Chân phước Phê-rô Rúp-phi-a
B. Petrus de Ruffia
(1320-1365)
Cầu nguyện cho anh chị em lạc đức tin
Cậu Phê-rô chào đời quãng năm 1320 tại Rúp-phi-a thuộc miền Xa-vi-li-a-nô nước Ý. Cậu sớm gia nhập dòng Anh em Giảng thuyết. Qua năm tập, rồi những năm ở học viện, thầy được nhận lãnh tác vụ linh mục.
Ở trong Dòng, cha Phê-rô sống một cuộc đời nhiệm nhặt, chay tịnh và hãm mình. Cha ra sức chuyên cần với sứ vụ học hỏi của Dòng là học hỏi chân lý vĩnh cửu; vì thế, cha rất nổi nang về đạo lý, cha bỏ mình hoàn toàn để phục vụ anh em và Giáo Hội. Cha đã thi hành sứ vụ tông đồ trong nhiệm vụ của một nhân viên Tòa tra, để đưa những người theo lạc giáo Van-đê về với phong hóa nền tảng của Ki-tô giáo. Chính vì nhiệm vụ này mà cuối cùng cha Phê-rô đã hy sinh tính mạng làm của lễ hiến tế.
Cha Phê-rô bị những người theo lạc giáo bắt giam và giết chết ở Xu-xa ngày 02/02/1365. Ngày 14/12/1856 đức giáo hoàng Pi-ô IX đã cho phép tôn kính cha như một vị tử đạo.
Chúng ta biết rằng, những thử thách trong các cuộc bách hại chưa phải là mối nguy hiểm to lớn nhất mà Giáo Hội phải đối phó. Còn có những thử thách nguy hại hơn và không kém phần ác liệt nổi dậy ngay từ bên trong, tức những vụ chống đối âm thầm hoặc công khai, làm mất sự hiệp nhất trong Giáo Hội. Giáo phái hay lạc thuyết nổi dậy là những chủ trương khác với phán quyết chính thức của Giáo Hội về vấn đề thuộc tín lý hoặc kỷ luật.
Trong dòng lịch sử Giáo Hội, những tà thuyết như: thuyết vô ngộ (Gnosticism) thuyết tương đối (Relativism), thuyết vô thần (Atheism), thuyết cộng sản (communism), chủ nghĩa vật chất (materialism), chủ nghiã chuộng khoái lạc (hedonism), chủ nghĩa tục hóa (secularism) cùng với “nền văn hóa của sự chết”… tất cả đều có hại cho niềm tin Ki-tô giáo mà Giáo Hội có bổn phận phải chống đỡ để hướng dẫn con cái mình giữ vững đức tin trước mọi thách đố của thế giới tục hóa xưa và nay.
Tòa án dị giáo ra đời vào cuối thế kỷ XII với mục đích ban đầu là chống lại những người dị giáo và bội giáo thuộc các phái Ca-ta (Cathar) và Van-đê (Vaudès). Sở dĩ tòa án này được đặt tên là Tòa tra vì những người bị tố giác phải qua một quá trình thẩm vấn, trong đó quan tòa đóng vai trò quyết định với việc chủ trì thẩm vấn. Sau này, tòa án còn xét xử cả những người bị cáo buộc các tội danh như phù thủy, bói toán, ma thuật, vô luân và phạm thượng. Những người bị kết tội sau đó sẽ được chuyển sang cho chính quyền dân sự thi hành án. Tuy nhiên, hình phạt mang tính kỷ luật hơn là trừng trị.
Tưởng cũng nên biết, các vai thẩm phán Tòa tra thường được chọn từ Dòng Đa Minh. Ba vị chân phước Dòng Đa Minh mừng kính ngày 03/02 đều là linh mục phục vụ Tòa tra trong giai đoạn này của lịch sử Giáo Hội, cả ba vị đều được phúc tử đạo. Chân phước Phê-rô Rúp-phi-a mà hôm nay chúng ta cầu nguyện với ngài là vị chân phước tử đạo tiên phong trong sứ vụ của một nhân viên Tòa tra những người theo lạc giáo Van-đê, để đưa họ về với những phong hóa nền tảng của Ki-tô giáo.
Lịch sử Giáo Hội trên 2000 năm qua đã trải qua nhiều khó khăn và thách đố đến từ bên trong cũng như từ bên ngoài. Con thuyền Phê-rô đã nhiều phen bị chao đảo vì sóng gió tứ bề nổi lên uy hiếp. Nhưng, ơn Chúa vẫn đủ để giúp Giáo Hội đứng vững, và “quyền lực của tử thần sẽ không thắng nổi” như Chúa Giêsu đã hứa khi Người thiếp lập Giáo Hội và trao quyền lãnh đạo cho Phêrô (Mt 16,18).
Lạy Chúa, khi thiết lập Giáo Hội, Chúa đã củng cố nền tảng đức tin của các thánh tông đồ qua nhiều biến cố khác nhau. Qua dòng thời gian niềm tin ấy ngày càng được nuôi dưỡng, biết bao vị anh hùng tử đạo đã hy sinh mạng sống để bảo vệ đức tin. Dòng Đa Minh trên toàn thế giới đã khép lại biến cố mừng 800 năm lịch sử. 800 năm qua đã có 178[1] vị thấm máu đào trên áo trắng Đa Minh, có những vị chết để tuyên xưng đức tin, có những vị chết để giữ vững đức tin tinh tuyền cho Giáo Hội… Xin Chúa cho Dòng Đa Minh và Giáo Hội có thêm nhiều nhân chứng đức tin để chung tay giữ vững Giáo Hội trong ân sủng và bình an của Chúa. Amen
[1] Thống kê trích từ Bản dịch Việt ngữ của Cha Phan Tấn Thành, O.P. trích lại từ website của tỉnh dòng Đa Minh Việt Nam.