10/04/2024 -

Các Thánh Dòng

987
Ngày 10/4  Chân phước An-tô-ni-nô Ni-rôt

Ngày 10/4

Chân phước An-tô-ni-nô Ni-rôt

B. Antonius Neyrot

(1423-1460)

Cầu nguyện cho ơn thiên triệu

 

Trong cuốn sách có tựa đề: “Cuộc cách mạng của giáo hoàng Phan-xi-cô[1], tác giả Mác-cô Pô-li-ti có kể lại câu chuyện thú vị như sau: Khi đức Phan-xi-cô làm tổng giám mục ở Buenos Aires, người ta kể rằng có một cha xứ đến thông báo cho ngài biết quyết định sẽ kết hôn với bạn gái. Đức tổng giám mục trả lời: “Đồng ý”, chúng ta sẽ tiến hành thủ tục giải quyết cho cha khỏi tình trạng giáo sĩ, “nhưng cứ chờ đợi một hai năm sau hãy có con nhé”. Hai năm sau, mối liên hệ của họ rạn nứt, vị cựu linh mục trở về và thú nhận muốn trở lại ơn gọi linh mục của mình. “Đồng ý”, đức tổng giám mục trả lời, chúng ta sẽ tiến hành thủ tục đón nhận cha trở lại, “nhưng trước hết, cha phải sống như một giáo dân và giữ khiết tịnh trong vòng năm năm nhé”. Ngày nay giáo dân Buenos Aires đảm bảo rằng, vị linh mục ấy là một trong những linh mục được yêu quí nhất tại thủ đô.

Trong sứ điệp nhân ngày thế giới cầu cho ơn gọi lần thứ 53 được cử hành vào Chúa Nhật thứ tư Phục Sinh, ngày 17/4/2016 đức thánh cha Phan-xi-cô nói: “Mỗi ơn gọi trong Giáo Hội đều xuất phát từ ánh mắt xót thương của Chúa Giêsu. Hoán cải và ơn gọi luôn đan quyện vào nhau như hai mặt của một đồng xu, và chúng kết nối với nhau luôn mãi”. Cũng trong sứ điệp này, đức thánh cha nhắc lại số 130 của “Tông huấn Niềm vui Tin Mừng” rằng: "Một dấu hiệu chắc chắn về đặc sủng của ơn gọi, đó là khả năng hoà hợp cách cân đối giữa đời sống thánh thiện của Thiên Chúa và sự trung tín của con người vì lợi ích của tất cả".

Quả thế, ơn gọi sống đời thánh hiến là ơn gọi gồm hai chiều kích: sự thánh thiện của Thiên Chúa và sự trung tín của con người. Nhưng, bản chất của con người luôn luôn yếu đuối bất trung. Cuộc đời chân phước An-tô-ni-ô là một minh chứng, chiêm ngắm ngài chúng ta cùng cầu nguyện đặc biệt cho những người sống đời thánh hiến.

An-tô-ni-ô sinh tại Pơ-rút-li, thuộc giáo phận Tu-ri-nô nước Ý, năm 1423. Ðến tuổi trưởng thành, cậu xin gia nhập dòng Anh em Thuyết giáo. Cậu được nhận vào tu viện thánh Mác-cô ở Phi-ren-xê. Trong suốt giai đoạn đào tạo, thầy đã thích nghi với đời sống kỷ luật tu trì và chuyên cần rèn luyện đời sống tâm linh. Thầy được thụ phong linh mục.

Trong quảng đời linh mục, một lần kia, trên đường biển từ Xi-xi-li-a đến Nê-a-pô-li, cha bị quân cướp biển bắt và bị dẫn về Tu-ni-xi-ê năm 1458. Ở đây, phần thì bị ngược đãi, phần thì bị cám dỗ về những mơn trớn giác quan, cha nản lòng đã chối đạo và bỏ đời tu ra lập gia đình. Tuy nhiên, ơn Chúa vẫn thương dõi theo cha và thôi thúc cha quay gót trở về. Ðó là khi cha được tin đức giám mục An-tô-ni-nô người đón nhận cha vào tu viện đã qua đời một cách thánh thiện. Trong nước mắt và chay tịnh, cha tỏ lòng sám hối, xin xưng tội và rước lễ, rồi xin trở lại... Sau đó, cha đến gặp nhà vua và tỏ ý sẵn sàng chịu tử đạo. Trước mặt vua quan và dân chúng, cha tự thú tội bội giáo của mình, rồi tuyên bố chỉ có đạo Chúa Ki-tô là chính đạo mà mình đã trót phản bội. Nhà vua tức giận bỏ tù và nộp cha cho toà án xét xử. Nhưng dù cho lời lẽ có ngon ngọt đến đâu cũng chẳng dụ dỗ được cha, thậm chí đòn vọt cũng không thể làm cho cha xiêu lòng.

Sáng ngày thứ Năm Tuần Thánh năm 1460, cha bị gọi ra tòa lần cuối, nhưng cha vẫn một lòng sắt son và trung thành với đức tin Công Giáo. Tòa truyền lệnh ném đá và cha đã lãnh nhận triều thiên tử đạo. Ngày 22/2/1767, đức giáo hoàng Clê-men-tê XIII đã phong chân phước cho cha.

Lạy Chúa, Chúa đã thương gọi chân phước An-tô-ni-ô trở lại với ánh sáng chân lý của Chúa, và đã làm cho người nên vị tử đạo anh hùng.

Chúng con biết ơn gọi dâng hiến là ơn gọi cao quý được đặt trong những bình sành dễ vỡ. Chúng con biết thân phận con người luôn yếu đuối, mỏng giòn và bất trung, nhưng đã được Chúa gọi và chọn. Xin Chúa thêm sức cho những anh chị em sống đời dâng hiến, để họ nên dấu chỉ nước trời hiện diện giữa trần gian. Xin cho đời sống của họ là bằng chứng họ tử đạo mỗi ngày trong âm thầm hiến dâng.

 

[1] Marco Politi “Francois Parmi Les Loups”, Nxb Philippe Rey, Paris, 2015, Giuse Ngô Gia Biên, OP dịch, trang 14.

114.864864865135.135135135250