12/02/2024 -

Các Thánh Dòng

1211
Ngày 12/02 Chân phước Rê-gi-nan-đô, Dòng Đa Minh

Ngày 12/02

Chân phước Rê-gi-nan-đô

B. Reginaldus de Orléans

(1180 - 1220)

Áo Dòng Giảng Thuyết

 

Giáo Hội ngày nay có rất nhiều dòng tu với nhiều kiểu tu phục khác nhau. Có những kiểu tu phục đã là dấu chỉ của những ơn lạ mà Thiên Chúa tỏ hiện qua các thánh; Có những kiểu tu phục đã thể hiện nét linh đạo, hoặc thể hiện nếp sống thời khai nguyên của dòng tu ấy; Có những kiểu tu phục ban đầu chỉ là y phục thường ngày của người tu sĩ, hay của Đấng sáng lập, nhưng với lịch sử nó đã mang một ý nghĩa như dấu chỉ của đời thánh hiến... Ví như vào thời cha thánh Đa Minh cách đây 800 năm. Ngài đã không chọn cho Dòng của mình một bộ tu phục riêng, Ngài chỉ mặc bộ thường phục giản dị và đơn sơ của những người nghèo lúc bấy giờ. Tuy nhiên, lịch sử đã để lại câu chuyện rất ý vị về bộ tu phục của anh em Dòng Giảng Thuyết, liên quan đến cuộc đời chân phước Rê-gi-nan-đô, là một những môn đệ tiên khởi của cha thánh Đa Minh như sau:

 Chân Phước Rê-gi-nan-đô sinh khoảng năm 1180 tại Oóc-lê-ăng nước Pháp. Ngài Là tiến sĩ luật tại Đại học Pari. Lần kia, trên đường đi viếng Đất Thánh, Rê-gi-nan-đô ghé qua Rô-ma. Tại đây, người đã say mê lời giảng thuyết của cha thánh Đa Minh. Cũng tại đây, người rất hâm mộ đức thanh bần theo tinh thần Phúc Âm và nỗ lực tông đồ của anh em Dòng Giảng Thuyết. Vì thế Rê-gi-nan-đô đã xin gia nhập Dòng.

Vào ngày nọ, đang lúc Rê-gi-nan-đô lên cơn sốt nặng, thì Đức Trinh Nữ Ma-ri-a - Nữ Vương Thiên Đàng đã hiện ra cho Rê-gi-nan-đô cách tỏ tường. Mẹ đã lấy dầu mà xức cho Rê-gi-nan-đô và nói: “Mẹ lấy dầu thánh xức chân con, để con đi rao giảng Tin Mừng bình an”. Nói thế rồi, Mẹ Ma-ri-a đã tỏ cho Rê-gi-nan-đô toàn bộ tu phục của Dòng Giảng Thuyết. Ngay tức khắc, Rê-gi-nan-đô được lành bệnh hoàn toàn, điều này đã khiến các y sĩ ngạc nhiên hết sức vì trước đây họ đã không hy vọng Rê-gi-nan-đô có thể bình phục.

Được thấy tu phục và phép lạ nhiệm mầu, sau khi đã khỏi bệnh, giáo sư Rê-gi-nan-đô như được truyền lửa thiêng, ngài dấn thân ngay vào việc giảng thuyết. Ngài sống một đời sống ngập tràn nhân đức và dùng hết nhiệt tâm để thuyết giảng ở Bô-lô-ni-a và ở Pa-ri. Ngài đã thu hút được rất nhiều thanh niên và những nhân vật tên tuổi vào Dòng. Chúa lại ban thêm cho Rê-gi-nan-đô biệt tài tổ chức và sốt sắng cổ võ đời sống cộng đoàn. Danh thơm của Dòng nhờ đó được tỏa lan. Rê-gi-nan-đô qua đời tại Pa-ri năm 1220. Ngày 8 tháng 7 năm 1875, Đức Pi-ô IX đã chuẩn y việc tôn kính người cách đặc biệt trong phụng vụ của Dòng Giảng Thuyết.

Bạn thân mến, “Chiếc áo không làm nên thầy tu”, nhưng khi khoác trên mình chiếc áo dòng, người tu sĩ ý thức mình thuộc về một tập thể, bước theo một linh đạo, sống lý tưởng dâng hiến một cách cụ thể. Áo dòng đã trở thành dấu hiệu để phân biệt tu sĩ của dòng này với các tu sĩ của dòng khác. Đối với một số dòng tu, áo dòng đã là một yếu tố không thể thiếu trong tấm thẻ căn cước của người tu sĩ. Riêng đối với chân phước Rê-gi-nan-đô, chiếc áo dòng là ân huệ của Mẹ Ma-ri-a dành riêng cho ngài một tu sĩ thánh thiện, là phép lạ nhiệm màu của ơn thánh Chúa, là ân phúc thuộc về đoàn sủng của Dòng Giảng Thuyết. Ngày nay, khi nói về chiếc áo Dòng Giảng Thuyết, không ai lại không nhắc đến ơn lạ mà Mẹ Ma-ri-a đã tỏ cho chân phước Rê-gi-nan-đô vào thuở khai nguyên của Dòng.

Chiêm ngắm gương sống của chân phước Rê-gi-nan-đô và phép lạ mà Chúa dành cho ngài. Chúng ta được mời gọi quý trọng và mến yêu chiếc áo mà nhờ lời khấn dòng chúng ta khoác trên mình. Nhờ lời chuyển cầu của Chân Phước Rê-gi-nan-đô, xin Chúa giúp cho mọi tu sĩ mỗi khi mặc tu phục, luôn nhớ đến đặc sủng của dòng mình, để sống xứng đáng và làm rạng danh Chúa qua đặc sủng ấy.

Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã đoái thương mặc lấy thân xác phải chết của chúng con, chúng con nài xin Chúa lấy lòng nhân từ vô biên mà thánh hoá chúng con là những người đã mặc tu phục như dấu chỉ đời sống thanh sạch và thánh thiện. Xin Chúa cho chúng con khi mang áo dòng, chúng con cũng được xứng đáng mặc lấy Chúa Giê-su và biểu lộ Người đang sống trong chúng con. Amen

 

114.864864865135.135135135250