Viết cho em - người quyết định “TRỌN ĐỜI HIẾN DÂNG”
Em yêu quý,
Ngày mai em có quyết định quan trọng, ngày mai em mạnh dạn nói lời đoan hứa thề nguyền “cho đến chết”. Vui với quyết định của em, vui với hành trình của chị. Những ngày này từng chị em đi trước em trong hành trình dâng hiến đang nhìn lại mình... có người 1 năm, 5 năm, 10 năm, 20 năm,... 50 năm và nhiều nhiều năm dâng hiến... Chị cũng thế đang bước đi rất xác quyết, nhưng chị lại cũng vẫn đang nhìn lại mình... Gởi đến em đôi dòng chia sẻ như một cảm nghiệm rất riêng, cầu chúc em hạnh phúc đến trọn đời.
Không biết động lực và lý do nào khiến em mạnh dạn đoan hứa thề nguyền. Riêng chị khi bước đi và đoan hứa lần đầu, nhận trên tay quyển Hiến pháp, ở trang đầu chương đời sống thánh hiến... Nền tảng Lời Chúa hướng dẫn chị: “Vì Thiên Chúa thương xót anh em,... anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa...” Câu Lời Chúa đưa ra cho chị hai mặt của quyết định “tuyên khấn” sống đời thánh hiến: - Lý do để mạnh dạn, can đảm tuyên khấn. - Cách thức, định hướng, chỉ dẫn sống điều mình khấn.
1. Lý do tuyên khấn
Ngày mới bước vào Dòng, chị thầm nghĩ “mọi người khấn, mọi người can đảm bước đi, tại sao tôi không?” Chị mạnh dạn quả quyết rằng chị có thể tiến bước bằng bản lãnh cá nhân của mình. Năng lực, tính tình, sức khỏe,... tất cả đều ưu đãi tại sao tôi không tự tin và quả quyết mạnh dạn tuyên khấn...
Hơn 20 năm sống đời dâng hiến, chị nghiệm ra rằng tất cả những tiêu chí về năng lực, về con người, về những gì tôi có chỉ mong manh giới hạn.
Em thấy đó, biết bao chị đi trước em, sức khỏe, tài năng, con người hoàn hảo... vẫn có gì đó trục trặc hằng ngày. Thánh Phaolô trả lời cho tất cả những trục trặc ấy... “vì Thiên Chúa thương xót”. Vâng chỉ có lý do duy nhất thôi, cảm nghiệm được Thiên Chúa thương xót thôi là đủ em ạ.
Ngày em vào Tiền Tập, vào Nhà Tập, chẳng phải em đã nói: “Con xin lòng thương xót của Thiên Chúa, của Hội Thánh và của Hội Dòng đó sao”. Hóa ra không phải vì lý do nào khác mà chỉ vì lý do duy nhất “vì Thiên Chúa thương xót”. Em xin điều ấy khi vào Dòng, em xin điều ấy khi khấn lần đầu, mỗi lần tuyên lại lời khấn em đều xin lại điều ấy... Ngày mai em lại xin lại điều ấy trước quyết định “trọn đời dâng hiến”... Rồi từng ngày cho đến mấy chục năm sau và cho đến trọn đời, ngày nào em cũng nhắc lại lời ấy: “Lạy Chúa xin thương xót chúng con- vì chúng con đã xúc phạm đến Chúa”.
Hành trình trọn đời dâng hiến là hành trình không phải vì công trạng của ai mà là “vì Thiên Chúa thương xót”. Em thật hạnh phúc vì Năm thánh Lòng Thương Xót nhắc ta và nhấn mạnh cho chúng ta điều ấy. Chúng ta hạnh phúc vì nền tảng Lời Chúa trong Hiến Pháp và Nội Quy của Hội Dòng nhắc nhở cho chúng ta về điều ấy.
Mỗi ngày trong thánh lễ, mỗi ngày trong nghi thức sám hối của kinh tối, chúng ta đều được nhắc nhở “Lạy Chúa xin thương xót”... và em đừng quên lý do tuyên khấn không là gì khác “Vì Thiên Chúa thương xót”.
2. Cách thức thực hành lời khấn
Thánh Phaolô tông đồ nói: “Vì Thiên Chúa thương xót... Anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa”. Cảm nghiệm được Thiên Chúa xót thương, em trở nên “của lễ”.
· Của lễ để dâng, của lễ để dành cho Thiên Chúa chứ không dành cho người phàm. Của lễ phải được hiến tế, phải được dâng tự nguyện, không bao giờ được lấy lại.
Em có thấy thân phận bé nhỏ yếu hèn của em được vinh dự chưa? Chúa nâng em lên thành của lễ xứng đáng đẹp lòng Người. Ước gì khi tuyên khấn chúng ta hiểu rằng thân xác linh hồn chúng ta là một của lễ, một của lễ không tì ố, vĩnh viễn thuộc về Chúa, cho Thiên Chúa.
