Ngày 15/01
S. Petrus Sans
và các bạn Franciscus Serano, Joannes Alcober,
Joachimus Royo et Franciscus Díaz tử đạo
(1680- c.-1747)
Cầu nguyện cho các Kitô hữu bị bách hại
Thời đại nào cũng vậy, những cuộc bách hại do thiếu tự do tôn giáo vẫn luôn diễn ra ở khắp nơi, dưới nhiều hình thức khác nhau. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin lễ thánh Stephano tử đạo trưa ngày 26/12/2014, Đức Thánh Cha Phanxicô cho chúng ta thấy ý nghĩa: qua sự tử đạo, thánh Stephano tôn vinh cuộc giáng lâm của Vua các vua trong trần thế, ngài dâng hiến cho Chúa chính mạng sống của mình, và ngài chỉ cho chúng ta cách sống trọn vẹn mầu nhiệm Nhập Thể.
Trong phút cầu nguyện này, chúng ta chiêm ngắm gương Thánh Phêrô San và các bạn tử đạo ở Trung Quốc. Chúng ta đặc biệt cầu nguyện cho những người đang bị kỳ thị, đang bị bách hại và bị giết vì làm chứng cho Chúa Kitô. Chúng ta cũng hãy cầu nguyện để nhờ sự hy sinh của đông đảo các vị tử đạo mọi thời, tự do tôn giáo được nhìn nhận và bảo đảm một cách cụ thể ở khắp nơi trên thế giới.
Phêrô San sinh ngày 22 tháng 9 năm 1680, ở Catalan, Tây Ban Nha. Năm 17 tuổi, Phêrô San đã tuyên khấn trong tư cách là một thành viên của Dòng Ba Ða Minh. Bảy năm sau, được thụ phong linh mục. Khi trở thành linh mục Phêrô San tình nguyện lên đường đi truyền giáo ở Trung Quốc. Từ năm 1713 đến năm 1715, Cha đã được gửi đến Philippines để học tiếng Trung Quốc, chuẩn bị cho sứ vụ tại đây. Năm 1715 cha Phêrô San đến Trung Quốc cùng với một nhóm tu sĩ khác, bắt đầu một hành trình truyền giáo kéo dài hơn 30 năm.
Khi tới Phúc Kiến, Cha Phêrô San đi lại trong các vùng nông thôn khác nhau để truyền đạo. Ngài thành lập huynh đoàn Dòng Ba Đa Minh và mời gọi hơn 600 quý tộc trí thức địa phương gia nhập đạo Công giáo. Cũng vào thời điểm đó, Cha Phêrô San đã thành lập Hội Kinh Mân Côi tại các địa phương và thuyết phục được người Công Giáo trong khắp vùng đọc và truyền bá Kinh Mân Côi.
Những năm truyền giáo của Đức Cha Phêrô San và các bạn tại Trung Quốc là những năm đạo Công Giáo chịu sự đàn áp khắc nghiệt nhất. Thánh lễ không bao giờ được cử hành cách công khai. Các nhà truyền giáo phải chạy trốn từ làng này sang làng khác, các ngài trú ẩn trong núi để thoát khỏi sự truy đuổi quyết liệt của các quan lại. Các ngài chỉ đi ra giảng đạo vào ban đêm, mặc trang phục khiêm tốn và giản dị để khỏi bị phát hiện. Tuy nhiên, các ngài sống với niềm vui thiêng liêng, dồn toàn tâm toàn lực cho công việc tông đồ của mình để giữ vững ngọn lửa đức tin.
Tháng 1 năm 1728, cha Phêrô San được đặt làm phụ tá Đại Diện Tông Tòa tỉnh Phúc Kiến, và được phong Giám Mục ngày 22 tháng 2 năm 1730. Đức Cha Phêrô San đã bị bắt vào năm 1741, cùng với bốn anh em khác. Các ngài bị tra tấn và bị giam cầm ở Phúc Châu. Cuối cùng, vào ngày 26 tháng 5 năm 1747, Đức Cha Phêrô San đã bị chặt đầu. Bốn anh em khác bị khắc trên khuôn mặt hai chữ "đáng chết", và ngày 28 tháng 10 năm 1748, bốn tù nhân đã bị giết hại.
Đức Giáo Hoàng Benedictô XIV tại cuộc họp công nghị Hồng Y ngày 24 tháng 1 năm 1752, đã đánh giá cao vai trò truyền giáo của các thành viên thuộc huynh đoàn Đa Minh, gồm cha Phêrô San và bốn thành viên khác.
Đức Cha Phêrô San và các bạn tử đạo đã được Đức Giáo Hoàng Lêô XIII phong chân phước vào ngày 14 tháng 5 năm 1893, và được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II phong hiển thánh ngày 01 tháng 10 năm 2000. Các ngài thuộc nhóm 120 vị thánh được gọi chung là "các Thánh Tử Đạo của Trung Quốc".
Cuộc tử đạo của cha Phêrô San và các bạn giúp chúng ta biết chấp nhận thử thách vì đức tin, bạo lực bị tình yêu đánh bại, sự sống chiến thắng sự chết. Con đường phải theo chính là con đường làm chứng cho Chúa Giêsu trong sự khiêm tốn, trong việc phục vụ âm thầm, không sợ đi ngược dòng và trả giá bằng chính mạng sống mình. Tuy không phải mọi người đều được kêu gọi đổ máu như các thánh tử đạo, nhưng mỗi Kitô hữu đều được kêu gọi sống phù hợp với đức tin mình tuyên xưng trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Theo Tin Mừng chắc chắn là con đường khó khăn, nhưng ai trung thành và can đảm bước theo con đường ấy, thì được hồng ân Chúa đã hứa.
Lạy Chúa, xin cho chúng con sức mạnh của Chúa, để chúng con can đảm tử đạo hằng ngày. Và nhờ việc tử đạo hằng ngày của chúng con, xin Chúa chúc lành cho các anh chị em Kitô hữu đang bị bách hại ở khắp các nơi trên thế giới.