27/02/2024 -

Các khối huấn luyện

270
Sám hối - buồn hay vui?
Bước vào mùa Chay, Giáo hội mời gọi mỗi người chúng ta lắng nghe và thực hành Lời Chúa Giêsu đã nói: “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Nghĩ về việc sám hối, chúng ta thường nghĩ đến những tội lỗi, những hy sinh, đau khổ, khóc lóc, ăn năn… nhưng, màu sắc của sám hối trong mùa Chay không chỉ mang những sắc thái của những tội nhân lam lũ, u ám với vẻ mặt đầy thiểu não, mà còn mang một sắc thái khác của niềm tin và hy vọng trong cuộc đời mỗi người.

Sám hối – buồn hay vui?

Mùa Chay, mùa của ăn năn sám hối. Chúa Giêsu đã dạy: “Anh em hãy sám hối” (Mc 1,15). Những ngày của mùa Chay bắt đầu từ thứ tư Lễ Tro, với việc xức tro trên đầu các tín hữu như dấu chỉ của việc ăn năn sám hối, ý thức về thân phận tro bụi của mình: từ bụi tro rồi sẽ trở về tro bụi. Tất cả chúng ta được mời gọi để nhìn vào thân phận hư nát, tội lỗi, yếu đuối của mình và cầu xin Lòng Thương Xót của Chúa. Đó cũng là thời gian để chúng ta đặt lại các nấc thang giá trị cuộc sống và ý thức hơn về thân phận con người: Tôi là ai? Sống làm gì? Chết sẽ đi về đâu?

Phụng vụ trong mùa Chay cũng giúp chúng ta chìm sâu vào bên trong, không ồn ào, không náo nhiệt, không đình đám. Như thế, khi càng tiến sâu vào bên trong chúng ta càng đối diện nhiều hơn với chính mình, nhất là vào những “vùng tối” trong chúng ta. Đó là nơi đầu tiên chúng ta sẽ chạm đến, ở đó chúng ta sẽ gặp thấy những điều chẳng mấy tốt đẹp nơi chúng ta, chúng ta có thể chạy trốn, tránh né, sợ hãi… Nhưng cũng có thể sẽ can đảm để đối diện với nó, vật lộn với nó trong nước mắt, đau đớn.

Thật không đơn giản khi đối diện với những điều đó, loay hoay với nó trong khoảng tối của tâm hồn mình. Nếu chỉ dừng ở lại đây, sẽ thất bại, bế tắc, chán ghét bản thân, thất vọng và có thể đánh mất bản thân, niềm tin vào chính mình. Sám hối với những đau khổ, nước mắt… cần, nhưng chưa phải thật sự là sám hối, còn một điều khác quan trọng hơn.

Sám hối - vui hay buồn?

 Sám hối trong mùa Chay còn là để cảm nghiệm mầu nhiệm tình yêu cứu độ cũa Đức Kitô khổ nạn - Phục sinh. Những giọt nước mắt, đau khổ trong sám hối rất cần. Nhưng chưa đủ! “Sám hối và tin vào Tin Mừng”, sám hối còn là sắc thái của niềm Tin và hy vọng. Những cử hành phụng vụ và những tâm tình của mùa Chay phải hướng chúng ta đến tình yêu cứu độ của Thiên Chúa.

Qủa vậy, chính chúng ta là nhân vật thực hiện hành vi sám hối, nhưng đối tượng mà sám hối mời gọi chúng ta hướng đến là Tình yêu nhưng không mà Thiên Chúa ban cho loài người. Khi ngã xuống vì yếu đuối, tội lỗi, chúng ta được nâng dậy bẳng ân sủng của Thiên Chúa và bằng sức mạnh Thần Khí. Không phải Thiên Chúa muốn chúng ta phải đau khổ, vật lộn với bản thân trước khi Ngài tha thứ. Nhưng đúng hơn, Thiên Chúa tôn trọng tự do tuyệt đối của chúng ta, kể cả khi chúng ta nói “không” với Ngài.

Sám hối như là một lời ngỏ chúng ta nói với Chúa hãy bước vào cuộc đời chúng ta và để chúng ta nói với Ngài: “Thưa Cha, con đã sai, xin Cha thương xót con là kẻ có tội.” Khi đó, trong lúc ta đau khổ, chán nản và cảm nhận sâu sắc cái nghèo của mình, sự yếu đuối tột cùng của bản thân, thì đồng thời chúng ta cũng càng cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa yêu chúng ta quá bao la, nhiệm mầu bấy nhiêu, dẫu chúng ta là ai, trong tình trạng nào, Ngài vẫn yêu chúng ta như chúng ta là. Với tình yêu ấy, Thiên Chúa vẫn luôn đổ đầy và mời gọi chúng ta: “Hãy để Ta được lại gần con và yêu thương con như con lúc này.”
 
Lạy Cha là Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Cha vẫn luôn yêu chúng con với một tình yêu tuyệt đối, Cha nhìn thấy cảnh khốn cùng của chúng con khi phải chiến đấu với ba thù ở thế gian này, xin dạy chúng con biết sám hối, biết chạy đến với Cha những khi chúng con chán nản, thất vọng, để được Cha bênh đỡ, bảo vệ và giải thoát. Chúng con cậy nhờ vào Lòng Thương Xót của Cha, qua cuộc khổ nạn - Phục sinh của Đức Giêsu trên Thánh Giá, Chúa cứu độ chúng con Amen.
 
ANPG
 
114.864864865135.135135135250