08/08/2022 -

Các khối huấn luyện

515
Thánh Đa Minh - người nghèo của Tin Mừng

Tôi rất thích bài hát mang tựa đề “Con nhà nghèo của nhạc sỹ Trần Quý. Trong đó có đoạn: Khi tôi sinh ra mang được ngay tiếng con nhà nghèoQua bao nhiêu năm không đổi thay lớn lên còn nghèo. Luôn đi bên tôi như với người tình thân thiết
   
Quả thế, nếu ai đón nhận cái nghèo thì nó sẽ là mối tình tha thiết và cho dù phải sống trong hoàn cảnh nghèo, người ta vẫn tràn ngập niềm vui, vẫn sống tốt mọi mối tương quan và luôn hăng say trong cuộc sống hằng ngày. Thế nhưng trong thực tế, mấy ai lại chấp nhận cái nghèo, mấy ai cho rằng “nghèo”lại là một mối tình, phải chăng người đó là không bình thường hay là vì một mục đích nào khác ?

   
Với Kitô giáo, nghèo có giá trị riêng. Khi đức Giêsu đi rao giảng Người đã nói: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em (Lc 6, 20), và cứ như thế, lời giảng và gương sống của đức Giêsu đã được bao con người đón nhận, thánh Đa Minh là một điển hình.

  
 Sử sách kể rằng : Khi ngài còn là một chàng sinh viên, xảy ra một nạn đói hầu như khắp nước Tây Ban Nha, trước sự đói khổ khốn cùng của người dân, chàng sinh viên Đa Minh đã quyết định bán những cuốn sách mà mình đang rất cần cùng một số vật dụng mà Đa Minh sở hữu, để có tiền cho người nghèo.

  
 Thế đấy, nỗi thương cảm trước cảnh khốn khổ của những con người không chung huyết thống kia, đã chạm đến trái tim của Đa Minh, và tư đó “mối tình đầu tha thiết” ấy cứ bám chặt lấy và không bao giờ rời bỏ chàng Đa Minh nữa.

   
Đa Minh là người có tấm lòng thương cảm và dường như ngài không thể nào chịu đựng nổi khi có những người phải sống trong cảnh khốn cùng. Sinh thời với ngài còn có Phanxico Assisi, người chia sẻ nỗi bận tâm là noi gương Đức Kitô nghèo khó, cả hai cùng nhận ra sự nghèo khó đích thực của Đức Kitô không phải là sự nghèo khó vật chất, nhưng sự khó nghèo ấy diễn tả qua việc “Người không nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, mà đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân... (Pl 2, 6). Sự khó nghèo ấy được tỏ lộ qua mối thương cảm khi thấy đoàn chiên không người chăn dắt, cảm thương trước đám đông đang bị đói, Đức Kitô đã làm phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều. Cũng vậy, Đa Minh đã thực hiện điều mà con người có thể làm được nhưng ít ai làm, là trao tặng những gì mình đang cần thiết.

   
Đa Minh đã không diễn giải dài dòng về sự khó nghèo, nhưng ngài đã mau mắn thực hành điều mà trái tim ngài mách bảo, anh Stêphanô đã làm chứng trong án phong thánh rằng : “Đầy lòng thương xót và cảm động, anh Đa Minh đã bán những cuốn sách tự tay anh ghi chú và trao tặng cho người nghèo cùng với những vật dụng khác anh cóĐa Minh nói: “Tôi không muốn học trên những tấm da chết, trong khi có những người chết vì đói ”.

   
Với một trái tim đầy lòng thương cảm, một ý chí muốn thực thi trọn vẹn mọi điều răn của Chúa để chiếm được nước trời, Đa Minh có phản ứng rất mạnh, nhất là nhiều lần Đa Minh khóc trước những nỗi khổ vật chất do nạn đói gây ra, trước nỗi khổ tinh thần của những người bị lạc giáo lôi kéo, khiến họ bị lầm lạc ra khỏi đức tin chân thật, ra khỏi mối hiệp thông với Giáo Hội. Tựa như Đức Giêsu xưa khóc thương thành Giêrusalem; Đa Minh đã dần dần khám phá ra gương mặt của đức Giêsu là yêu thương người nghèo. Từ đó, Đa Minh đã đáp trả bằng cách dấn thân cả cuộc đời để phục vụ Người. Từng giây phút, từng ý nghĩa và nỗi khát khao, từng băn khoăn lo lắng, có được tình yêu và lòng thương cảm là bảo đảm Đa Minh đã có một đức tin thưch sự được thể hiện qua việc làm là sự phục vụ. Lời của Chúa Kitô: “.Những gì các người làm cho một trong những kẻ bé mọn nhất của ta, là các ngươi đã làm cho chính ta vậy” (Mt 25,40). Hay như một thánh nhân đã nhắc nhở nếu chúng ta không yêu thương anh em mình là những người sống ngay bên cạnh, thì làm sao chúng ta có thể yêu thương Thiên Chúa là Đấng vô hình mà chúng ta không thấy được.

