Hội thảo Thần Học: Hiểu và sống năm thánh Lòng Thương Xót
Dòng nữ Đa Minh Rosa-Lima
Thuyết trình viên: Nt. Catarina Nguyễn Thùy Dung
Sứ vụ tông đồ
cách thức thể hiện lòng thương xót
I.Dẫn nhập
Trước khi nói về những hoạt động cụ thể của Dòng nữ Đa Minh Rosa-Lima, nối kết với năm thánh Lòng Thương Xót, chúng ta cùng nhìn lại cách vắn tắt về thánh Đa Minh và Dòng Giảng Thuyết với hai điểm sau, để thấy được sứ vụ của chúng ta là cách thức thể hiện lòng thương xót.
1.Tôn chỉ
Nói với Chúa và nói về Chúa[1].
Nói với Chúa: Thánh Đa Minh đã dành trọn thời gian ban đêm để “ở lại với Chúa”, Ngài nói với Chúa bằng đời sống cầu nguyện; những người thời sau vẫn nói về “Chín cách cầu nguyện của Thánh Đa Minh”. Thánh nhân có nhiều cách “nói với Chúa”, qua đó cho thấy sự phong phú trong đời sống cầu nguyện của người Đa Minh theo gương mẫu của vị Tổ phụ.
Nói về Chúa: nếu ban đêm cầu nguyện thì ban ngày thánh Đa Minh đi rao giảng. Người tu sĩ Đa Minh được mời gọi nói về Chúa qua lời giảng, chứng từ bác ái, việc giáo dục...điều cần thiết là đời nội tâm và sống Tin mừng theo gương Đức Kitô cùng các tông đồ.
2.Đoàn sủng của Dòng Đa Minh
Contemplare et contamplate aliis tradere
“Chia sẻ cho tha nhân những gì mình đã chiêm niệm”
Là người tu sĩ Đa Minh, chúng ta sống đoàn sủng của Dòng đó là: “Chia sẻ cho tha nhân những gì mình đã chiêm niệm”. Thánh Đa Minh đã dùng thời gian ban đêm để đàm đạo với Chúa và ban ngày chia sẻ điều đó cho người khác.
Thánh Tổ phụ chỉ nói cho tha nhân những gì ngài đã cảm nghiệm, sống với Chúa. Ngài muốn họa lại khôn mặt của Chúa, đặc biệt chú trọng đến việc rao giảng Tin Mừng: ra đi với hai bàn tay trắng của Đức Kitô, không hành lý cồng kềnh, ngài trở thành người loan báo Tin Vui chứ không phải là kẻ chinh phục. Những gì thánh Đa Minh chiêm niệm thì ngài chia sẻ cho tha nhân. Người tu sĩ theo đặc sủng này sẽ thể hiện cụ thể qua việc “Chiêm niệm và hoạt động”.
II.Mục đích riêng của dòng Đa Minh Rosa-Lima[2]
-Truyền giáo cho lương dân
-Giáo dục thanh thiếu niên
-Thi hành bác ái bằng các việc từ thiện.
1.Truyền giáo cho lương dân
Thánh Đa Minh đã gặp người chủ quán theo giáo phái Cathares, vốn bị coi là có niềm tin sai lạc, nhưng lại gây ảnh hưởng lớn khắp vùng Albi (Pháp), và gặp những người ngoại, chưa bao giờ nghe nói về Đức Kitô. Ngài xúc động, thương xót khi tiếp xúc với họ và đây là lý do khiến ngài quyết định lập dòng cho sứ vụ Loan báo Tin Mừng, theo lời mời của Đức Giêsu: anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ (Mt 28, 19). Người nữ tu Đa Minh Rosa-Lima bước theo lý tưởng đó và lấy việc truyền giáo là điểm trọng yếu của dòng.
