Chân phước Giô-đa-nô Xa-xô-ni-a
B. Jordanus de Saxonia
( -1237)
Lòng yêu mến Mẹ Ma-ri-a
Truyền thống Giáo Hội từ xa xưa đã hát Kinh Lạy Nữ Vương (Salve Regina) sau giờ Kinh Tối để tỏ lòng sùng kính Đức Mẹ. Nhưng kể từ thời cha Giô-đa-nô Sa-xô-ni-a Dòng Thuyết Giáo xuất hiện, thì việc rước và hát kinh này được cử hành long trọng, được truyền bá và phổ biến trong các đan viện và trong toàn Giáo Hội.
Tìm về lịch sử ta biết rằng, chân phước Giô-đa-nô Sa-xô-ni-a chào đời vào khoảng cuối thế kỷ XII tại Bô-tê-ga (Boóc-bê) miền Oét-pha-li-a nước Đức. Chân phước Giô-đa-nô là Bề trên Tổng Quyền thứ nhất kế vị cha thánh Đa Minh, ngài nổi bật về nhiều mặt. Một điều không thể quên đó là ngài đã hưởng được lòng mến Chúa và tôn kính Mẹ Ma-ri-a cách đặc biệt của thánh Tổ Phụ Đa Minh. Ngài luôn hăng say giảng thuyết mà không cảm thấy mệt mỏi. Trong vòng mười lăm năm lãnh đạo Dòng, ngài đã chăm sóc anh em cách hiền hậu, bằng khuyên nhủ, gương sáng, thư từ, và thăm viếng an ủi. Ngài đã dùng đời sống đạo đức cũng như tài lợi khẩu hiếm có để làm cho Dòng được phát triển lạ lùng.
Cha Giô-đa-nô đã từ trần trong một vụ đắm tàu, khi đi kinh lý Tỉnh Dòng Đất Thánh trở về, ngày 13/2/1237. Ngày 10/5/1826 Đức Giáo Hoàng Lê-ô XII đã chuẩn y việc tôn kính ngài như một vị chân phước.
Cuộc đời cha Giô-đa-nô ngời sáng lên vẻ đẹp của một tâm hồn đức hạnh, hiền hậu và giàu lòng nhân ái đối với những người nghèo khổ. Dầu vậy, điểm nổi bật nhất nơi ngài vẫn là lòng sốt mến, kính yêu Đức Trinh Nữ Ma-ri-a. Lòng yêu mến Mẹ đã thúc đẩy cha truyền bá việc hát Kinh Lạy Nữ Vương (Salve Regina) cách trọng thể. Khi làm giám tỉnh Lom-bac-dia, cha đã truyền cho anh em hát Kinh Lạy Nữ Vương (Salve Regina) trọng thể và đi kiệu đến trước bàn thờ Đức Mẹ sau Kinh Tối. Đây là giây phút long trọng nhất trong phụng vụ Dòng Đa Minh.
Lòng kính mến Mẹ vẫn luôn luôn là nhu cầu và khát mong của mỗi cuộc đời dâng hiến. Trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã khẳng định: “Mẹ là Mẹ của tất cả mọi người… Như người mẹ đích thực, Mẹ đi với chúng ta, chiến đấu với chúng ta và luôn giúp chúng ta gần gũi tình thương Chúa”[1]. Hơn nữa Đức Thánh Cha còn kí thác Năm Đời Sống Thánh Hiến cho Đức Ma-ri-a Trinh Nữ mẫu gương tuyệt vời của việc lắng nghe và chiêm niệm, mẫu gương của việc đi theo Chúa Giê-su, yêu mến Thiên Chúa và phục vụ tha nhân. Chẳng thế mà hơn ai hết, những người tu sĩ luôn là những người có lòng sùng kính mến yêu Mẹ cách đặc biệt. Vì khi bước đi trong cuộc đời với những nỗi gian truân, khốn khó, hiểm nguy và khi sống đời tận hiến với những thách đố, đòi hỏi sự từ bỏ cùng với sự tự nguyện hiến dâng, cách nào đó người tu sĩ như đứa con thơ không thể thiếu vắng Mẹ.
Nhìn vào gương sáng của chân phước Giô-đa-nô, mỗi người tu sĩ cũng được nhắc nhở về tâm tình của chúng ta đối với Mẹ Ma-ri-a. Đó là tâm tình của người con luôn biết gắn kết cuộc đời dâng hiến của mình trong bàn tay yêu thương của Mẹ, luôn tựa nương bên Mẹ mỗi khi gặp đau khổ, gian truân, thử thách, lầm lạc. Và luôn hướng nhìn lên Mẹ là mẫu gương của người sẵn sàng thưa xin vâng theo Thánh Ý Chúa, dâng hiến cho Chúa trọn cả xác hồn, ý chí, tự do.
Tâm tình đó sẽ giúp ta luôn nhớ đến Mẹ trong mọi giây phút, mọi hoàn cảnh và mọi biến cố của cuộc đời, mà không rơi vào lầm lạc, tuyệt vọng; nhưng luôn vững tin và cậy trông vào Thiên Chúa Tình Yêu. Bởi vì qua Mẹ, chúng ta đến gần Thiên Chúa hơn, Mẹ chính là chiếc cầu nối ngắn nhất để ta có thể đến được với lòng thương xót của Thiên Chúa.
[1] Tông Huấn Niềm vui Tin Mừng số 286.