02/10/2023 -

Các Thánh Dòng

818
Ngày 03/10 Chân phước Đa Minh Xáp-đa-pho-ra
Ngày 03/10
Chân phước Đa Minh Xáp-đa-pho-ra
B. Dominicus Spadafora
(1450 c.-1521)
Cầu nguyện cho nền giáo dục Việt Nam


Nếu như “hạt giống tri thức” được ươm mầm đặc biệt qua các thời đại, thì “hạt giống nhân văn” với lương tâm trong sáng, ngay thẳng lại càng phải quan tâm đặc biệt hơn nữa. Câu thành ngữ “tiên học lễ, hậu học văn” vẫn được treo cao ở hầu hết các trường để nhắc nhở học trò, thế nhưng, biết bao câu chuyện chưa hay về ngành giáo dục vẫn thường đang xảy ra…

Những ngày vừa qua, dân trong nước rất bức xúc khi báo chí đưa tin, vụ việc học sinh Trường Tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội), bị ôtô chở cô hiệu trưởng đụng gãy chân trong sân trường. Vậy mà, cô hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc, đã bưng bít sự việc lại còn làm một công việc “dối trá” lấy phiếu khảo sát báo cáo sai sự thật, khiến dân tình đánh giá: “Con số 100% học sinh và cả giáo viên không nhìn thấy vụ việc" có sự gian dối.
[1]

Cô hiệu trưởng gian dối, hệ thống giáo viên trong trường gian dối, học sinh làm sao tránh khỏi gian dối khi được tiếp xúc với họ. Những giờ học trên lớp dù có cải cách nội dung – hình thức, nhưng việc giáo dục xuyên qua phẩm chất thầy cô giáo lại thiếu vắng chữ tâm, thì niềm tin, niềm hy vọng vào tinh thần trách nhiệm với người và với đời của thế hệ kế tiếp sẽ ra sao?

Giáo luật dạy: “Việc giáo dục chân chính phải nhằm mục đích đào tạo toàn diện con người, và đồng thời phải hướng về mục đích tối hậu của con người cũng như lợi ích chung của xã hội. Cho nên các trẻ em và các thanh thiếu niên phải được đào tạo thế nào để họ có thể phát triển cách hài hoà những tài năng thể lý, luân lý và trí tuệ của mình, để họ có được một ý thức hoàn hảo hơn về trách nhiệm, biết sử dụng đúng đắn sự tự do của mình, và để họ trở thành những con người có khả năng tham gia tích cực vào đời sống xã hội.”
[2]

Lỗ hổng về kiến thức có thể lấp đầy; còn lỗ hổng nhân cách đang ăn mòn lối sống và sự lệch lạc trong giáo dục thì không dễ san bằng. Đây là những bài toán khó chưa có lời giải, mà hệ thống giáo dục hiện hành của đất nước chưa dễ để cải cách. Việc giáo dục định hình những con người vừa có tài vừa có tâm, vừa thành công vừa thành nhân vẫn đang bị bỏ lửng trên đất nước chúng ta. Giữa muôn ngàn nỗi  trăn trở ấy, giờ đây – hiệp với chân phước Đa Minh Xáp-đa-pho-ra một tu sĩ linh mục Dòng Đa Minh, ta cũng hãy cầu nguyện cho nền giáo dục trên thế giới đặc biệt là trên đất nước chúng ta có những bước tiến mới.

Đa Minh Xáp-đa-pho-ra sinh trưởng trong một gia đình danh giá, thuộc dòng họ Pa-đa-gốc ở Côn-tan-ti-nô, Pa-lê-mô, miền Xi-xi-li-a. Gia cảnh này đã tạo một khởi đầu thuận tiện trên đường tri thức, công danh, sự nghiệp cho cậu. Hơn thế nữa, cậu còn sở hữu trí thông minh sắc xảo, sự nhạy bén tinh tế. Thêm vào đó, cậu còn có lòng đạo đức, sự gắn bó với cộng đoàn, tinh thần bái ái với tha nhân và sáng ngời nhân đức.

Là một nhà thần học danh tiếng, có khả năng giảng thuyết và lòng nhiệt tâm với công tác giáo dục đào tạo, cha được anh em tín nhiệm trao trách nhiệm giám sát việc học trong Dòng và trách nhiệm “trồng người”. Chính lúc lòng nhiệt thành của các giáo hữu trong giáo phận Phơ-re-tra-na có chiều hướng đi xuống, cha Đa Minh Xáp-đa-pho-ra đã hăng say dấn thân để thắp lại ngọn lửa yêu mến Chúa bằng con đường Phúc Âm hoá. Cha tận dụng hết mọi khả năng Chúa ban để tạo nên rất nhiều cuộc đời thánh thiện tài đức khác.

Cửa trời rộng mở đón cha Đa Minh Xáp-đa-pho-ra vào thiên đàng ngày 21/12/1521. Đức giáo hoàng U-ba-nô VIII đã chuẩn y việc tôn kính ngài.

Lạy Chúa, ngang qua cuộc đời của chân phước Đa Minh Xáp-đa-pho-ra con ước mong cho những nhà giáo luôn chú tâm đến các bài học giúp hình thành nhân cách cho học trò. Ước mong sao con luôn ghi nhớ, giáo dục là con đường ngắn nhất khiến cho quê hương đất Việt mang lấy bộ mặt mới nhờ những người con đạo đức, trí thức, tài giỏi. Và, như chân phước Đa Minh Xáp-đa-pho-ra con được mời gọi nỗ lực trước hết bằng việc chú tâm rèn luyện bản thân, tập tành nhân đức… Xin Chúa cho cuộc sống này có thêm nhiều Đa Minh Xáp-đa-pho-ra mới, để xã hội hiện đại được đánh thức những giá trị đạo đức cao đẹp, vực dậy những đức tính nhân bản, nhân ái. Amen
 
[1]  http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/phu-huynh-buc-xuc-vi-hieu-truong-bung-bit-chuyen-hoc-sinh-gay-chan-3538061.html
[2] Giáo luật 1983, số 795.
114.864864865135.135135135250