Ngày 05/10
Chân phước Ray-mun-đô Ca-pua
B. Raymundus de Capua
(1330-1399)
Canh tân Giáo Hội và thánh hiến đời tu
Năm Đời Sống Thánh Hiến dần khép lại, Năm Thánh Lòng Thương Xót và Năm Thánh Kỷ niệm 800 năm thành lập dòng Đa Minh đã khai mạc. Thật là phù hợp khi chúng ta cùng chiêm ngắm mẫu gương chân phước Ray-mun-đô Ca-pua, một vị Bề trên Tổng Quyền của dòng Đa Minh, một tu sĩ đã hết lòng cho Giáo Hội và hết sức canh tân đời sống thánh hiến.
Vào thế kỷ XIV, tình trạng “Đại ly giáo phương Tây” đã khiến Giáo Hội phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Đời tu xuống dốc. Dòng Đa Minh sau một thế kỷ đầy sức sống đã bắt đầu sa sút ở nhiều nơi. Thiên Chúa quan phòng đã đặt để thánh ý Ngài vào cuộc đời những con người thánh thiện tài đức, để các ngài củng cố và canh tân Giáo Hội, giúp Giáo Hội vượt qua gian khó, kiên vững và giữ trọn vẻ xinh đẹp.
Chân phước Ray-mun-đô sinh tại Ca-pua khoảng năm 1330 trong một gia đình quý tộc. Năm 17 tuổi, trong một lần cầu nguyện tại mộ thánh Đa Minh, cha được mời gọi gia nhập Dòng do chính thánh Đa Minh thành lập. Ngài là một tu sĩ đã từng nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng như: làm linh hướng cho các đan sĩ Đa Minh ở Mon-tê-pu-xi-a-nô, làm tu viện trưởng ở Mi-ner-va, làm giám đốc học vụ, làm viện trưởng và giảng viên thánh khoa tại Si-ê-na, làm cha linh hướng và giải tội cho thánh Ca-ta-ri-na, làm bề trên Giám Tỉnh và làm bề trên Tổng Quyền… Cha đã phục vụ Giáo Hội, phục vụ Dòng trong trách nhiệm với tất cả sự nhiệt tâm và lòng đơn thành của Cha. Cha cống hiến phần lớn hoạt động của mình cho việc tái thiết Dòng, khi Dòng đang bị nạn dịch hạch và cuộc chia rẽ trong Giáo Hội làm tê liệt. Cha đã từng bước làm cho Dòng thích ứng với hoàn cảnh mới, và nhờ vào sự ủng hộ tự nguyện của những tu sĩ tâm huyết, cha đã thiết lập các tu viện với nếp sống kỷ cương để cổ võ cuộc canh tân rộng rãi trong các Tỉnh Dòng. Trong chuyến viếng thăm tỉnh dòng Đức, sau khi chủ tọa Tổng Hội Phơ-răng-pho, cha qua đời tại Nu-rem-bơ năm 1399.
Để nhấn mạnh sứ vụ canh tân, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã xác định: “Các cơ chế khác của Giáo Hội, các cộng đoàn cơ bản và các cộng đoàn nhỏ, các phong trào và những hình thức hiệp hội, là một sự phong phú của Giáo Hội mà Thánh Thần gợi lên để Phúc Âm hóa mọi nơi và mọi vùng. Thường các cơ chế này mang theo một lòng nhiệt thành mới để Phúc Âm hóa và một khả năng đối thoại với thế giới để canh tân Giáo Hội” (số 29).
Như vậy, việc canh tân phải khởi đi từ chính bản thân, đến cộng đoàn nhỏ, rồi mới đến canh tân Giáo Hội. Xin dùng lời khuyên của linh mục Hum-bê-tô Rô-man về kỉ luật tu trì để nhắc nhở từng người chúng ta về việc canh tân bản thân trong cộng đoàn và trong Giáo Hội: “Mỗi người hãy luôn cố gắng sao cho có tấm lòng nhiệt thành với Thiên Chúa, khôn ngoan trong suy nghĩ, cẩn trọng trong những cơn cám dỗ, xa tránh mọi oán thù, kiêng dè mọi xét đoán, khắc khoải những khát vọng vĩnh tồn, héo hắt vì yêu mến, sáng chói về kiến thức, thận trọng trong việc làm, cao siêu vì chiêm niệm, ân cần làm việc thiện, tan nát vì lòng thống hối, thánh thiện vì trong sạch, cẩn thủ trong lòng kính sợ và điểm trang bằng ân sủng.” (BđKS ngày 03/11)
Nếu mỗi cá nhân canh tân bản thân như thế, thì cộng đoàn sẽ được canh tân. Nếu các cộng đoàn làm được điều ấy, gương mặt Giáo Hội sẽ tỏa rạng. Chân phước Ray-mun-đô Ca-pua đã làm được điều ấy, các thánh đã làm được điều ấy. Ước gì chúng ta cũng mạnh dạn bước theo và bắt chước các ngài.
Lạy Chúa, Năm Đời Sống Thánh Hiến được mở ra và sẽ đến ngày khép lại nhưng lời mời gọi liên đới với nhân loại và thánh hóa đời sống vẫn còn mãi. Xin cho mỗi người chúng con biết hiến thánh bản thân và chọn cho mình một thái độ, một hành động tích cực để xây dựng, phát triển tập thể chúng con đang sống, và để Giáo Hội luôn vững vàng.
Qua gương sáng của chân phước Ray-mun-đô Ca-pua, chúng con được mời gọi nỗ lực đóng góp cho Giáo Hội trong khả năng của chúng con. Nguyện Chúa thương chúc lành cho mọi cố gắng sửa đổi bản thân để chúng con nên hoàn thiện như Chúa muốn. Amen