02/04/2024 -

Các Thánh Dòng

1850
Ngày 02/4 Thánh Đa Minh Vũ Đình Tước

Ngày 02/04

Thánh Đa Minh Vũ Đình Tước

(1775-1839)

Phục vụ LỜI

 

Trong hạnh tích các thánh Tử Đạo, người ta thường ghi lại hành trình bị bắt bớ, bị giam cầm, cuộc hành hình và giây phút được diễm phúc tử đạo; còn những trang lịch sử về cuộc đời thường bị rơi vào quên lãng hoặc được ghi lại rất ít. Hạnh tích thánh tử đạo Ða Minh Vũ Ðình Tước cũng rơi vào trường hợp như thế. Người ta thường ghi lại tiểu sử cuộc đời ngài chỉ vỏn vẹn vài dòng ngắn ngủi, và sau đó là diễn biến cuộc tử đạo hùng anh. Mặc dù cuộc đời linh mục của ngài đã phải ẩn trốn nay đây mai đó, đã chu toàn sứ vụ trong thánh chức kéo dài hơn hai mươi năm trường; còn thời khắc bị bắt cho đến lúc đổ máu, chỉ kéo dài trong vài tiếng đồng hồ.
 

Quả thế, ánh sáng rực rỡ và giây phút thương đau của cuộc tử đạo sẽ không bị lu mờ, nếu được đặt trong bối cảnh cuộc đời hy sinh âm thầm của thánh linh mục Đa Minh Vũ Đình Tước. Cha Tước, sinh năm 1775 tại Trung Lao, thuộc tỉnh Nam Định. Ngay từ bé cậu Tước đã tỏ ra là người rất đạo đức. Khi được làm linh mục, cha Tước tận tụy không biết mỏi mệt trong việc thánh hóa các tín hữu. Nhận thấy phù hợp và tha thiết với linh đạo Dòng Giảng Thuyết, cha Tước đã xin nhập Dòng sau khi làm linh mục ít lâu. Đức cha Delgado Y (một thành viên của Dòng Giảng Thuyết đến truyền giáo tại Việt Nam), đã bổ nhiệm cha Tước coi sóc các tín hữu ở Xương Điền một làng có số tín hữu Công Giáo đông đảo của Giáo phận Đông Đàng Ngoài.
 

Hơn 25 năm thi hành sứ vụ tông đồ trong chức linh mục, dưới chính sách bắt đạo gay gắt của nhà vua, Cha Tước sống ẩn dật nay đây mai đó; cha trung thành trong sứ vụ giảng thuyết; cha thường thức trắng đêm để chìm sâu cầu nguyện và dâng thánh lễ ngay từ tảng sáng. Trong sứ vụ, cha chăm lo soạn giáo lý, chú tâm soạn bài giảng, tha thiết việc giúp các tín hữu thánh hóa đời sống của mình.

 

Một ngày nọ, khi cha Tước đang dâng lễ, viên quan Bát phẩm tên là Phan, phụ trách huyện Cẩm Hà được mật báo. Viên quan này liền dẫn 40 người đến vây bắt cha Tước. Thấy cha không tuân theo lệnh của mình, viên quan liền ra lệnh cho một người tên Ngọc, bổ lên đầu cha Tước một nhát búa, khiến ngài ngã gục trong vũng máu. Cuộc tử đạo của cha Tước kết thúc. Người giáo dân nhìn về cha và nhớ lại một đời linh mục tận tình hướng dẫn dạy dỗ, chuyên chăm dọn món ăn tinh thần để chăm sóc thiêng liêng cho đoàn chiên.

 

Mẫu gương của thánh Đa Minh Vũ Đình Tước gần 200 năm qua vẫn sáng mãi cho các tu sĩ Giảng Thuyết và vẫn sáng mãi cho các linh mục của Chúa về việc chăm lo chuẩn bị bài giảng và những bài giáo lý cho tín hữu. Chiêm ngắm cuộc đời thánh Đa Minh Tước, chúng ta ước gì các linh mục luôn nhớ lại lời Đức Thánh Cha Phanxico đã nhắn nhủ: “Việc chuẩn bị bài giảng là một nhiệm vụ rất quan trọng, phải dành nhiều thì giờ để học hỏi, cầu nguyện, suy niệm và sáng tạo mục vụ ... Tôi yêu cầu các nhà thuyết giảng nhớ dành thì giờ ưu tiên cho việc mục vụ cao quý này... Tôi mạo muội yêu cầu quý cha mỗi tuần dành riêng một phần thì giờ cá nhân và cộng đồng đủ dài cho công tác này, thậm chí nếu cần thì phải bớt thì giờ cho những công tác khác”.

 

Quả vậy, chăm chú dành thời giờ cho việc chuẩn bị bài giảng đối với các linh mục là điều quan trọng và cần thiết. Đức Thánh Cha Phanxio còn quả quyết mạnh mẽ thêm: Một mục tử không chuẩn bị bài giảng thì ...  mục tử ấy bất hảo và vô trách nhiệm đối với những hồng ân mà mình đã nhận được ...[1]
 

Xin mượn lời của Đức Cha Ruperto để dâng lên Chúa những tâm tình cầu nguyện cho các linh mục:
 

Lạy Chúa, mỗi lần linh mục bước lên tòa giảng, mọi ánh mắt đang hướng về đó, mọi đôi tai đang lắng nghe Lời Chúa qua miệng linh mục. Lạy Chúa, xin hướng dẫn lời của linh mục nói, xin cho linh mục chuyên chăm học hỏi Lời Chúa bằng hết quả tim của mình, để linh mục cất tiếng nói trong tinh thần phục vụ, xin cho linh mục giảng để sáng danh Chúa chứ không phải để vinh danh mình. Xin cho linh mục ý thức tránh nhiệm trong việc chuyên chăm soạn bài giảng của mình, để lời linh mục giảng đem lại nhiều ích lợi thiêng liêng cho các linh hồn. Amen
 

 

[1] Ghi ý từ “Tông huấn niềm vui Tin Mừng” số 145.

 

114.864864865135.135135135250