Việc rao giảng Tin Mừng bằng cách đi vào cuộc sống cụ thể của những người dân, cùng với họ chia sẻ những lao nhọc đời thường, những bữa ăn huynh đệ, sự giúp đỡ vật chất và tinh thần...để qua những mối tương giao này, họ khám phá dần dần tình yêu và lòng thương xót của Chúa. Trong những lần gặp gỡ giữa những con người là sự hiện diện của Chúa, và từng bước Ngài dẫn họ đến với Ngài.
Dạy giáo lý: những người được Thiên Chúa thúc đẩy qua những chứng nhân hay những biến cố, sự kiện... Hội dòng chú trọng việc dạy giáo lý Tân tòng và có những tổ chức hoạt động riêng trong lãnh vực này. Đây là nhu cầu cấp thiết, vì làm sao mà tin vào Đức Kitô nếu không có người rao giảng? (x. Rm 10, 14-15).
Bài học về Năm thánh “Lòng thương xót”: như Đức thánh cha trong chuyến viếng thăm Hylạp, chuyến bay từ đảo Lesvos về Roma chiều ngày 16-4-2016, ngài đã đưa 12 người tị nạn về Vatican, cử chỉ này là lời mời gọi mỗi người chúng ta, đặc biệt là nữ tu Đa Minh Rosa-Lima, là những cánh tay nối dài của Chúa, muốn đưa anh chị em mình về hưởng lòng nhân hậu của Thiên Chúa.
2.Giáo dục thanh thiếu niên
Thánh Đa Minh khi mới lập dòng, số anh em còn rất ít, ngài đã gởi các anh em vào các trường học để học và để làm việc trong chính môi trường này. Cũng với mục đích đó, Hội Dòng chúng ta cũng có sứ vụ giáo dục trong ba lãnh vực:
- Nhà trẻ,
- Lưu xá sinh viên,
- Đại học, học viện công giáo.
- Nhà trẻ: không chỉ có những trường mẫu giáo như những hội dòng khác, mà còn phát xuất từ hoàn cảnh thực tế, nên Đa Minh Rosa-Lima đã lập ra các nhà trẻ và nhà nội trú cho các em có hoàn cảnh đặc biệt (miền quê, vùng dân tộc thiểu số).
Để đáp lại lời mời gọi của Đức Giêsu: Hãy để các trẻ nhỏ đến với Ta vì nước trời là của những người giống như chúng. (Mc 10, 14). Nhìn những nụ cười hồn nhiên, những trò chơi của tuổi thơ đáng mến, nhưng lại không có cơ hội đến trường. Để niềm vui của các em được đong đầy, và cho tương lai các em có một lối mở, Hội dòng có ý tưởng thành lập những nhóm trẻ, ở đó các em được học văn hóa, được nuôi dưỡng, được vui chơi và sau này có thêm những nhà nội trú cho những em ở xa được ở lại đó. Ngoài việc học văn hóa, các em cũng học cầu nguyện, giáo lý...
Đó là cách thức để các trẻ nhỏ đến với Chúa.
*Lưu xá sinh viên: vừa là nơi cho các em sinh viên nữ có chỗ trọ, học; vừa là nơi các em học chia sẻ, quan tâm đến những người làng xóm, cùng với các nữ tu tham gia chương trình từ thiện, giúp đỡ cụ thể bằng vật chất, chia sẻ tinh thần. Với những việc làm đó giúp cho người trẻ phát huy tính sáng tạo, tinh thần quảng đại và sự năng động của họ (xem những sinh hoạt của lưu xá và việc làm của sinh viên qua hình ảnh).
*Đại học, Học viện Công giáo: môi trường đại học cũng giúp chúng ta loan báo Tin Mừng về tình thương của Chúa. Ngoài việc trau dồi kiến thức nơi học đường, các bạn trẻ rất nhiệt tâm, có tấm lòng với người nghèo, nếu có động lực thúc đẩy và sự hỗ trợ. Do vậy, tu sĩ làm việc trong môi trường này là những người đi bước đầu để khơi lên nơi các em lòng nhân ái, sự dấn thân. Do đó các giảng viên trong Hội dòng cùng tham gia các hoạt động với sinh viên như chương trình: “Cây yêu thương”; “Bữa cơm chia sẻ”, “Đến để được yêu thương...”. Đó là những chủ để cho những hoạt động cụ thể của các sinh viên.
