Ngày 05/9
Thánh Giuse Hoàng Lương Cảnh[1]
(1763-1838)
Lời kinh cuộc đời
Kết hiệp với Chúa bằng những lời kinh đơn sơ – giản dị - vắn tắt, là một việc làm rất bình thường nhưng lại có giá trị lớn lao. Vì điều này giúp lòng trí chúng ta luôn hướng về Chúa trong mọi nơi mọi lúc, giúp chúng ta yêu Chúa hơn trong cuộc sống vốn đơn điệu nhưng lại rất phức tạp thường ngày.
Xin hiệp ý với chúng tôi trong những phút cầu nguyện với thánh Giuse Hoàng Lương Cảnh, xin Chúa giúp chúng ta cũng bắt chước thánh nhân, biết dâng những lời kinh đơn sơ và biến cuộc đời mình thành lời kinh nguyện sống động dâng lên Thiên Chúa.
Thánh Giuse Hoàng Lương Cảnh sinh năm 1763 trong một gia đình Công Giáo đạo hạnh tại làng Ván, tỉnh Bắc Giang. Sáng tối và trong ngày, từ khi còn trẻ cho đến lúc cao niên, rảnh rỗi một chút là cụ lần hạt Mân Côi dâng kính Đức Mẹ. Trong từng biến cố vui buồn, lời kinh của cụ như những chuỗi hạt nhiệm màu của cuộc đời Chúa Giêsu và Mẹ Maria: lúc vui tươi, lúc sáng trong, lúc mừng rỡ hân hoan, nhưng cũng có lúc đầy đau thương sầu khổ. Lời kinh của cụ đẹp biết bao khi nó đi song song với những công việc hy sinh tông đồ phục vụ. Cụ có lòng chung với việc phục vụ Giáo xứ, yêu thương mọi người, bác ái và quảng đại với những người nghèo khổ.
Khi quan huyện phát hiện ra cụ là Kitô hữu gương mẫu và phục vụ Giáo Hội đắc lực, cụ đã bị bắt. Trong tù cụ luôn cầu nguyện với Chúa, cụ khích lệ và nhắc nhở anh em đọc kinh cầu nguyện. Vì cụ rất thuộc kinh nên cụ đọc rất nhiều kinh cho anh em nghe. Cụ bị gọi ra tòa rất nhiều lần, các quan bắt cụ bước qua Thánh Giá nhưng cụ quỳ xuống thầm đọc kinh. Quan bắt cụ đọc lớn, cụ đọc câu trong kinh Chúa Thánh Thần: “Xin yên ủi chúng con, dạy chúng con làm những việc lành”. Tiếp theo Cụ đọc lớn tiếng: “Lạy Chúa Giêsu là đường ngay nẻo thật, xin Chúa thương ban bình an cho chúng con. Xin Chúa chỉ đường dẫn lối cho chúng con đến cùng Chúa. Xin Chúa ban cho các vua chúa, quan quyền được bình an khoẻ mạnh. Xin Chúa giúp đỡ vua quan khôn ngoan, biết thương dân trị nước”. Quan tổng đốc ngạc nhiên hỏi cụ: “Tại sao lại cầu nguyện cho vua quan là những người đang hành hạ mình như thế ?” Cụ bình tĩnh trả lời: “Chúa dạy chúng tôi phải yêu thương những người làm hại chúng tôi”.
Ngày 05/9/1838, cụ bị đưa ra pháp trường cùng với Cha Tự Dòng Đa Minh, trên đường đi, cha Tự xướng kinh cầu các thánh, mặc dù cụ Cảnh bước đi yếu sức, nhưng cụ vẫn đều đặn thưa “cầu cho chúng con”.
Thánh Giuse Hoàng Lương Cảnh không chỉ đọc thuộc lòng những lời kinh, mà những lời kinh ấy còn là cả cuộc đời của cụ. Noi gương thánh nhân, ước gì trong mọi biến cố của cuộc đời, chúng ta đều có thể tuyên xưng danh Chúa Ba Ngôi bằng dấu Thánh Giá: Dấu Thánh Giá khi thức giấc, Dấu Thánh Giá khi đi ngủ, Dấu Thánh Giá khi dùng bữa, Dấu Thánh Giá khi uống viên thuốc, Dấu Thánh Giá khi đọc một vài kinh chung hay khi dâng lời những kinh riêng… Mỗi khi bắt đầu một công việc, thì “kinh Chúa Thánh Thần” và “kinh xin Chúa sáng soi” là điều cần thiết, mỗi khi nao lòng thì ba “kinh tin – cậy – mến” giúp sức ta thật nhiều, mỗi khi đêm đến thì lời “kinh phó dâng” và “kinh cám ơn” là cần thiết, mỗi khi dùng bữa thì “xin Cha cho chúng con lương thực hàng ngày” và nhớ đến những người nghèo khổ, mỗi khi có tội thì giục lòng bằng “kinh ăn năn tội”…
Những lời kinh thuộc lòng với tâm tình tha thiết đã là rất đẹp, nhưng còn đẹp hơn biết bao khi mỗi phút giây, mỗi biến cố, chúng ta biết dâng những lời kinh sâu thẳm từ đáy lòng của chúng ta. Khi thấy môt người gặp khó khăn thì thưa “lạy Chúa xin Chúa thương đến người này”, khi gặp một đám tang bên đường “xin Chúa thương đưa họ về với Chúa”. Khi đang gặp điều khó chịu thì thưa với Chúa, “Chúa ơi, Chúa dạy con biết làm điều gì đẹp lòng Chúa lúc này đi”.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa vừa chọn chúng con ra khỏi thế gian, lại vừa sai chúng con vào trong thế gian đó. Xin cho chúng con giữ được bản lãnh của mình, chúng con chẳng sợ mình bỏ đạo, chỉ sợ mình bỏ sống đạo vì bị quyến rũ bởi bao thú vui trần thế. Xin Chúa giúp sức cho chúng con. Amen.
[1] Tiểu sử của vị thánh này xin xem “Hạnh tích các Thánh Tử Đạo Việt Nam” của Linh mục Gioakim Nguyễn Đức Việt Châu, SSS, 2005, Louisiana, trang 361-366. Hoặc xem tại link: