13/01/2022 -

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

2578
Ngày 13/01 Thánh Đa Minh Khảm, Giuse Tả, Luca Thìn

 Ngày 13/01

Thánh Đa Minh Phạm Trọng Khảm  

Quan án (1780 - 1859)

I. Tiểu Sử
 

Người nào trong anh em đạp lên Thánh Giá,
khi quan tha về, tôi sẽ đuổi khỏi làng, chết vô địa táng.

 

Thánh Đaminh Phạm Trọng Khảm sinh năm 1780, tại làng Quần Cống, xã Trà Lũ, tỉnh Nam Định (nay thuộc giáo xứ Quần Cống, Giáo phận Bùi Chu), trong một gia đình đạo đức, khá giả gồm bảy anh chị em, con cụ Phạm Tri Khiêm, một bậc vị vọng danh giá trong làng.

Đến tuổi thành hôn, ngài vâng lời song thân kết hôn với cô Anê Phượng cùng làng, là thiếu nữ đạo hạnh, sống đời gia đình gương mẫu.

Quê hương Quần Cống được vinh dự có “Nhất gia tam Thánh“ (Một gia đình ba vị Thánh): quan án Phạm Trọng Khảm (1780-1859) – cựu chánh tổng Phạm Trọng Tả (1800-1859) và chánh tổng Phạm Trọng Thìn (1820-1859).

Cụ án sát Khảm đã ngoài 80 tuổi, là người uy tín, đức độ, gương mẫu cho người đời. Cụ sống bác ái, nhân hậu, luôn luôn tìm cách chăm sóc mọi người dân trong làng, nhất là người nghèo.

Cụ án sát còn là chánh trương trong xứ đạo, sống có trách nhiệm, gương mẫu, luôn tìm cách giúp đỡ các giáo dân trong xứ đạo về mọi mặt. Cụ đón tiếp, cung cấp chỗ ở cho các vị đạo trưởng, các thầy giảng trong những ngày khó khăn giữa cơn cấm cách bách hại đạo.

Khi quân lính đến bao vây làng Quần Cống, cụ án sát Khảm bình tĩnh, tập họp dân chúng tại đình làng và lớn tiếng khuyên nhủ mọi người bền tâm vững chí với Chúa.

Quan của triều đình ra lệnh đặt một Thánh Giá giữa sân đình, dọa nạt, bắt ép mọi người bước qua Thánh Giá. Khi thấy không một ai lỗi phạm, viên quan tức giận, thét lớn: “Ta sẽ mất hết chức tước bổng lộc, nếu không kết tội được án Khảm và bọn đồng phạm theo tả đạo”.

Năm 1858, tình hình đất nước lâm nguy, liên quân hai nước Pháp và Tây Ban Nha đe dọa tấn công hải cảng Đà Nẵng. Triều đình vua Tự Đức phẫn nộ, hạ lệnh thi hành các chỉ dụ cấm Đạo cách khốc liệt. Cụ án sát Khảm bị bắt giải về công đường Nam Định. Cụ bị nhốt riêng để khỏi gây ảnh hưởng trên các giáo hữu khác. Vị chứng nhân đức tin chịu xử giảo ngày 13-01-1859 tại pháp trường Bảy Mẫu.

Cụ án sát Phạm Trọng Khảm được nâng lên hàng chân phước ngày 29-4-1951 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.

 

Thánh Giuse Phạm Trọng Tả

 Chánh tổng (1800-1859)

I. Tiểu sử

 

Mình quên nợ người, Chúa quên tội mình.
 

Thánh Giuse Phạm Trọng Tả sinh năm 1800 tại làng Quần Cống, xã Trà Lũ, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định (nay thuộc giáo xứ Quần Cống, Giáo phận Bùi Chu). Khi bị bắt ông đã 60 tuổi, là một Kitô hữu đạo đức, một hội viên Huynh đoàn Đa Minh. Vì là cựu chánh tổng nên được gọi là Cai Tả, cùng với ông Án Khảm và ông Cai Thìn là ba vị thánh trong một gia đình tại Quần Cống.

Gia phả con cháu ghi rằng: “Đầy tớ ông rất đông, chưa tết ông đã đi thăm viếng từng nhà và cho tiền mừng rất hậu. Số tiền ấy thường gấp đôi số quà cáp họ biếu ông trong năm. Tiền thóc gia nhân vay mượn ông giảm cho một nửa, nếu túng quá thì cho luôn. Công nợ của dân trong làng cũng châm chước như thế. Khi bà cai lên tiếng cằn nhằn, ông thản nhiên trả lời: Mình quên nợ người Chúa quên tội mình”.

Năm 1858, khi cuộc bách hại gia tăng gay gắt, Đức cha Sampedro - Xuyên ủy thác cho hai ông Cai Tả và Cai Thìn đến xin tổng đốc Nam Định nương tay cho các tín hữu. Nhưng vì xảy ra bạo loạn, nên Tổng Đốc ra lệnh triệt để truy lùng và bắt bớ. Ba ông Án Khảm, Cai Tả, Cai Thìn và một số tín hữu Quần Cống bị bắt và giải về Nam Định.