· Của lễ mà thánh Phaolô muốn nói ở đây là “của lễ sống động”. Em nhớ nhé, của lễ “sống động” nghĩa là có sự thay đổi mỗi ngày, có cập nhật, có sáng tạo, không phải là một thứ của lễ thụ động ù lì phủ một lớp bụi mờ, không phải của lễ “hết đát”... Không phải của dư thừa, của không dùng được vào việc gì. Của lễ em dâng là của lễ “sống động”.
Lời khấn của người tuyên khấn phải là “của lễ sống động”, và em nên nhớ là “khấn trọn đời - cho đến chết”, không phải một ngày hai ngày, một năm hai năm... mà “của lễ sống động cho đến chết”. Em hãy xin ơn Chúa đủ để em thực hiện quyết định này, Hiếp Pháp phải giữ, lời khấn phải thi hành, không phải là một món đồ quý để cất vào kho… Lời em khấn ngày mai “là của lễ sống động”.
· “Của lễ thánh thiện” - Thánh Phaolô không nói đến của lễ đắt tiền, của lễ bằng vàng bạc, mà là “thánh thiện”. Ngày nay tiêu chí tục hóa theo lối đời đã phủ lấp cả sự thánh thiêng của đời sống dâng hiến. Hành xử theo lối đời, hiện diện theo lối đời, hưởng thụ theo lối đời... Nhiều khi khấn mà cũng khấn theo lối đời…
· Chị rất vui khi em quyết định chọn khấn trong Dòng này. Sắc lệnh lập dòng đặt hai mục đích: Thứ nhất mục đích chung: Làm sáng Danh Chúa và thánh hóa các nữ tu trong Dòng, bằng việc giữ ba lời khấn, tu luật Thánh Augustinô và luật Dòng. Chứng tá đời sống, là một tu sĩ thực thụ có niềm vui dâng hiến chứ không phải là một tu sĩ theo lối đời. Thứ hai: Loan báo Tin Mừng, giáo dục thanh thiếu niên và thi hành bác ái bằng các việc từ thiện. Lời mời gọi lên đường truyền giáo, khi em là một tu sĩ thực thụ thì hãy tiếp tục bước thứ hai,... em đừng quá vội bước thứ hai, bước ra đi khi nền tảng thứ nhất và mục đích chung em chưa có. Chứng tá đời sống chưa có, “của lễ sống động, thánh thiện” chưa có thì hãy dừng lại xin Chúa giúp. Chúa mời gọi “hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời”...
Tiêu chí này mạnh mẽ quá, tự sức riêng con người không thể thực hiện được đâu... Nhờ ơn Chúa, bám vào sức mạnh của cộng đoàn. Đừng tự cao tự đại một mình lao vào trần thế không đủ sức đâu em, hành trình hơn hai mươi năm qua chị cảm nghiệm điều ấy. Xin Chúa mỗi ngày, xin từng phút giây, xin cho được ơn “thánh thiện cho đến hơi thở cuối cùng”.
Nếu có lúc nào đó yếu đuối, và chị chắc chắn chúng ta sẽ vướng phải yếu đuối mỗi ngày... Hãy can đảm vì “Thiên Chúa thương xót” nên hãy hiến dâng... Hãy nhắc lại lời này mỗi ngày, hãy xác tín điều này trong hành trình trọn đời của em nhé.
· “Của lễ đẹp lòng Thiên Chúa” - Ngay từ ban đầu, Kinh Thánh diễn tả của lễ Aben và Cain, của lễ nào đẹp lòng Chúa: Chân thành là tiêu chí, chân thành và thật lòng. - Của lễ mà Abraham dâng, rất đẹp lòng Chúa: Hy sinh và tin tưởng là tiêu chí. – Của lễ của bà góa, rất đẹp lòng Chúa: Hết lòng hết sức, quyết dâng là tiêu chí. – Của lễ của Chúa Giêsu trên thánh giá: Vâng phục trọn vẹn là tiêu chí. Muốn nên của lễ đẹp lòng Chúa hãy chân thành, tin tưởng, hy sinh, quyết tâm dâng hiến và vâng phục trọn vẹn.
Tất cả lý do và cách thức sống lời khấn của em thật đẹp. Em hãy xác tín điều đó. Không phải sức riêng, chị nhắc lại chẳng phải sức riêng mà là “vì Thiên Chúa thương xót”.
Cầu chúc cho em vui với ước nguyện hiến dâng. Cầu chúc cho quý chị đang đi trước trong hành trình vui với kỷ niệm đẹp vĩnh viễn của mình. Cầu chúc cho khát khao dâng hiến còn mãi luôn sống động nơi người trẻ nhờ vào việc chứng kiến sự mạnh dạn tuyên khấn của em ngài mai.
Thương chúc mừng em.
Mừng Kỷ niệm 21 năm khấn Dòng.
Bùi Minh