũng như của người khác mà bổ túc cho nhau, xây dựng tình liên đới ngày một khăng khít.


NHẬN THỨC SÂU HƠN VỀ TÌNH LIÊN ĐỚI

Mỗi người là một cá thể riêng biệt, không ai giống ai và mỗi người đều có những tài năng riêng, những điểm mạnh xen lẫn với những điểm yếu trong cùng một con người. Chính vì thế, con người cần sống tình liên đới để bổ túc cho nhau và nâng đỡ nhau trong cuộc sống, không ai là không cần đến người khác. Tôi và tha nhân cần sống tình liên đới trong việc đồng hành, thúc đẩy, củng cố và kích thích, có vậy, tôi và tha nhân mới phát triển được. Sống liên đới khi chúng ta thấy mọi người thích đến gần ta, từ người lớn tuổi đến các em cũng muốn nói chuyện với ta thì lúc ấy ta mới thật sự sống tình liên đới cách sâu sắc. Ngoài ra, sống tình liên đới đó là chúng ta thể hiện được sự chân thực cảm xúc của ta với đối phương, cảm xúc được gần gũi, được cộng tác và được tin nhận. Nhận thức về tình liên đới khi chúng ta ý thức được giá trị tương quan, sự phục vụ khiêm tốn và lên đường, sống cuộc đời một cách có ý nghĩa nhất.

Kinh nghiệm khi tôi được đi sứ vụ nơi các cộng đoàn truyền giáo đã cho tôi thấy rõ hơn về điều này. Một tình liên đới thật khăng khít và đầy tình người đang nở hoa trên cánh đồng truyền giáo Gia Lai. Tôi thật sự cảm thấy được tình người, tình yêu thương và cho đi của các anh chị em đồng bào. Tôi đến với họ trong sự ngỡ ngàng và ngập tràn niềm vui. Ngày ngày tôi đến với các em trong những giờ học và thăm hỏi các gia đình trong làng. Các em đã dành cho tôi những tình cảm rất riêng, như trong một gia đình, một sự gần gũi và tin nhận từ nơi các em đã cho tôi thêm động lực dấn thân. Tôi ý thức được mình vốn là một người nhút nhát, sợ sệt khi được giao phó một công việc gì. Nhưng khi đến với các anh chị em đồng bào thì tôi không còn cảm thấy sợ sệt và tự ti nữa. Bởi lẽ, ở nơi họ, tôi cảm thấy một sự tin tưởng tuyệt đối. Tôi tự tin hơn và dễ dàng thích ứng nhanh với môi trường mới và cố gắng để đem hết những gì mình đã học được để giúp đỡ họ cách tốt nhất và bằng hết khả năng của bản thân.

Tôi thiết nghĩ rằng khi chúng ta biết sống cho người khác là chính lúc ta nhận thức được tầm quan trọng của giá trị tương quan, coi lợi ích chung của tập thể lên hàng đầu, vui khi thấy người khác thành công và biết nhạy bén trước nhu cầu của người khác. Như vậy, mối tương quan giữa tôi và tha nhân mới thực sự là sự gặp gỡ trong tình người, trong sự tôn trọng, cảm thông và hiệp nhất. Sự gặp gỡ này đi đến tuyệt vời của mối tương quan đó là khi chúng ta biết lắng nghe thấu cảm của người bên cạnh, người đang sống cùng với chúng ta, lắng nghe trong sâu thẳm cõi lòng của tha nhân. Để học được điều này, chúng ta cần biết bỏ đi “cái tôi” của bản thân và bước ra khỏi những nghi kỵ, ghen tương, thù hận với tất cả ý chí, nghị lực và quyết tâm lên đường để trở thành một lữ khách luôn sẵn sàng phục vụ tha nhân cách mau lẹ và quảng đại dấn thân, như Đức Giêsu đã sống và nhắc nhủ: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15).


