02/06/2022 -

Các khối huấn luyện

507
Quan điểm về việc học
   
Trong khoảng lặng của giờ phút hồi tâm, tôi xét lại bản thân trong các mối tương quan, trong công việc và trong học tập. Hiển nhiên đây là công việc hằng ngày mà tôi phải làm. Nhưng hôm nay khác với mọi hôm. Tôi có nhiều thời gian để xét kỹ hơn và tất nhiên sẽ có vài điều nào đó đánh động để tôi xét lại và hôm nay là việc học tập việc mà tôi đang để tâm đến.
   
Học tập là việc ai cũng trải qua một lần trong đời chỉ khác nhau là ít hay nhiều, dài hay ngắn. Có lẽ tôi thuộc trong số những người may mắn được cắp sách đến trường. Sau khi hoàn thành chương trình học tập. Cũng như bao người, tôi cũng tìm cho bản thân một con đường mới cho tương lai. Điểm này có lẽ tôi khác với một số người, công việc đầu tiên lại chính là học, một kiểu học có sự giống với thời học sinh, nhưng cũng có phần khác biệt.
   
Cũng chẳng khác thời học sinh là bao, cũng là căn phòng với dãy bàn ghế, trước mặt là bục giảng với tấm bảng viết. Trong hộc bàn cũng chẳng thiếu bút vở, sách học, thước kẻ và những tập tài liệu, nhìn mà nhớ lại hình ảnh thời học sinh; nhưng những danh mục tôi sẽ học, sẽ viết chúng khác hẳn với những danh mục và bài học xưa, chúng là những kinh nghiệm, những bài học giúp cho tôi nâng cao tri thức và nên người hơn.
   
Ngày xưa một tiếng Thầy hai tiếng Cô, họ là những người xa lạ, chẳng quen biết. Họ dạy và truyền những kiến thức cho tôi, để kiếm cho bản thân, gia đình họ có được bữa cơm, để lấy được thành tích dạy giỏi, để thi đua và tất nhiên một góc nào đó cũng để dạy cho tôi được khôn ra và tốt hơn. Còn với lớp học hiện tại, giáo sư lại là tên gọi quen thuộc của người dạy học, các ngài là những người gần như là cùng một nhà, có đầy những kinh nghiệm, tâm huyết và nhiệt tình chia sẽ tất cả những gì bản thân có được. Có lẽ sẽ có câu hỏi đặt ra ngay ở câu này và tất nhiên những điều đó được minh chứng bằng cách các ngài dạy dỗ, hướng dẫn và truyền dạt mà không cần nhận một đồng lương nào, không phải tìm kiếm thành tích, không lo phải thi đua lấy điểm dạy giỏi, mà điều các ngài quan tâm hướng cho học trò làm nên, đó là thành người hữu ích cho xã hội. Đây là điều mà nền giáo dục của nước ta chưa làm được vì quá mãi lo tìm kiếm lợi nhuận cho nền kinh tế, bị bệnh thành tích giật dây. Tại sao lại nói vậy. Chúng sẽ được vén mở ở bức màn kế tiếp đây.
   
Thời học sinh chắc hẳn ai cũng đã quen thuộc với những câu như là: cố mà học cho có công ăn việc làm đàng hoàng, học cho giỏi sau này làm bác sĩ, công an, luật sư kiếm được nhiều tiền hay để làm chức này danh nọ cho cuộc sống bớt khổ và an nhàn hơn. Còn các vị giáo sư của tôi hôm nay đã dạy tôi cách để làm người, để yêu, để cứu, để tha thứ và để giúp đỡ mọi người
   
Sau những cảm nhận ấy tôi cũng nhìn lại chính bản thân. Thời học sinh tôi đã cố gắng phấn đấu học để giỏi hơn các bạn khác, để giành thành tích thi đua với bạn bè, đạt được thành tích tốt, được sự tín nhiệm của thầy cô, có lẽ điều này ai trong thời học sinh cũng ước mơ. Giờ thì chúng chẳng còn quan trọng và không còn là mục đích mà tôi nhắm đến. Đích đến bây giờ là nhân đức trọn hảo, chẳng phải ganh đua với ai, chẳng cần lấy điểm thành tích. Giờ việc học là để thu nhận nhiều kiến thức, thay vì để giỏi hơn người, bây giờ là để phục vụ, thay vì tìm thành tích thì nay tìm sự khiêm nhường, yêu thương và thay vì để làm giàu tôi được học cách chia sẽ cho đi mà chẳng tích góp.
   
Chỉ là vấn đề học tập thôi mà làm nên những suy luận những cảm nghiệm vô cùng khác nhau về không gian, con người và mục tiêu. Cũng là học nhưng kiến thức truyền đạt hoàn toàn khác. Một bên làm giàu và một bên làm người. Có lẽ nền giáo dục của nước ta chính là một trong số nguyên nhân làm cho vấn đề đạo đức của các bạn trẻ ngày nay bị tha hoá. Bạn nghĩ sao về vấn đề này. Suy nghĩ của bạn giống hay khác suy nghĩ của tôi, tất cả cũng chỉ do sự chọn lựa.

 

Y Thanh
114.864864865135.135135135250