14/01/2020 -

Các khối huấn luyện

638
Từ Luật đến Tình Yêu

Cánh cửa phòng Dì giáo phụ tá khép lại, hơn mười chị em đứng cúi đầu, gõ cửa xin lỗi Dì vì buổi trưa đã bị Dì "bắt quả tang" ngủ ở các lớp học. Xuất phát từ lí do trời nóng, mà ngủ ở lớp thì mát hơn, nên các chị em đã không xin phép và tự ý làm điều mình cho là hợp lí. Với lí do đó, có lẽ trong suy nghĩ lúc bấy giờ của những ai phạm lỗi thì không có gì quan trọng, nhưng xét cho cùng, tất cả đã lỗi luật. Ánh mắt Dì giáo phụ tá đượm buồn, Dì đã không nói thêm lời nào, để lại một khoảng trống im lặng cho những ai phạm lỗi tự suy nghĩ về những hành động của mình.

Đó là câu chuyện khi tôi bước vào năm đầu tiên trong đời Thỉnh sinh. Cũng may là không có tôi trong nhóm người vi phạm kỷ luật, bởi vì ngày đó tôi còn nhát gan nên không dám làm những điều khác thường, tôi giữ luật rất chặt chẽ chỉ vì một lí do: "Coi chừng Dì giáo bắt được." Nhìn các chị em đi xin lỗi, những đứa năm I như tôi trong lòng vừa sợ, vừa mừng vì may quá, tí nữa là có đứa đã theo lời rủ rê phạm lỗi rồi. Không dừng lại ở đó, tôi còn nhớ rất rõ trong giờ gặp gỡ hàng tháng, chúng tôi đã được Dì giáo chính nhắc nhở về thái độ tuân giữ kỷ luật và tinh thần sống khó nghèo. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy giọt nước mắt của Dì, Dì đã rất buồn khi biết được chị em chúng tôi luôn tìm cách để "lách luật." Sự đồng hành, hướng dẫn tận tình của quí dì được chúng tôi đáp trả bằng thái độ thiếu vâng phục và vi phạm kỷ luật. Có lẽ, ai trong chúng tôi cũng tự nhìn lại cách sống kỷ luật của chính mình, không chỉ riêng ngày hôm đó mà trong tất cả ngày sống, bằng cách này cách khác, chúng tôi chưa ý thức được giá trị và bản chất của việc giữ kỷ luật. Vì thế, chúng tôi chỉ giữ luật bằng hình thức mà giữ từ lòng yêu mến và tự nguyện của mình.

Câu chuyện của năm đầu tiên sống đời tu là vậy, có phần lo sợ và luôn "đề phòng." Sau thời gian sống trong ơn gọi (ít là ba năm). Tôi vẫn còn là một Thỉnh sinh, vẫn còn đó con người yếu đuối muốn sa ngã như xưa, giờ đây tôi càng ý thức hơn sự quan trọng và giá trị của kỷ luật tu trì. Nhưng con đường từ ý thức đến thực hành có lẽ xa xôi, nhiều khi ý thức là vậy mà tôi vẫn có xu hướng muốn tìm cách vi phạm kỷ luật. Bởi thế mới có chuyện lặp lại hành động “năm xưa”“thủ phạm” bây giờ đã có mặt tôi.

Trưa hôm đó tôi không ngủ được vì áy náy muốn đi xin lỗi Dì giáo sau khi bị phát hiện mình có điều gì đó sai sai. Can đảm bước vào phòng Dì để thú nhận lỗi lầm, vẫn là bài nhắc nhở về ý thức giữ kỷ luật ngày nào, và vẫn là một ánh mắt đượm buồn đó. Tôi biết mình có lỗi. Tôi tự trách mình không thắng được bản thân trong những điều nhỏ, trong khi tôi vẫn đề ra cho mình những kỷ luật riêng, vậy mà hôm nay tôi lại chuẩn chước cho mình vì một lí do đơn giản. Có lẽ, nếu không thực sự yêu mến kỷ luật thì tôi sẽ có muôn vàn lí do để biện minh cho những sai lỗi của mình, mà dưới góc nhìn của những nhà đào tạo thì đó đều là sự thiếu ý thức và lòng yêu mến đối với kỉ luật.