NHẬN THỨC SÂU HƠN VỀ THIÊN CHÚA

Tình liên đới giữa tôi và tha nhân được xây dựng thích ứng, hài hòa với nhau nhưng sẽ không điều gì là bền vững nếu chúng ta chỉ cậy vào sức riêng của bản thân. Mỗi dân tộc, mỗi con người đều có nền văn hóa khác nhau và cũng có những nền tôn giáo thờ phượng khác nhau. Ai sống cũng phải cậy dựa vào một “ông trời” nào đó của riêng mình. Nếu ta cứ khư khư xem đạo của mình là tốt, là thật mà khinh chê đạo của người khác thì chúng ta chỉ sống hòa nhập cách nửa vời. Tôn trọng đạo người như tôn trọng chính đạo ta thì sự tương giao giữa con người với nhau mới có kết quả được. Tin tưởng nơi Thiên Chúa của mình cũng như tôn trọng đạo của tha nhân, chúng ta sẽ có cái nhìn khách quan hơn và có đủ sức mạnh để vượt qua mọi rào cản của tôn giáo để đến với tha nhân cách cởi mở và chân thành.

Mặt khác, tôi cũng cần thay đổi chính mình để sống thích ứng, hài hòa với bất cứ mọi môi trường cũng như sống mật thiết mối tương quan nội tâm với Chúa. Khi đó, tôi sẽ có tầm nhìn rộng mở hơn, biết đón nhận nhau và đến với nhau trong sự khiêm nhường, cởi mở, lắng nghe, hợp tác và chia sẻ. Hơn nữa. khi tôi có tương quan với Chúa tốt thì khi sống với tha nhân tôi sẽ có cái nhìn tích cực, bao dung và dễ dàng tha thứ cho người khác. Bởi lẽ, chính Chúa là người đi bước trước dạy cho chúng ta điều đó. Trong mọi sự, tôi tin rằng chỉ khi tôi biết gắn kết với Chúa trong cầu nguyện thì tôi cũng sẽ dễ dàng gắn kết với tha nhân trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống, tôi sẽ luôn sẵn sàng lên đường với tất cả con tim, lý trí và ý trí.


NHÌN LẠI HÀNH TRÌNH DÂNG HIẾN

Nhìn lại cuộc sống hiện tại của tôi, tôi luôn tập nhìn lại tôi ngày hôm nay và ngay lúc này đang sống như thế nào? Tôi sẽ làm cái gì cho cuộc sống, cho Hội dòng? Cái gì làm cho tôi lớn lên và lùi lại? Tôi có thật sự sống hết sức, hết linh hồn, hết trái tim cho Hội dòng hay chưa? Với biết bao hồng ân Chúa dành cho tôi, tôi đã đáp trả lại được bao nhiêu, tôi đã cống hiến được gì cho Hội dòng nơi đã nuôi dưỡng và cho tôi có cơ hội phát triển?

Từ những thao thức này, tôi luôn tự nhủ với lòng là phải luôn cố gắng mỗi ngày, đó cũng là cách tôi đáp trả lại lời mời gọi của Chúa. Chính trong đời sống cộng đoàn này, tôi sẽ được học hỏi nhiều điều nếu như tôi sống cộng đoàn cách hòa hợp và hiệp nhất với nhau. Nếu sống được điều này thì tôi tin chắc rằng khi bước ra môi trường xã hội, tôi sẽ vững bước hơn vì tin rằng luôn có chị em bên cạnh và đồng hành cùng tôi. Tôi sẽ mạnh dạn bước ra khỏi chính mình, bước ra khỏi sự ích kỷ vốn là kẻ thù của sự hiệp nhất để sống cho sứ mạng mà Hội dòng đã trao phó. Sứ mạng ấy không chỉ là những lời rao giảng trên môi miệng nhưng còn là lời mời gọi sống chứng tá giữa đời với tình yêu thương và lòng tín thác.

TẠM KẾT

Tóm lại, một con người sinh ra và lớn lên thì ai cũng cần có nhau. Để cuộc sống chúng ta luôn có niềm vui, hạnh phúc và bình an thì chúng ta cần thay đổi chính bản thân để sống hài hòa, cân đối với chính mình, với tha nhân và với Thiên Chúa. Nhận thức rõ điều này, tôi sẽ điều chỉnh lại lối sống, cách cư xử, hành động của tôi sao cho đẹp lòng Chúa và mọi người. Vâng, nhìn lại để rồi nhận thức rõ hơn về chính mình, về các mối tương quan với Chúa và tha nhân chính là bài học mà tôi và mỗi người chúng ta cần học và tập suốt đời.
                                                       

Thérèse Hoàng Anh
114.864864865135.135135135250