Con người từ khi sinh ra đến lúc từ giã cuộc đời ai cũng trải qua việc học, học để biết, học để làm, học để chung sống. Và, điều mà chúng ta được học đều được truyền đạt qua người thầy, người cô, cả những người xung quanh ta dù lạ dù quen. Những vị đó đã giúp ta làm giàu thêm tri thức và hiểu biết. Vì thế, từ xưa đến nay “tôn sư trọng đạo” được xem là truyền thống quý báu của nhân dân ta - một nét đẹp vốn có và đang được lưu truyền, coi trong trong nhà trường và xã hội.
“Tôn sư trọng đạo” – bốn chữ ngắn gọn nhưng mang ý nghĩa lớn lao. Truyền thống này được ảnh hưởng từ Nho giáo, theo thời gian được tiếp biến, gìn giữ và phát huy thành một nhân đức cao cả trong mỗi con người Việt Nam. Tôn sư là sự tôn kính, kính trọng thầy cô giáo, những người đã ra sức truyền dạy những đạo lý, kiến thức kinh nghiệm cho học trò. Trọng đạo là đạo đức, đức hạnh căn bản nhưng tối quan trọng để xây dựng nhân bản làm nên một con người hoàn thiện. Vậy, cái đạo tôn sư như là nền móng xây dựng nhân cách tốt đẹp của con người.
Từ xa xưa, tôn sư trọng đạo đã là một lí lẽ đúng đắn trong cuộc sống. Hàng trăm năm trước, việc học chủ yếu là tiếp nhận kiến thưc qua giao tiếp và sự học hỏi qua những người có kinh nghiệm. Tuy chưa có những lớp học, trường học được tổ chức chặt chẽ và giáo viên chuyên môn nhưng vị trí của người thầy trong lòng học trò vẫn luôn chiếm vị trí quan trọng. Vì thế mới có câu: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” hay “Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy.” Quả thật người học trò xem trọng công ơn của thầy giáo, sư phụ, tiền bối… như người cha người mẹ thứ hai của mình vậy. Việc kính trọng nhân sư trở thành khuôn mẫu của học trò học chữ thành hiền.
Tuy nhiên với cách dạy học áp lực giáo điều lắm khi trở thành nguyên do kiềm hãm tính sáng tạo của học sinh. Dường như vị thế của người thầy trong xã hội xưa ở nhiều thời điểm trở nên quá cao và khuôn mực “tôn sư” quá khắt khe khiến cho nền giáo dục một mực trở thành phần tầng giai cấp thật sự. Quyền lực của người thầy thể thiện qua việc áp đặt kiến thức, quan điểm mà không cho phép phản biện. Khuôn khổ cứng rắn, áp lực giáo điều góp phần biến nền giáo dục thời xưa của nước ta không tạo ra được những đột phá kì vĩ so với nền giáo dục của nhiều nước trên thế giới.
Trong học đường và xã hội ngày nay, “tôn sư trọng đạo” vẫn là đạo lý tốt đẹp được lưu truyền. Nền giáo dục phát triển và được coi trọng. Thời đại trí thức lên ngôi cũng góp phần khiến ta coi trọng việc đánh giá đạo đức nhân cách một cách tỉ mỉ hơn. Vâng lời thầy cô trở thành lời dạy khắc sâu trong lòng học sinh ngay khi vừa mới đặt chân vào cánh cửa học đường.
Ngày 20 tháng 11 là ngày dành riêng để tỏ lòng biết ơn đến những người thầy, người cô. Trong ngày đó học trò đáp ơn đáp lễ những người đã dạy dỗ bảo ban mình và tỏ lòng biết ơn những người đã đưa mình đến với thế giới tri thức. Thầy cô – người lái đò đưa học sinh đến tương lai tươi đẹp. Để rồi khi thành công, người học trò sẽ trở về bến cũ mà đáp lại công ơn lớn lao của người đã dành tâm dành sức cho sự trưởng thành của biết bao người.
Nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời gian hội nhập, thầy giáo không còn là chuẩn mực duy nhất nhưng trở thành người định hướng cho học sinh tiếp thu kiến thức. Giáo viên linh động cung cấp phương pháp học tập hiệu quả và học sinh là người chủ động trong việc tìm hiểu thập kiến thức, thông tin. Học sinh năng động sáng tạo, tích cực phù hợp với thời đại mới. Mặc dù tốt đẹp là thế, trong xã hội hiện đại hóa giá trị tinh thần bị giá trị vật chất lấn át, vị trí của “nhà giáo” dường như đang dần bị hạ thấp. Đồng lương trở thành một con dao hai lưỡi, “nhà giáo” là một nghề và là một trách nhiệm trở thành cán cân lệch vì miếng cơm manh áo, trở thành một “nghề” cũng giống như nhiều nghề khác, học sinh là khách hàng, giáo viên là người làm thuê. Điều đó có ảnh hưởng rất lớn đến nhân cách học sinh, đến thế hệ tương lai của đất nước.
Là những người trực tiếp được rèn luyện và tiếp thu truyền thống tôn sư trọng đạo, chúng ta cần phải phát huy truyền thông với những nét đẹp vốn có của dân tộc. Chúng ta trưởng thành có công ơn dạy dỗ của thầy cô. Bước vào cánh cửa cuộc đời với nhiều giông tố, ta càng biết ơn những hy sinh thầm lặng của những người có công dạy dỗ giúp ta vững bước hơn. Dù cuộc sống bộn bề cũng đừng cho phép nó làm phai nhạt lòng tôn sư của ta.
Tóm lại, “tôn sư trọng đạo” là một nét đẹp đạo đức truyền thống. Dù thời gian có trôi đi, xã hội có thay đổi thì với sức mạnh dân tộc giữ gìn nét văn hóa tốt đẹp cũng tình yêu và lòng biết ơn với những nhà giáo đã thắp sáng tương lai. “Tôn sư trọng đạo” mãi là đức tính đẹp đáng gìn giữ và phải giữ gìn.
Kính chúc quý Thầy Cô giáo, Cha Mẹ (người thầy cô đầu tiên), quý Dì Giáo - quý Bề trên và tất cả những ai đang làm công tác của nhà Giáo đã đi ngang qua đời con, được nhiều niềm vui hạnh phúc, sức khỏe và nhiệt tâm.
Thanh Huyền_TS