Các nhà Tâm lí học cho rằng, để tạo nên một thói quen tốt, một hành động tốt, việc đầu tiên cần có là khởi đi từ ý thức. Việc giữ kỷ luật muốn được thực hành nghiêm túc trước hết cũng cần phải có một sự ý thức đầy đủ. Trải qua những biến cố lớn nhỏ trong đời sống về việc giữ kỷ luật, tôi nhận ra một điều rằng: con đường giữ kỷ luật đúng nghĩa, đúng hướng là con đường đi từ luật đến tình yêu. Đôi lúc, tôi nghĩ vui rằng “cách giữ luật cũng thể hiện đẳng cấp.”

“Đẳng cấp” I: Giữ luật vì sợ, vì để khoe bản thân. Tôi gặp thấy mẫu người của đẳng cấp này trong Tin Mừng. Họ là những người Pharisêu, họ tin rằng họ sẽ nhận được ơn cứu độ nhờ giữ luật một cách chặt chẽ, và ngược lại họ sẽ chịu hình phạt nếu không chu toàn lề luật đúng. Họ tha hồ kết án những ai vi phạm lề luật, họ chiếu theo luật để hành xử với nhau. Trước mặt dân chúng họ luôn tỏ ra là người nghiêm túc, điều đó dễ dàng cho thấy họ giữ luật vì hình thức và khi chỉ có một mình, thì liệu họ có còn sống đúng như những gì đã nói chăng? Khi suy nghĩ về điều đó, tôi nhớ lại bản thân mình trong thời gian đầu sống trong ơn gọi. Vốn dĩ trước khi đi tu, tôi được sống trong tự do, thỏa thích làm những gì mình muốn mà không cần có ai quan sát, không lệ thuộc và bất cứ lề luật nào. Bước vào đời sống ơn gọi, buộc tôi phải tuân theo kỷ luật tu trì mà Hội dòng và cộng đoàn qui định. Điều đó, đối với tôi có lẽ khó khăn, nói đúng hơn mọi hành động giữ kỷ luật lúc đó hầu hết là vì “sống dưới ánh mắt của Dì giáo.” “Một chút” lên mạng không cần phải xin phép, một món đồ dùng cần mua không trình bày lí do, một chút tự do thoải mái trong những giờ thinh lặng thánh… Tất cả những điều đó tôi đã vi phạm khi không có ai quan sát, theo dõi. Ôi! Chẳng khác nào những người Pharisêu. Nếu là một tu sĩ, liệu đẳng cấp này có xứng hợp? 

“Đẳng cấp” II: Giữ luật khi đã ý thức, được góp ý sửa dạy, nhưng thiếu tình yêu. Có một nhân vật điển hình cho đẳng cấp này trong Tin Mừng đó là anh thanh niên giàu có đến xin theo Chúa Giê-su. Anh ta đã tuân giữ luật Chúa rất nghiêm túc từ thuở nhỏ, nhưng khi Chúa Giê-su nhắc đến khoản luật yêu thương, bác ái là bán tất cả của cải mà cho người nghèo thì anh ta buồn rầu bỏ đi. Anh ta giữ luật đúng nhưng chưa đủ. Nhìn lại bản thân tôi qua hình ảnh của anh thanh niên, tôi thấy bóng dáng mình đã từng như vậy. Sau khoảng thời gian tôi nhìn thấy những mẫu gương giữ kỷ luật trong cộng đoàn, thêm vào đó là những lời nhắc nhở, bảo ban của quý Dì giáo về việc ý thức cũng như tầm quan trọng và giá trị của kỷ luật trong tu trì, tôi cố gắng đưa mình vào khuôn khổ, tôi tự đề ra cho mình những kỷ luật riêng, đồng thời tôi luôn tự nhủ "mình phải trưởng thành mỗi ngày qua việc giữ kỷ luật."

