Mỗi dịp 20-11 về, người người nô nức mua hoa, mua quà, đến thăm hỏi và tỏ lòng biết ơn đối với quý thầy cô giáo đã dày công dạy dỗ mình. Điều đó thật đẹp và ý nghĩa! Thế nhưng trong ngày này, ít ai trong chúng ta nhớ đến biết ơn cha mẹ - những người thầy, người cô đầu tiên đã cho ta những bài học mà ta mang theo xuyên suốt cuộc đời mình.
Lòng biết ơn là gì nếu không phải là việc ghi nhớ công ơn và nỗ lực làm gì đó để đến đáp người ta mang ơn. Đôi khi người ta thể hiện sự biết ơn bằng những món quà nho nhỏ tặng nhau, đôi khi là một hành động giúp đỡ ngược lại khi họ gặp khó khăn, đôi khi là nỗ lực phấn đấu để xứng đáng với ơn mình nhận, và đôi khi chỉ là một lời cảm ơn nhẹ nhàng, chân thành…
Ở Việt Nam không có ngày dành riêng để con cái thể hiện lòng biết ơn đối với cha mẹ, có chăng chỉ là mượn theo văn hóa phương Tây để tổ chức lễ hội, hay chỉ có trong một số tôn giáo lớn mà thôi! Bởi vậy, ngày 20/11, tuy là ngày nhà giáo, nhằm tri ân những thầy cô giáo, nhưng cũng được hiểu là ngày để con cái thể hiện lòng tri ân của mình đối với cha mẹ vì cha mẹ chẳng phải là những người thầy, người cô đầu tiên trong cuộc đời ta sao? Thế nhưng, dường điều này lại được rất ít người quan tâm đến!
Tôi nhớ ngày còn nhỏ, khi còn đi học, mỗi lần đến dịp 20-11 mẹ tôi lại lo lắng dàm dụm chắt chiu từng đồng để làm sao cho sáu anh em chúng tôi mỗi đứa có một món quà nho nhỏ để tặng thầy cô của mình. Biết đó là cả một sự hy sinh lớn lao của mẹ cha, vì kinh tế trong gia đình không phải là dư dả gì, thế nhưng nhiều khi tôi còn vùng vằng, than vãn mẹ về những món quà có phần “đơn sơ” ấy. Đối với tôi, ngày Nhà giáo thì phải dành điều gì tốt nhất cho thầy cô đã vất vả dạy mình, yêu thương nâng đỡ mình trên đường rèn luyện tri thức. Chưa một lần tôi nghĩ mình phải dành ngày này để nói với mẹ lời cảm ơn, để giúp đỡ ba san sẻ những gánh nặng.
Ngẫm lại trong suốt những tháng ngày tôi đã sống, những bài học tri thức tôi chẳng thể nào nhớ hết, những gì tôi học được ở trường, tôi sẽ quên đi vào một lúc nào đó khi tôi không còn cần đến nó. Thế nhưng những bài học làm người mà cha mẹ dạy, tôi không sao quên được, vì nó là những gì thể hiện con người của tôi, đó là những bài học dạy tôi cách sống làm sao để tôi được mọi người yêu thương và tôn trọng mà tôi phải thực hành mọi ngày trong cuộc đời của mình.
Thầy cô cũng chỉ lướt qua cuộc đời tôi ở một giai đoạn nào đó, cũng có những vị để lại cho tôi những bài học khắc cốt ghi tâm, nhưng cha mẹ tôi thì dạy tôi những bài học để sống cả đời, những bài học trộn cả mồ hôi, nước mắt đắng chát lẫn với tình yêu ngọt ngào!
