Chân phước An-na Môn-tê-gu-đô
B. Anna Monteagudo
(1602-1686)
Hiện nay, một số nơi trên thế giới không còn người trẻ dâng mình cho Chúa trong ơn gọi tu trì. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên đó là gì? Phải chăng những gia đình đều sinh rất ít con, vì thế các bậc cha mẹ ngần ngại dâng con cho Chúa trong đời thánh hiến, vì muốn con cái ở nhà phụng dưỡng các ngài lúc về già. Phải chăng đời sống vật chất dư thừa hưởng thụ khiến người trẻ ngại sống dấn thân, ngại hy sinh từ bỏ, ngại xả thân phục vụ trong các nghĩa cử cao đẹp. Phải chăng lối sống vội vã, buông thả đã làm cho người trẻ ngại khép mình trong kỷ luật nhiệm nhặt trầm lắng của nếp sống tu trì. Phải chăng đức tin đã vơi cạn, nên người trẻ chẳng còn tín thác vào Chúa trong sứ mạng cao cả mà Ngài mời gọi. Mẫu gương của gia đình chân phước An-na Môn-tê-gu-đô sẽ để lại cho chúng ta những bài học về sự quảng đại dâng hiến trong xã hội hôm nay.
Chân phước An-na Môn-tê-gu-đô chào đời năm 1602 tại A-rê-ghi-pa, nước Pê-ru, trong một gia đình có ba anh em. Song thân của chị đã quảng đại dâng một người con trai làm linh mục cho Chúa. Chị là con gái duy nhất trong gia đình, nhưng chị cũng đã được cha mẹ trao cho các nữ tu Ða Minh ở tu viện thánh Ca-ta-ri-na Xi-ê-na dạy dỗ - chăm sóc. Tại đây, chị đã nhận được một nền giáo dục tốt về đời sống tâm linh. Chị đã dâng mình cho Chúa.
Năm 16 tuổi chị lãnh tu phục (1618), năm 17 tuổi chị được tuyên khấn (1619). Chị sống đời chiêm niệm và cầu nguyện trong nếp sống đan sĩ. Đời sống đạo đức của chị là một chứng từ sống động về cõi lòng nội tâm yêu mến Chúa một cách nồng nàn và sâu đậm. Năm 43 tuổi chị làm tu viện trưởng (1645). Chị ngã bệnh năm 73 tuổi (1676) và qua đời 9 năm sau đó (1686). Ba thế kỷ sau, trong chuyến viếng thăm Pê-ru, đức thánh giáo hoàng Gio-an Phao-lô II đã tuyên phong chị An-na lên bậc chân phước, tại chính quê hương của chị là A-rê-ghi-pa vào ngày 2-2-1985.
Đọc ít dòng tiểu sử ngắn ngủi của chân phước An-na Môn-tê-gu-đô, ta như cảm kích bởi tấm lòng quảng đại của các thành viên trong gia đình của chị. Cha mẹ của chị có ba người con, nhưng ông bà đã quảng đại dâng hai người con cho Chúa. Về phần mình, chị An-na cũng được hưởng phần gia tài do cha mẹ để lại, nhưng chị đã sẵn sàng rời bỏ những lợi lộc trần thế ấy, khép mình trong lối sống nhiệm nhặt của đan viện, chẳng màng chi đến của cải vật chất hay bất cứ điều gì khác, ngoài một mình Thiên Chúa.
Tình yêu dành cho Thiên Chúa làm cho con người có tấm lòng quảng đại không tính toán so đo, vì thế họ không giữ lại cho mình phần lợi mà lẽ ra chính họ được hưởng. Cha mẹ có quyền giữ con cái cho riêng mình, nhưng cha mẹ quảng đại với Chúa thì sẵn sàng dâng con cho Ngài. Con cái có quyền giữ lại những tài sản, những lợi lộc của gia đình dành cho riêng mình, nhưng con cái quảng đại với Chúa thì sẵn sàng nhường phần lợi ấy cho người khác để thanh thản phục vụ - hiến thân. Về những tâm hồn cao quý quảng đại ấy, Thánh Phaolô đã nói rằng: “Ai vui vẻ hiến dâng thì được Thiên Chúa yêu thương”.
Lạy Chúa, chúng con cầu xin cho các bậc cha mẹ, biết dành thì giờ cho con cái, biết nêu gương sáng đạo đức và sẵn sàng chia sẻ cuộc sống với gia đình. Xin cho các bậc cha mẹ có đủ khôn ngoan để hướng dẫn gia đình, biết chọn lựa cho con cái những gì tốt đẹp nhất.
Với ân sủng Chúa, xin cho các bậc cha mẹ biết làm mới lời hứa tận tâm với con cái:
sẽ trìu mến chúng như tặng phẩm Chúa ban,
sẽ trao cho chúng những gì chúng cần,
sẽ nuôi dưỡng thể xác và huấn luyện tâm hồn chúng,
sẽ xây dựng cho chúng một mái ấm tình thương,
sẽ đưa chúng đi trên đường thánh thiện và ân sủng,
sẽ dạy chúng lớn khôn như những người con Chúa.
Và nếu Chúa cần đến những người con cho sứ vụ Nước Chúa, xin cho các bậc cha mẹ luôn quảng đại hiến dâng. Xin cho gia đình trở thành trường dạy và là nơi ươm trồng những hạt mầm ơn gọi. Xin cho các bậc cha mẹ luôn khuyến khích và nâng đỡ con cái trong chọn lựa theo Chúa của chúng, để Giáo Hội có thêm nhiều thợ trong cánh đồng truyền giáo. Amen