Sau bốn tháng bị giam cầm và tra tấn, biết tin sẽ bị xử giảo, các vị tỏ vẻ hân hoan và chuẩn bị tâm hồn đón chờ ngày lãnh nhận hồng phúc tử đạo. Đối với các vị, được chết vì danh Đức Kitô là vinh phúc lớn lao.

Ngày 13-01-1859, ba ông Án Khảm, Cai Tả, Cai Thìn cùng với bảy tín hữu khác được đưa ra pháp trường Bảy Mẫu, Nam Định. Trên đường đi và tại pháp trường, các vị cùng nhau đọc kinh và lớn tiếng kêu danh Chúa Giêsu. Quân lính xô các vị té ngửa, trói vào cọc, rồi thi hành án xử giảo. Các tín hữu Quần Cống rước các vị đưa về quê quán và tổ chức an táng trọng thể.

Ông chánh tổng Giuse Phạm Trọng Tả được suy tôn lên bậc chân phước ngày 29-4-1951 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.

 

 Thánh Luca Phạm Trọng Thìn  

Chánh tổng (1820-1859)

I. Tiểu sử

 

Tôi sẵn sàng chấp nhận mọi cực hình, thậm chí cả cái chết đau đớn nhất,
hơn là vi phạm một lỗi dù rất nhỏ trong đạo tôi thờ.

 

Thánh Luca Phạm Trọng Thìn, sinh năm 1820 tại làng Quần Cống, xã Trà Lũ, tỉnh Nam Định (nay thuộc giáo xứ Quần Cống, Giáo  phận Bùi Chu) trong một gia đình khá giả. Cậu được học hành, đỗ đạt và đã giữ chức chánh tổng khi ngoài 30 tuổi.

Do giữ chức chánh tổng, ông Thìn giao thiệp rộng và bê tha trong đời sống gia đình, nguội lạnh việc đạo nghĩa. Nhờ lời nhắn nhủ của thân phụ và cha giải tội, ông thành tâm sám hối, can đảm từ bỏ vợ lẽ, trở lại nếp sống đạo đức, ân cần chăm sóc dưỡng dục con cái và nhiệt thành hoạt động tông đồ trong chức vụ cai tổng. Nhờ vậy, ông có uy tín cao trong các việc làng, việc nước.

Năm 1858, khi quân Pháp và Tây Ban Nha đang đe dọa dân Việt tại Đà Nẵng, vua Tự Đức phẫn nộ ra lệnh cho quan quân triệt để thi hành lệnh cấm đạo. Được Đức cha Sampedro - Xuyên ủy thác, cùng với ông cai Tả, ông cai Thìn trực tiếp đến gặp quan tổng đốc Nam Định để xin nương tay cho người tín hữu và hứa kêu gọi dân chúng trung thành với vua. Tuy nhiên, một tín hữu Cao Xá bất mãn với các quan địa phương đã xách động dân chúng làm loạn. Được tin báo, quan tổng đốc nổi giận ra lệnh bắt hai ông (cai Thìn và cai Tả) và kết tội lừa dối.

Tại công đường, dù nhiều lần bị tra tấn, dụ dỗ bước qua thập tự để được tha, nhưng cùng với thân phụ là Cụ Án Khảm, ông cai Thìn vẫn một lòng trung tín, chấp nhận chịu hành hạ vì trung thành với đức tin. Khi được quan yêu cầu viết những suy nghĩ lên giấy, ông viết: “Tôi sẵn sàng chấp nhận mọi cực hình, thậm chí cả cái chết đau đớn nhất, hơn là vi phạm một lỗi dù rất nhỏ trong đạo tôi thờ”. Trước thái độ cương quyết của ông, các quan thấy không thể thuyết phục ông bỏ đạo nên làm án tử hình gửi về kinh đô Huế.
Chứng nhân đức tin Luca Phạm Trọng Thìn chịu bản án xử giảo ngày 13-01-1859 tại pháp trường Bảy Mẫu, trước sự chứng kiến của vợ và các con. Các tín hữu kính cẩn rước thi hài của ngài về an táng tại nhà thờ Quần Cống.

Ông Chánh tổng Luca Phạm Trọng Thìn được suy tôn lên hàng chân phước ngày 29-4-1951 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.

 

Trích sách "Hạnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam"
Biên soạn: 
Hội đồng Giám mục Việt Nam



II. Cầu nguyện

 

Gia tộc có ba vị anh hùng tử đạo trong một ngày[1]

 

Ngày 19/10/2008 song thân của thánh nữ Thérèse Hài Đồng Giêsu được phong chân phước. Hình ảnh một gia đình thánh giữa một thế giới mà nền tảng đời sống gia đình đang bị băng hoại khiến mỗi người trong chúng ta không khỏi suy nghĩ.