Vì thế, mỗi ngày trôi qua tôi thấy mình ít vi phạm kỷ luật hơn, nhưng có lẽ tôi chưa thật sự yêu mến luật nên vẫn có những khoản luật khiến tôi cảm thấy gò bó, mất tự do. Hơn nữa, nhiều khi tôi dựa vào luật để sống quá nguyên tắc với bản thân và với người khác. Đó là những lúc tôi cần bỏ qua kỷ luật giờ giấc để giúp đỡ một chị em đang rất cần đến tôi thì tôi lại cảm thấy khó chịu và cho đó là lỗi luật; đó là những khi tôi không biết thông cảm cho những trường hợp của chị em không giữ được kỷ luật giống như tôi vì những lí do chính đáng. Tôi nhận thấy mình không được phép dừng lại ở "đẳng cấp" giữ luật này vì quá cứng ngắc và thiếu lòng mến.

“Đẳng cấp” III: Giữ luật vì lòng yêu mến. Thánh Phaolo đã nói "Yêu thương là chu toàn lề luật" (Rm 13,10). Trong Tin Mừng cũng gợi cho tôi thấy mẫu người của đẳng cấp này. Họ không phải là những người hoàn toàn tuân giữ kỷ luật, họ không hề áp đặt lề luật lên bản thân mình cũng như người khác. Nhưng họ giữ luật bằng một trái tim yêu thương, vì họ tin rằng Thiên Chúa là Đấng thấu suốt việc họ tuân giữ lề luật thế nào. Họ "sống dưới con mắt của Thiên Chúa" chứ không phải của người khác. Đó là người Samaria nhân hậu, đã vượt trên lề luật dành cho những người dân ngoại để đến bên người anh em đang gặp nguy hiểm và ra tay giúp đỡ. Đó là người phụ nữ tội lỗi không được phép tiếp xúc với người khác nhưng chị đã vượt qua mọi ánh mắt kì thị để đến xức dầu thơm chân Chúa Giê-su và chị đã được tha thứ. Nhưng mẫu gương về việc tuân giữ luật đúng nghĩa nhất mà tôi nhìn thấy chính là Chúa Giê-su, bởi "Người đến không phải để bãi bỏ lề luật nhưng để kiện toàn" (Mt 5,17), và luật của Ngài tóm gọn trong hai điều "Mến Chúa – yêu người." Những điều này đã đưa tôi đến với cái nhìn tích cực trong việc giữ kỷ luật, tôi nhìn thấy được giá trị qua việc tôi tự nguyện tuân giữ luật bằng một lòng yêu mến sẽ giúp tôi trưởng thành thật sự trong suy nghĩ lẫn hành động. Việc giữ luật giúp tôi gạt bỏ đi những ý riêng khi tôi muốn hành động một cách tự do và tập cho tôi một nếp sống khiêm nhường khi cái tôi của tôi dần nhỏ lại để dành chỗ cho ý chung, luật chung. Một khi bản thân tôi ý thức yêu mến luật thì luật lại giúp tôi triển nở và sống đúng bản chất của đời thánh hiến. Tôi tự nhủ mình cần nổ lực để sống “đẳng cấp” này trong hành trình ơn gọi của tôi.

Chắc hẳn, con đường để tôi đi từ luật đến tình yêu cần rất nhiều sự cố gắng từ chính bản thân, đồng thời cần có sự đồng hành nâng đỡ của quí dì có trách nhiệm, và trên hết là ơn Chúa trợ giúp. Một khi tôi đã đi đến được con đường tình yêu đó thì mỗi ngày tôi sẽ cất lên lời ca như Thánh Vịnh 40: "Lạy Thiên Chúa của con, con hân hoan thực thi ý Ngài, luật pháp Ngài ở trong cõi lòng con". 

 
Maria TTT
114.864864865135.135135135250