S. Antoninus de Firenze
(1389-1459)
Ngày 25/01/2015, sau khi công bố danh tánh 20 vị Tổng Giám mục và Giám mục sẽ được nâng lên hàng Hồng Y, Ðức Thánh Cha Phan-xi-cô đã gửi một bức thư đến từng vị để nhắc nhở. Ngài viết: "...Khi mọi người đều nhìn tước vị Hồng Y như là 'một phần thưởng hay đỉnh cao của sự nghiệp', một chức vị cao trọng đầy quyền lực hay được biệt đãi... Anh em hãy tránh xa những loại kính trọng như thế. Và trong nghi lễ tấn phong Hồng Y, đưa anh em vào ơn gọi mới, anh em hãy... bảo đảm rằng những nghi lễ này không bị tinh thần thế tục tiêm nhiễm khiến anh em có thể... xa rời Thánh giá Chúa Ki-tô".[1]
Suy nghĩ về lời nhắn nhủ của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, trong phút cầu nguyện này, chúng ta chiêm ngắm mẫu gương sống triệt để với sứ vụ và cuộc đời thanh thoát từ khước những giá trị trần thế của thánh An-tô-ni-ô. Để rồi, giữa một xã hội đầy những cám dỗ hưởng thụ vật chất, chúng ta can đảm khước từ với lòng thanh thoát tin yêu.
Thánh An-tô-ni-nô sinh tại Phi-ren-xê năm 1389, vào Dòng Đa Minh năm 16 tuổi (1405). Năm 24 tuổi (1413), An-tô-ni-nô thụ phong linh mục và nổi tiếng về đời sống nhiệm nhặt, trí khôn thông sáng và cách hành xử khôn ngoan. Từ năm 29 tuổi (1418), với tư cách là tu viện trưởng, cha cổ võ đời sống kỷ cương tại một số tu viện trong Dòng. Ở Rô-ma, cha được nhận làm dự thẩm tại tòa Thượng Thẩm và là giáo sư Giáo Luật thời danh. Cha An-tô-ni-nô giữ chức Tổng Đại Diện các tu viện giữ kỷ luật nghiêm ngặt tại Ý (từ năm 1437). Cha tham dự Công Đồng Chung Phi-ren-xê (1438) và năm 1446 khi cha 57 tuổi, Đức Thánh Cha Ô-giê-ni-ô IV đặt cha làm Tổng Giám mục thành Phi-ren-xê.
Hình ảnh của Đức Tổng Giám mục An-tô-ni-nô, vị thánh ở thế kỷ XV sẽ là một gương sáng sống mãi trong lòng Giáo Hội. Ngài là vị chủ chăn đầy đoàn sủng, tài đức, yêu thương săn sóc những kẻ khốn cùng, quan tâm đến những người bị bỏ rơi. Ngài sống tinh thần khó nghèo triệt để: “Ngài muốn tòa Giám mục là một gia đình thật thanh bạch,... Ngài loại bỏ mọi sự sang trọng, xa xỉ trong cách ăn mặc,... Ngài không có đồ dùng lộng lẫy,...”[2] Với tinh thần từ bỏ, ngài bán hết tài sản để rộng tay giúp đỡ người nghèo. Ngài đã đi tiên phong trong phong trào cứu trợ xã hội. Ngài là thầy dạy giáo lý và là nhà giảng thuyết thời danh. Ngài còn là một mục tử luôn ân cần trong công tác mục vụ: “Ngài trao phó cho viên quản lý trông coi mọi hoa lợi, bổng lộc và quản trị mọi việc trong nhà, ngài dành riêng cho mình việc mục vụ”. Ngài là một mục tử đẹp lòng Thiên Chúa và cũng là mục tử mà Giáo Hội mọi thời luôn cần đến. Đức cha An-tô-ni-ô qua đời sau 13 năm làm giám mục, một giám mục gương mẫu (02/5/1459).
Hơn bao giờ hết, thời đại của chúng ta ngày càng thiếu ơn gọi dâng hiến, phải chăng là do tinh thần thế tục đang thâm nhiễm; phải chăng người trẻ chỉ lo hưởng thụ và ít biết khước từ; phải chăng những người sống đời thánh hiến sống phản chứng, chìm mình trong tục hóa...??!! Hơn lúc nào hết, Giáo Hội cần có nhiều mục tử nhân lành, thánh thiện, nhiệt thành và dấn thân.
Lạy Chúa, chúng con ngợi khen và cảm tạ Chúa vì đã cho Giáo Hội mỗi ngày vẫn có thêm những vị mục tử nhiệt tâm. Ơn gọi mục tử là hồng ân Chúa trao ban, không chỉ cho riêng các ngài mà còn cho toàn thể Giáo Hội. Nhưng giữa cuộc đời đầy cạm bẫy và thử thách; các tôi tớ Chúa vẫn ngập tràn những yếu đuối của kiếp người. Xin Chúa thương tuôn đổ hồng ân, ban thêm sức mạnh và thánh hóa các ngài; để nhờ đời sống kết hiệp sâu xa với Chúa, các ngài trở nên vị mục tử thánh thiện, nhân hậu; can đảm từ bỏ, can đảm hy sinh khước từ, can đảm dấn bước theo Chúa Giê-su khó nghèo, khiêm nhường “hiến mạng sống mình vì đoàn chiên”.
Mừng vị thánh dịu dàng khiêm hạ
Sống khó nghèo bỏ cả bản thân
Một đời thanh bạch trong ngần
Nói không, với hết mọi phần lộc vinh.
Sống với Chúa, trọn vẹn tâm tình
Yêu nhân thế, hy sinh từ khước
Giê-su ơi con ao ước