Đối với những Học viện Công giáo: ngoài việc trau dồi tri thức tại giảng đường, các tu sĩ trẻ sẽ có những hoạt động riêng biệt nơi mỗi hội dòng.
Liên hệ đến Năm thánh “Lòng thương xót”: để đáp lại lời mời gọi của Đức thánh cha Phanxico khi nói về tình yêu thương và sự phục vụ, lấy ý tưởng từ dụ ngôn: Người Samarria nhân hậu.
Những nữ tu làm trong công việc này cũng thấy được tiềm năng nơi người trẻ, đó là những người có nhiều sáng kiến, sự quảng đại và ước muốn dấn thân; các em cũng trở thành những người Samarie nhân hậu, chăm sóc cho những người đau khổ; qua đó các em cũng học để trở thành những nhân tố tích cực xây dựng xã hội và Giáo Hội.
3.Thi hành bác ái bằng các việc từ thiện
Thánh Rosa (thành Lima nước Pêru) đã dành riêng một căn phòng để đón tiếp những người già, người bị bỏ rơi; đó là hình thức làm việc bác ái xã hội đầu tiên ở Nam Mỹ.
Hội Dòng chúng ta cũng rất quan tâm đến lãnh vực này vì đó là lời mời gọi của Đức Giêsu: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương”, là gương mà Thánh Rosa đã làm và là một trong ba mục đích chính của Dòng.
Thực thi lòng thương xót bằng việc cụ thể như Chúa muốn: chính anh em hãy cho họ ăn (Mt 14, 15).
Khởi đầu năm thánh “Lòng thương xót”, Tu viện Trung ương dòng có tổ chức bữa tiệc tất niên cho những người có hoàn cảnh đặc biệt. Sự hiện diện của hơn 100 anh chị em, vừa chia sẻ với nhau bữa ăn vật chất vừa tinh thần (có cụ ông đang trong bữa ăn đã khóc và nói: bao nhiêu năm qua tôi không thấy cuộc đời mình còn ý nghĩa,, không còn ai để ý tới.... nay tôi rất cảm động vì thấy mình được yêu thương và tôn trọng).
Chúa chữa lành tất cả những ai đến với Ngài: họa lại khuôn mặt này của Đức Giêsu, hội dòng cũng có những nơi khám chữa bệnh miễn phí, chữa trị hoặc xoa dịu những vết thương thể xác, tâm lý và tâm linh cho những con người, đặc biệt người yếu thế, người nghèo, người bị gạt ra bên lề xã hội.
Tạm kết
Với đặc sủng của dòng Đa Minh nói chung và dòng nữ Đa Minh Rosa-Lima nói riêng, sứ vụ tông đồ là cơ hội thuận tiện để thể hiện lòng thương xót, như lời của Đức thánh cha: lòng thương xót là luật căn bản, được đặt vào trái tim của những ai biết dùng đôi mắt chân thành để nhìn vào người anh em gặp thấy trên đường đời. Lòng thương xót là con đường nối kết Thiên Chúa với con người, hướng lòng chúng ta về niềm hy vọng sẽ được yêu thương luôn mãi, bất chấp tội lỗi của chúng ta. (Misericordiae Vultus, § 2).
[1] Hiến Pháp Nền tảng số 2.
[2] Mục đích chung của các dòng nữ Đaminh: làm sáng danh Chúa, thánh hóa bản thân và cứu rỗi các linh hồn bằng việc giữ ba lời khuyên Phúc Âm, luật dòng, tu luật St Augustino, cũng như dấn thân loan báo Tin Mừng. (Sắc Lệnh Thành Lập Dòng, ngày 01-01- 1973).
Mục đích riêng của dòng nữ Đaminh Rosa-Lima như được nói ở trên.