 

Trong phút cầu nguyện này chúng ta dâng lên Chúa những tâm tình cảm mến tri ân và ngập tràn vui mừng tự hào; vì từ trong lòng đất Việt, chúng ta có một mẫu gương gia tộc rất đạo hạnh; trong gia tộc ấy ba người Tử Đạo trong cùng một ngày, ba người được phong Chân Phước trong cùng một ngày, ba người được phong Hiển Thánh cũng trong cùng một ngày. Các vị thánh ấy là: Đa Minh Phạm Trọng Khảm; Giuse Phạm Trọng Tả và  Luca Phạm Trọng Thìn.

 

Ba vị thánh này sống dưới chế độ phong kiến. Đặc điểm chung của chế độ phong kiến là sự phân chia giai cấp, giai cấp thống trị ra sức bóc lột dân nghèo. Gia tộc cụ Đa Minh Phạm Trọng Khảm giàu có nổi bật trong làng Quần Cống, Nam Ðịnh; Cụ Khảm được triều đình cho làm Chánh Án; con trai cụ Khảm là Luca Phạm Viết Thìn (còn gọi là Luca Phạm Trọng Thìn) giữ chức Cai Tổng; người em con của chú là Đa Minh Phạm Trọng Tả cũng là cựu Cai Tổng. Tuy họ thuộc giai cấp trên, giữ những chức vụ quan trọng dưới chế độ phong kiến, nhưng cả ba thành viên trong gia tộc này đều hết lòng bác ái yêu thương dân làng nghèo khổ.

 

Ba vị thánh này đều là Hội Viên Dòng Ba Đa Minh, là những người phục vụ đắc lực trong Giáo xứ. Mọi người đều công nhận ba vị là người đạo đức, giàu lòng bác ái và nhiệt tình trong những trách vụ chung. Nơi Giáo xứ các vị cộng tác đắc lực với cha xứ trong việc điều hành tổ chức. Nơi xóm làng, các cụ là những người đức độ, quan tâm đến nhu cầu của mọi người, sẵn sàng chia sẻ của cải cho người nghèo khó, và khích lệ mọi người can đảm trước những cuộc bách hại. Gia phả con cháu cụ Án Khảm ghi lại rằng: "Gia nhân phải kiếm người nghèo khó vào ăn chung thì cụ mới ăn cơm..."

 

Năm 1858 khởi đầu cho giai đoạn bách hại đạo gay gắt nhất trong lịch sử Giáo Hội Việt Nam. Đức cha Sampedro Xuyên và ba người khác phải ẩn trốn tại gia tộc của cụ Án Khảm, Cai Tả và Cai Thìn. Ngày nọ, quan quân ùa vào làng, họ bắt toàn thể dân làng tập trung lại. Họ cho đặt một Thánh Giá ngay giữa sân, rồi bắt mọi người lần lượt bước qua. Nhưng quan đã thất bại, dù lính có đi tới đi lui đe dọa, toàn thể dân làng không một ai bước qua Thánh Giá. Quan cho lệnh bắt trói cụ Án Khảm, Cai Tả và Cai Thìn là những giới chức lãnh đạo và một số người khác. Tuy nhiên, tất cả những tù nhân của làng Quần Cống hẹn thề với nhau quyết tâm trung thành với đức tin, dù phải hy sinh mạng sống. Sau bốn tháng rưỡi bị giam, một hôm quan báo cho biết là cả ba vị Án Khảm, Cai Tả và Cai Thìn đều bị kết án xử giảo.

 

Sống trong chế độ phong kiến, giữa lúc giai cấp thống trị ra sức bóc lột dân nghèo, giữa lúc vua ra lệnh bắt đạo gắt gao; Các cụ Án Khảm, Cai Thìn và Cai Tả như những nhân chứng sống động. Đối với các ngài, không chỉ cái chết mới là bằng chứng tình yêu, nhưng là cả cuộc sống của các ngài. Các ngài sống như Chúa và cuối cùng, các ngài cũng bị bắt, cũng bị hành hạ khổ nhục, và bị giết như Chúa. Các ngài xứng đáng với lời chúc phúc của Chúa: “Phúc cho những ai bị bách hại vì chính đạo vì nước trời là của họ”.

 

Lạy Chúa Giêsu, không phải ai cũng bị hành hạ và chết treo thập giá như Chúa; không phải ai cũng bị buộc bước qua Thánh Giá như ba vị tử đạo anh dũng cha ông của chúng con. Nhưng tất cả chúng con đều được mời gọi hy sinh hằng ngày, tử đạo hằng giờ: trong công sở, chúng con được mời gọi sống chứng tá; nơi gia đình, chúng con được mời gọi hãm dẹp những lời nói xấu, thể hiện những cử chỉ yêu thương. Xin ban cho chúng con sức mạnh của Chúa, để chúng con can đảm làm chứng cho Chúa mọi nơi mọi lúc.

 


[1] Tiểu sử của ba vị thánh này xin xem “Hạnh tích các Thánh Tử Đạo Việt Nam” của Linh mục Gioakim Nguyễn Đức Việt Châu, SSS, 2005, Louisiana. Hoặc xem tại link:

 http://tinmung.net/CACTHANH/118ThanhTDVN/INDEX.htm.

 

114.864864865135.135135135250