Chân phước Ma-ri-a Man-xi-ni
B. Maria Mancini
(1355c-1431)
Khi nhắc đến hôn nhân giữa người nam và người nữ, Kinh Thánh đã khẳng định về sự cần thiết của mối dây yêu thương giữa hai người, bởi “cả hai sẽ nên một xương một thịt”. Tuy nhiên, sự gắn kết có lẽ sẽ nhanh chóng tan mau “khi sự chết làm chúng ta cảm nhận nọc độc của nó”[1]. Cảnh ly biệt đến và sự góa bụa thế chân. Lúc này, chắc chắn con người vẫn còn nhu cầu yêu và được yêu, nhưng yêu như thế nào và yêu bằng cách nào đó lại là những câu hỏi nan giải. Chân phước Ma-ri-a Man-xi-ni của Dòng Đa Minh, đã có một lời giải đáp xinh đẹp. Ta hãy chiêm ngắm để ta nhìn cuộc đời với ánh mắt tin yêu và hy vọng, đồng thời ta cũng cầu xin ngài phù trợ, để cho những ai rơi vào hoàn cảnh tương tự cũng tìm cho mình một lời giải đáp.
Chân phước Ma-ri-a Man-xi-ni sinh trưởng tại vùng Pi-xa nước Ý, vào khoảng năm 1355. Đến tuổi trưởng thành, Ma-ri-a Man-xi-ni kết hôn với một thanh niên khá giả. Tưởng chừng như dòng đời sẽ mãi êm trôi, nhưng sóng gió ập đến, người chồng đột nhiên qua đời. Một thời gian sau, góa phụ trẻ Ma-ri-a Man-xi-ni đi thêm bước nữa. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân này cũng sớm kết thúc, vì người chồng thứ hai cũng chết.
Hạnh phúc chợt đến rồi vụt đi. Hai lần chồng chết đã làm nên nỗi đau vô tận cho chị. Chị Ma-ri-a Man-xi-ni đã đón nhận lời khuyên của thánh Ca-ta-ri-na, quyết tâm hướng lòng lên Thiên Chúa và làm cuộc đổi đời. Chị chuyên chăm luyện tập nhân đức, chay tịnh, cầu nguyện và sám hối. Chị đã phân phát hết của cải cho người nghèo và xin vào đan viện để sống kết hiệp với Chúa cách nhiệm nhặt hơn. Chị đã trở nên gương mẫu thánh thiện cho nhiều người. Chị Ma-ri-a Man-xi-ni qua đời ngày 22/01/1431. Đức giáo hoàng Pi-ô IX đã tôn phong chị lên bậc chân phước ngày 02/8/1855.
Chiêm ngắm cuộc đời chân phước Ma-ri-a Man-xi-ni chúng ta nhận ra rằng: Nghịch cảnh đã không làm cho chị Ma-ri-a Man-xi-ni gục ngã, trái lại chị đã tìm thấy được ý nghĩa đích thực của cuộc sống. Cuộc đời của chị khiến ta nhớ đến những người cùng cảnh ngộ với chị, những người phụ nữ góa bụa. Họ đã từng gánh chịu nỗi đau chia xa người bạn đời. Họ có thể thật khó để đón nhận những mất mát đã xảy ra.
Ta cảm thông. Ta chia sẻ và ta luôn ước mong cho họ tìm được nguồn an ủi và niềm vui trong cuộc sống. Ước gì họ nghe được lời động viên của đức thánh cha Phan-xi-cô trong Tông huấn Niềm vui yêu thương[2]: “Tôi có thể hiểu nỗi buồn sầu của những người mất người mình hết sức yêu thương, người phối ngẫu mà họ đã chia sẻ nhiều điều xiết bao”. Đức thánh cha khuyên nhủ những người ấy rằng: “…Hãy cầu nguyện thành thực và kiên nhẫn, cũng như giải thoát nội tâm, bình an sẽ trở lại… Chẳng ích gì cho ta nếu cứ kéo dài sự đau khổ... Quả là một an ủi cho ta khi biết rằng, những người chết không hoàn toàn qua đi và đức tin bảo đảm với ta rằng Chúa sống lại không bao giờ bỏ rơi ta”.
Vì thế, “Một cách để duy trì hiệp thông với những người thân yêu của ta là cầu nguyện cho họ... Lời cầu nguyện của ta cho họ có khả năng không những giúp họ, mà còn làm cho lời cầu bầu của họ cho ta được hữu hiệu… Tất cả đều là “dây nối kết yêu thương” thực sự.
Những lời khuyên chân thành và thẳng thắn của vị chủ chăn Giáo Hội đã được thực hiện cách trọn vẹn nơi cuộc đời chân phước Ma-ri-a Man-xi-ni và mở đường cho những ai đang lâm cảnh góa bụa. Giây phút này chúng ta cùng dâng lên Chúa những lời nguyện xin tha thiết cho những chị em ấy:
Lạy Chúa, xin dạy con luôn tươi tắn và dịu dàng trước mọi biến cố của cuộc sống, khi con gặp đau khổ vì mất người thân yêu. Xin giúp con quên mình để nghĩ đến hạnh phúc người khác.
Xin dạy con biết tận dụng đau khổ con gặp trên đời, để con thêm mềm mại, chứ không cứng cỏi chua cay. Xin cho con biết nhẫn nại chứ không bực bội khi đau khổ. Ước gì không ai sút kém đi vì chịu ảnh hưởng của con, không ai giảm bớt lòng thanh khiết - chân thật, lòng cao thượng - tử tế, chỉ vì đã là bạn đồng hành của con. Ước chi đời con là cuộc đời siêu nhiên, tràn trề sức mạnh để làm việc thiện, và kiên quyết nhắm tới lý tưởng nên thánh. Amen