17/08/2024 -

Các Thánh Dòng

1195
Ngày 17/8 - Thánh Gia Thịnh

Ngày 17/8

Thánh Gia Thịnh (Gia-xin-tô)

S. Hyacinthus de Polonia

( - 1257)

“Khởi hành, dấn bước, mang lại hoa trái...”

 

Thánh Gia Thịnh sinh vào cuối thế kỷ XII tại Ka-mi-ên, Ba Lan, trong một gia đình quí tộc, chú ruột của ngài là Đức Giám Mục Giáo phận Krakow. Quí danh của ngài là Gia-cô-bê, đến thế kỷ XIV ngài được gọi là Gia-xin-tô (phiên âm Hán Việt là Gia Thịnh).

Khi cùng chú ruột đến Roma, Gia Thịnh được nghe nói nhiều về cha Đa Minh, Gia Thịnh bị thu hút bởi lý tưởng của Dòng mới do cha Đa Minh thành lập. Năm 1220, khi đang là kinh sĩ nhà thờ Cơ-ra-cô-vi-a, Gia Thịnh xin gia nhập vào Dòng của cha Đa Minh tại Rôma.[1] Người đã trở thành một trong những thành viên đầu tiên của Dòng. Cũng trong thời điểm đó, Giám mục Krakow xin cha Đa Minh gởi các tu sĩ tới Ba Lan để thuyết giảng. Cha Đa Minh không có ai để gửi, vì Dòng lúc ấy mới lập, không ai trong các anh em nói được tiếng Ba Lan.

Năm 1221, cha Đa Minh cử tu sĩ Gia Thịnh cùng với tu sĩ Hen-ri-cô Mô-ra-vi-a trở về Ba Lan để lập Tu viện. Đây là một sứ vụ nặng nề: phần phải ra đi thành lập các Tu viện ở Ba Lan, phần phải ra đi truyền giáo cho các dân tộc của các nước láng giềng. Tuy thế, Gia Thịnh đã chu toàn cách xuất sắc cả hai nhiệm vụ. Ngay năm 1222 Gia Thịnh đã thiết lập được Tu viện tại Cơ-ra-cô-vi-a. Năm 1225, Gia Thịnh ra đi và lập Tu viện tại Đăng-tích (thuộc miền Pô-mê-ra-ni-a); rồi tại Si-lê-ni; rồi tiếp tục đi truyền giáo hầu như khắp vùng Bắc Âu.

Gia Thịnh đã trở thành một trong những môn đệ tiên khởi của thánh Đa Minh, ngài là một nhà giảng thuyết xuất sắc và là nhà truyền giáo đại tài. Ngài tìm cách để chứng minh cho người dân Ba Lan thấy những giá trị đích thực của Kitô giáo. Sự thành công của Gia Thịnh làm cho Dòng Đa Minh phát triển mau lẹ ở Ba Lan.

Gia Thịnh qua đời vào ngày 15 tháng 8 năm 1257, ngày lễ Mẹ Lên Trời và được chôn trong nhà thờ Đa Minh ở Krakow. Mọi người bắt đầu tôn kính Gia Thịnh ngay sau khi ngài qua đời năm 1257. Tuy nhiên, quá trình phong thánh cho ngài kéo dài nhiều thế kỷ, ngày 17 tháng 4 năm 1594, Đức Giáo Hoàng Clement VIII đã nâng Gia Thịnh lên hàng hiển thánh. Từ đó thánh Gia Thịnh được coi là vị thánh bảo trợ của Tổng Giáo phận Krakow.

Quả thật, từ thế kỷ thứ XIII thánh Đa Minh đã nhìn thấy một Giáo Hội cần phải “bước ra ngoài”, Giáo Hội cần phải đi ra để đưa những người lạc giáo trở về. Cái nhìn của thánh Đa Minh hệt như lời Đức Thánh Cha Phanxico trong Tông Huấn Niềm vui Tin Mừng: “Giáo Hội “bước ra ngoài” là cộng đoàn các môn đệ truyền giáo, xuất phát, dấn thân, đồng hành, mang lại hoa trái và ăn mừng” (EV 24). Tám thế kỷ qua, điểm xuất phát của Dòng Đa Minh và nhiệt huyết cháy bỏng của thánh Gia Thịnh cũng như các môn đệ tiên khởi vẫn không hề xưa cũ. Đó là điều khích lệ và cũng là điều nhắc nhở mọi người chúng ta về tinh thần này.

Bước chân truyền giáo và cuộc đời thánh Gia Thịnh được đan xen với nhiều truyền thuyết thi vị thể hiện lòng yêu mến Chúa và cách riêng yêu mến Mẹ Maria. Chuyện kể lại một ngày nọ, khi đi giảng thuyết tại Ruthenia, Gia Thịnh vừa cử hành Thánh Lễ tại nhà thờ ở Kiev xong. Người ta báo với ngài rằng quân phản loạn Tartar đã xâm chiếm thị trấn, cướp nhà và giết người dân. Họ khuyên cha hãy mau lấy Mình Thánh trong nhà Tạm và chạy trốn. Đang khi có ý định như thế, đột nhiên lúc đó Gia Thịnh nghe thấy một giọng nói nhỏ nhẹ: Giaxinto, tại sao lại để ta lại ở đây. Và rồi, Đức Mẹ đã làm phép lạ cho bức tượng của Mẹ trở nên rất nhẹ để Gia Thịnh có thể đưa Mẹ rời thành phố cách an toàn cùng với Mình Thánh Chúa. Khi đến bến sông, Mẹ đã lấy áo choàng trải lên mặt nước để đưa Mình Thánh Chúa và Gia Thịnh qua sông ráo chân về Krakow an bình.

Lạy Chúa, trong ân sủng Chúa

xin cho con nhận ra rằng:

Việc tạo dựng của Chúa,

kêu gọi con biết chăm lo cho tha nhân.

Đời sống quên mình của Chúa,

dạy bảo con biết sống cho người khác.

Tình yêu bao la của Chúa

thúc bách con biết chia sẻ cho người nghèo.

Lạy Chúa, chính nhờ Chúa con được chấp nhận,

và qua dân Chúa con được kêu gọi phục vụ.

Giờ đây, con xin Chúa dẫn dắt con,

xin dùng miệng lưỡi con để giảng Lời Chúa.

Xin cho con biết từ bỏ chính bản thân con,

để Chúa sử dụng con theo Thánh Ý Chúa.

 

 

[1] Trích từ tác phẩm “Đám mây nhân chứng” (1998) của các anh em dòng Đa Minh.
 

 

114.864864865135.135135135250