05/05/2024 -

Các Thánh Dòng

2948
Ngày 05/5 Thánh Vinh Sơn Phê-ri-ê

Ngày 05/5

Thánh Vinh Sơn Phê-ri-ô

S. Vincentius Ferrer

(1350- 1419)

Tấm lòng yêu mến Giáo Hội



     Trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã trích lại lời của Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II để mời gọi chúng ta nhận ra rằng: “Cần phải duy trì động năng rao giảng Tin Mừng” cho những người đang ở xa Đức Ki-tô, “bởi vì đây là nhiệm vụ đầu tiên của Hội Thánh”. Hoạt động truyền giáo “ngày nay vẫn là thách đố lớn nhất đối với Hội Thánh” và “nhiệm vụ truyền giáo vẫn phải đứng hàng đầu”.[1]

Trong phút cầu nguyện này, chúng ta cùng chiêm ngắm thánh Vinh Sơn Phê-ri-ô mẫu gương nhiệt thành với sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội, và xin người cho chúng ta có được lòng nhiệt thành hăng say loan báo Tin Mừng nước Chúa đến cho mọi người.

Quả là người ta biết nhiều đến Thánh Vinh Sơn bởi vì ngài hay làm phép lạ, ít ai biết đến ngài như một vị giảng thuyết đại tài, có sức mạnh xây dựng và kiện cường Giáo Hội bằng tất cả tấm lòng yêu mến. Thế kỷ XIV với cuộc đại ly giáo Tây Phương đã để lại vết thương cho Giáo Hội. Nhìn lại lịch sử trong giai đoạn khó khăn ấy, chúng ta không thể không nhắc đến Thánh Vinh Sơn, một người đã sống hết mình vì Giáo Hội, hăng say trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng.

Thánh Vinh Sơn Phê-ri-ô sinh năm 1350 tại Va-len-xi-a, Tây Ban Nha. Năm 17 tuổi ngài gia nhập Dòng Anh Em Thuyết Giáo, tại đây ngài bắt đầu sống đời thiêng liêng theo kỷ luật nhiệm nhặt. Ban đầu, ngài đảm nhận nhiệm vụ dạy triết học và thần học. Nhận thấy Giáo Hội đang bị phân mảnh tiếp tục và kéo dài, Cha Vinh Sơn quyết định rời bỏ A-vi-nhông và dấn thân vào công cuộc giảng thuyết, bắt đầu từ năm 1399 cho đến lúc từ trần. Đây là giai đoạn phong phú nhất cuộc đời cha. Cha đi khắp thành phố và làng mạc để rao giảng Tin Mừng, kêu gọi sám hối và canh tân. Cha nhiệt thành với sứ vụ này với lòng yêu mến Giáo Hội cho đến ngày cha được chứng kiến cuộc ly giáo chấm dứt, ngày Giáo Hội hiệp nhất nên một. Sau đó, cha Vinh Sơn từ trần ngày 5/4/1419 và được phong thánh năm 1455.

   Bạn thân mến ! Lịch sử của một vị đại thánh đã gắn liền với lịch sử của Giáo Hội trong giai đoạn phong ba bão táp. Ánh trời hồng bừng sáng của Giáo Hội gắn liền với nội lực của người tràn ngập sức mạnh đem niềm vui Tin Mừng đến cho muôn người. Quả đúng như lời Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đề nghị: Hãy canh tân Giáo Hội bằng cách ‘bước ra ngoài’ cho sứ vụ truyền giáo; Giáo Hội được hiểu như là toàn dân Chúa phải đi rao giảng, nhắm đến bài giảng và việc chuẩn bị bài giảng; nhắm đến các động lực tinh thần cho sứ vụ truyền giáo...”[2]. Ở chỗ khác, Đức Thánh Cha mạnh mẽ nói: “Tôi thà có một Hội Thánh bị bầm dập, bị thương tích và dơ bẩn vì đã ở ngoài đường, hơn là một Hội Thánh yếu nhược vì tự giam và bám víu vào sự an toàn riêng của mình...”[3]

Những lời mạnh mẽ của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô cho Giáo Hội hiện nay cũng là điều mà Thánh Vinh Sơn đã làm cho Giáo Hội trong lúc phân ly khi xưa. Trong một lá thư gởi cho Bề trên Tổng Quyền Dòng Anh Em Thuyết Giáo, cha Vinh Sơn đã viết như sau: “Thưa cha rất đáng kính, con đã tìm ra nguyên nhân chính đưa đến lạc đạo và sai lầm, đó là thiếu người giảng dạy. Thật vậy, dân cư ở đó đã thành thực cho con biết: suốt ba mươi năm qua, không có ai đến giảng cho họ... Thưa cha, như cha thấy, các giám chức và những người do chức vụ hoặc nghiệp vụ, có trách nhiệm giảng dạy cho họ, lại cứ thích an nhàn nơi thành thị, trong những căn phòng khang trang đầy đủ tiện nghi, những người ấy mắc lỗi nặng đến mức nào ! Đang khi đó, các linh hồn đã được Chúa chịu chết để cứu chuộc, lại phải hư mất vì thiếu thần lương, thiếu người chia cơm sẻ bánh...” Tinh thần “bước ra ngoài” cho sứ vụ giảng Tin Mừng và tấm lòng yêu mến Giáo Hội của cha Vinh Sơn đã đem lại bộ mặt bình an rạng rỡ cho Giáo Hội.

Chiêm ngắm cuộc đời của thánh Vinh Sơn Phê-ri-ô, chúng ta được mời gọi nhìn về lịch sử của Giáo Hội, để ý thức lại “sự thuộc về của chúng ta trong Giáo Hội”, để cùng dâng lên Chúa lời cầu nguyện xin:

Lạy Chúa, Chúa muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý, chân lý mà Chúa đã bày tỏ nơi Chúa Giê-su.

Xin nhìn đến hàng tỉ người chưa nhận biết Chúa Giê-su, họ cũng là những người đã được cứu chuộc. Xin thôi thúc nơi chúng con khát vọng truyền giáo, khát vọng muốn chia sẻ niềm tin và hạnh phúc, niềm vui và bình an cho tha nhân, và khát vọng muốn giới thiệu Chúa Giê-su cho thế giới.

Chúng con thấy mình nhỏ bé và bất lực trước sứ mạng đi đến tận cùng trái đất để loan báo Tin Mừng. Chúng con chỉ xin đến với những người bạn gần bên, giúp họ quen biết Chúa Giê-su và tin vào Ngài, qua đời sống yêu thương cụ thể của chúng con.

Chúng con cũng cầu nguyện cho tất cả những ai đang xả thân lo việc truyền giáo. Xin Cha cho những cố gắng của chúng con sinh nhiều hoa trái. Amen.


[1] Tông huấn Niềm vui Tin Mừng số 14-15.

[2] Tông huấn Niềm vui Tin Mừng số 17.

[3] Tông huấn Niềm vui Tin Mừng số 49.

114.864864865135.135135135250