Chân phước An-bê-tô Bê-ga-mô
B. Albertus de Bergamo
(1214-1279)
Cầu nguyện cho những người đàn ông vợ chết
mà không con nối dòng
“Hiền thê bạn trong cửa trong nhà,
Khác nào cây nho đầy hoa trái,
Và bầy con tựa những cây ô-liu mơn mởn,
Xúm xít tại bàn ăn…”
Đó là bức tranh tuyệt đẹp về cuộc sống gia đình hạnh phúc được vẽ nên trong Thánh Vịnh 128, khiến cho nhiều người nhất là những người làm chồng, làm cha ước mong có được. Dù vậy, bức tranh ấy cũng “không hề loại trừ một sự thật cay đắng gặp thấy trong các trang Kinh Thánh, đó là sự hiện diện của đau khổ, sự dữ và bạo lực có sức phá vỡ các gia đình, phá vỡ mối hiệp thông sự sống và tình yêu”[1]…
Thật vậy, nơi cuộc sống thường nhật, những điều không mấy dễ chịu, những điều không mong muốn vẫn xảy ra trong các gia đình, ở mọi thời đại, nhất là khi “chị chết” xuất hiện cắt đứt sợi dây gắn kết giữa vợ và chồng. Những lúc như thế, thái độ ứng xử phù hợp của người trong cuộc có thể tạo nên những làn gió mát xua đi sức nóng mà cuộc đời mang đến. Nếu bạn rơi vào hoàn cảnh ấy, nếu bạn lúng túng chưa biết phải làm sao, làm thế nào cho đúng, cho hay; thì hãy đến với chân phước An-bê-tô Bê-ga-mô. Hãy xem chân phước đã làm gì trước những điều không vừa ý để bạn có thêm nghị lực vui sống và để chúng ta cùng cầu nguyện cho những ai đang gặp hoàn cảnh tương tự, có thể tìm ra hướng đi đúng nhất.
An-bê-tô Bê-ga-mô sinh vào khoảng năm 1214 tại Vin-la Ôn-gi nước Ý, trong một gia đình nông dân đạo đức. Cậu An-bê-tô sớm có được những đức tính tốt cùng lòng thương cảm đối với những mảnh đời khốn khó, bất hạnh.
Tưởng rằng sau khi kết hôn, An-bê-tô sẽ có một mái ấm thật sự với vợ hiền con ngoan. Thế nhưng, cuộc đời lại chỉ là những ước mơ… Sống chung với một người vợ khó tính, An-bê-tô hay bị vợ cằn nhằn mỗi khi chàng giúp đỡ những người nghèo khổ. An-bê-tô là một người chồng nhẫn nhịn, vì vậy mà sóng to gió lớn đã không nổi lên trong gia đình của anh. Hạnh phúc gia đình chưa có kết thúc ngọt ngào thì người vợ của An-bê-tô qua đời mà chẳng để lại một mụn con.
Những bất hạnh đã làm cho An-bê-tô Bê-ga-mô mở ra một hướng đi mới cho bản thân. Ông rời bỏ nơi chốn cũ vốn chứa đầy nước mắt để đến miền đất mới. Sức sống đã hồi sinh, An-bê-tô Bê-ga-mô chăm chỉ làm việc, luyện tập nhân đức, gieo rắc niềm tin cho mọi người, cổ võ hòa bình, gia tăng các việc từ thiện bác ái và nhất là việc đối thoại với những người lạc giáo để giúp họ trở về với Chúa Ki-tô. Và rồi, vì muốn theo sát tinh thần của cha thánh Đa Minh, An-bê-tô Bê-ga-mô đã xin gia nhập vào đoàn Anh em Hãm mình mà sau này trở thành Dòng Ba Đa Minh.
An-bê-tô Bê-ga-mô qua đời vào ngày 07/5/1279, để lại cho đời và cho Giáo Hội một hình ảnh đẹp về người chồng, người giáo dân gương mẫu. Ngày 09/5/1748, đức giáo hoàng Biển Đức XIV tôn phong An-bê-tô Bê-ga-mô lên hàng chân phước.
Ngang qua cuộc đời chân phước An-bê-tô Bê-ga-mô, ước mong sao những người chồng trong các gia đình luôn lấy sự nhã nhặn, hiền hậu, nhẫn nại, yêu thương… để xóa đi những bất đồng xung khắc với vợ. Chính những đức tính ấy làm tăng thêm giá trị của người đàn ông, nó giúp các chàng điều khiển gia đình trong hòa khí, xây dựng tổ ấm trong yêu thương.
Hãy xem những khó chịu cằn nhằn của các bà vợ như những cung đàn bị lạc, hãy cố gắng tìm ra những điều tích cực trong cuộc sống để thấy giá trị vĩnh hằng của cuộc sống ở phía sau. Hãy sống trọn vẹn từng thời khắc của đời sống hôn nhân để khi phải đối diện với nỗi đau chia li, mỗi một nửa kia còn lại sẽ cảm thấy tự hào vì mình đã sống yêu thương trọn vẹn. Hãy học nơi chân phước An-bê-tô Bê-ga-mô. Hãy ghi nhớ lời dạy của đức thánh cha Phan-xi-cô: “Người đàn ông đóng một vai trò có tính quyết định không kém trong đời sống gia đình… và họ sống tính cách đàn ông của mình một cách thích đáng. Sự vắng mặt của người cha sẽ ảnh hưởng nặng nề đến đời sống gia đình, đến việc nuôi dạy con cái và việc hội nhập chúng vào xã hội…”[2]. Ước gì những người đàn ông đang chịu cảnh mất vợ mà không có con có thể “sống tính cách đàn ông của mình một cách thích đáng” và trở thành người cha thiêng liêng của những đứa con bất hạnh khác.