  
Đa Minh đã gắn bó mật thiết với Đức Kitô qua những con người cùng khổ và những người nghèo vì tình yêu với Thiên Chúa. Ngài muốn người nghèo nhận được cách nhưng không những gì mà họ xứng đáng có được. Dường như thời gian của Đa Minh là đề dành cho Chúa và cho người nghèo. Những tiếng kêu của họ luôn luôn vang lên trong tâm trí của Đa Minh. Càng dấn thân, Đa Minh  càng trở nên cộng sự viên đắc lực của Chúa và là người mang ánh sáng tình thương từ Đức Kitô đến với người nghèo, đến với nhân loại.

   
Trở lại với thực tại đời sống của chúng ta, chúng ta cũng có một chứng tá hùng hồn về sự nghèo khó, dám sống cho và sống với người nghèo, dám xóa mình đi trước người nghèo để chỉ mong rằng, mang tình thương lấp đầy sự đói khát của họ. Hình ảnh của mẹ Têrêsa Calcutta trong cuốn sách “tâm hồn tràn ngập niềm vui” khẳng định: “Sứ mệnh của chúng ta là sứ mệnh của tình yêu, đó chính là sự thiện ích đặc biệt trong bối cảnh ngày hôm nay, khi thế giới có rất nhiều người đang đói khát, họ đói khát mọi sự. Là một người Kitô hữu, chúng ta có cơ may và một sứ mệnh cao cả để sống một cuộc sống an bình và hiệp nhất làm chứng tá cho thế giới về Chúa Giêsu, để việc phục vụ người nghèo khổ thật sự là công việc của Chúa Giêsu, chúng ta phải hi sinh những gì mà Chúa Giêsu muốn nơi chúng ta”.

  
Hãy yêu thương nhau là giới luật của Thiên Chúa, lòng yêu thương hướng về người nghèo của Đa Minh  như ngọn lửa bừng cháy, lan tỏa sức nóng, mang lại hơi ấm cho những người đói khát, cô đơn. Ngọn lửa ấy cứ nung nấu làm cho Đa Minh  tràn đầy sức sống, càng cháy sáng bao nhiêu, càng sống động bấy nhiêu; và như thế, Đa Minh càng thanh thoát trước những vướng bận thực tại trần thế, để cho tâm hồn ngài tự do và dễ dàng dấn thân phục vụ. Để có thể trở thành bạn của mọi người, sống phục vụ và yêu thương tha nhân, Đa Minh  đã gắn bó cuộc đời và kín múc sức mạnh từ Chúa Giêsu chịu đóng đinh.


Chúng ta hãy làm cho lòng mình thanh khiết và biến đổi để có thể chứa được một quà tặng vô giá đó là Chúa Giêsu. Nếu trái tim của ta còn vướng bận nhiều của cải vật chất làm sao ta có thể có chỗ cho Thiên Chúa? Chỉ khi nào trái tim ta tràn đầy Chúa Giêsu thì lúc đó ta mới có thể chia sẻ cho những người xung quanh, nhất là những người nghèo khổ, bất hạnh, bị bỏ rơi, bị gạt ra bên lề xã hội.
  
 Đa Minh  đã tìm thấy niềm vui và hạnh phúc vì ngài đã cho đi qua việc phục vụ những người nghèo, hạng cùng đinh của xã hội. Rabindranath Tagore – một văn hào của Ân Độ đã diễn tả niềm vui như sau: “Lúc ngủ tôi mơ thấy cuộc đời là niềm vui, khi thức dậy, tôi lại thấy cuộc đời là một chuỗi dài phục vụ, suy nghĩ kĩ và hành động theo thì tôi khám phá ra cuộc đời là niềm vui vì là phục vụXin mượn lời của mẹ Têrêsa Calcutta để kết thúc bài chia sẻ này


 Một tâm hồn tràn ngập niềm vui, hạnh phúc trong Thiên Chúa là một tâm hồn biết yêu thương như Chúa yêu, biết cứu giúp người khác như Chúa cứu giúp, biết cho đi như Chúa cho đi và biết phục vụ như Chúa đã phục vụ.

Là những người theo Chúa trong dòng Đa Minh, chúng ta học gương khó nghèo nơi vị tổ phụ, ngài đã từng bước họa lại gương mặt của Chúa Giêsu. Chúng ta là những cánh tay nối dài của Chúa và tiếp bước theo các bậc cha anh, hãy tập yêu mến người nghèo, sống đơn sơ giản dị, đón nhận những gì Chúa ban với lòng biết ơn và trân trọng người làm ra sản phẩm.
  
 Cuối cùng, tập tín thác vào Chúa để lòng được thư thái và an vui theo Chúa.

                          
                           Maria Nguyễn Ninh
114.864864865135.135135135250