Đôi khi, ta khó nhận ra mình đã được cha mẹ dạy cho những gì nên ta không coi cha mẹ như những vị thầy cô giáo chân chính. Nhưng thử nhìn lại mà xem, ai dạy ta ăn, ai chỉ cho ta cách đứng lên, ai dìu ta ước những bước chân chập chững đầu đời, ai đã vất vả sửa luyện cho ta từng từ để phát âm thật chuẩn những âm thanh đầu tiên…? Tôi biết có người cha quanh năm chạy xe ôm, nhưng lại có thể dạy dỗ, chăm lo cho con gái mình ăn học và trở thành bác sĩ tài giỏi. Tôi biết có người mẹ, từng ngày long đong với gánh hành rong ruổi trên đường phố, thế mà lại dạy dỗ giúp cho con trai mình trở thành một doanh nhân thành đạt, sự nghiệp vẻ vang. Và tôi biết có người cha, dù chỉ học đến lớp 2, nhưng không có một khó khăn nào mà một trong 6 anh em chúng tôi gặp phải lại không được ông chỉ bảo cách giải quyết ổn thỏa. Tôi còn biết có người mẹ, dù thiếu thốn trăm bề, nhưng bằng tình thương, luôn tìm ra cách cho chúng tôi hiểu được giá trị cuộc sống, biết trân quý những gì chúng tôi nhận được,… Và có lẽ ta chẳng có thể nào có thể liệt kê những bài học kinh nghiệm cuộc sống, bài học về tình yêu thương mà cha mẹ dạy ta.
Thế nhưng, tôi vẫn không thể nào hiểu được mỗi lần khi nghe tin tức đâu đó rằng con cái bỏ rơi cha mẹ già, con cái đánh đập cha mẹ chỉ vì những chuyện cỏn con, con cái cướp tiền bạc, gia sản của cha mẹ mình,… Biết bao giờ ta có thể trả ơn cha mẹ cho đủ, mà lại nỡ lòng vô ơn bạc nghĩa. Đành rằng, cũng có những gia đình mà con cái đôi khi chẳng cảm nhận được tình yêu thương, sự chăm sóc và dạy dỗ, nhưng chẳng phải họ vẫn lớn lên từng ngày, vẫn có cơ hội học hành, làm việc. Ấy là bởi tình thương còn bị che lấp mà chưa được tỏ hiện cách rõ ràng. Và ấy cũng là cơ hội cho ta học được nhiều bài học của sự trưởng thành, là bài học kinh nghiệm cho ta trong cuộc sống mai này phải biết yêu thương nhiều hơn để không rơi vào những mất mát như ta,… Vậy mới biết, đôi khi khó khăn mới là những bài học đáng giá, và ta phải cảm ơn nhưng người đã tạo ra cho ta những khó khăn ấy.
Đôi khi, ta không phải là người vô ơn, nhưng vòng xoáy của cơm áo gạo tiền, của công việc, của những vất vả lo toan làm ta quên mất dành thời giờ để trả ơn. Có những người làm cha làm mẹ, nuôi con cái thành tài, đâu mong mỗi tháng nhận được một khoản tiền lớn, nhưng chỉ mong được gặp mặt con, được bồng ẵm cháu. Người làm cha làm mẹ chỉ cảm thấy hạnh phúc khi con cái mình hạnh phúc. Biết ơn đâu cần phải cầu kì, hình thức, mà chỉ là được ở bên nhau, chia sẻ vui buồn cùng nhau. Đừng để đến lúc cuối cùng ta mới nhận ra mình đã sống vô ơn với cha mẹ!
Biết ơn không chỉ là việc ta phải làm trong ngày này hay ngày kia mà là bổn phận trong suốt cuộc đời. Con cái tỏ lòng biết ơn cha mẹ bằng việc chăm sóc, nâng đỡ hỏi han cha mẹ mình, bằng việc phấn đấu nỗ lực học hành làm việc làm cho cha mẹ vui lòng. Hơn thế, người tín hữu có bổn phận hiếu thuận và cầu nguyện cho cha mẹ, cả khi các ngài còn ở dương thế hay đã về cùng Chúa. Trên tất cả, lòng biết ơn không căn cứ ở việc hành động trả ơn thật nhiều, quà cáp thật sang, nhưng căn cứ ở lòng chân thành và tình yêu mến xuất phát từ tận đáy lòng mỗi người.
Nếu ai đó nói rằng, mình không có thầy cô nào để thể hiện lòng tri ân trong ngày 20/11 thì thật là lạ! Bởi lẽ cha mẹ - người thầy, người cô lớn nhất trong cuộc đời vẫn đang đợi họ đáp trả tình yêu thương. Một lời hỏi thăm, một lời cầu nguyện, một câu chúc mừng,… Và lòng biết ơn không chỉ dừng lại ở đó, mà biết ơn còn là cho đi, cho đi mãi để lòng biết ơn chạm đến cõi lòng của những ngừơi cô độc nhất, lạnh lùng nhất trên thế giới này!
Maria Diệu Huyền