Ngày 18/8 (N)
Chân phước Ma-nê
B. Mannes, frater S.P. Dominici
(khoảng 1155 - 1235)
Đức khiêm nhường tuyệt hảo
Chân phước Ma-nê là anh ruột của thánh Đa Minh. Một vài tài liệu cho rằng lúc cha Ma-nê được 15 tuổi, khi ấy thánh Đa Minh mới chào đời. Tuy vậy, khi cha Đa Minh lập Dòng Giảng Thuyết để kêu gọi người lạc giáo trở về, cha Ma-nê đã xin gia nhập Dòng. Ngay từ khi thành lập Dòng và có thể sớm hơn nữa, cha Ma-nê đã được thánh Đa Minh hướng dẫn. Các sử gia ghi lại rằng: cha Ma-nê đã là một trong số 16 môn đệ đầu tiên của thánh Đa Minh. Chi tiết này làm cho chúng ta thấy được một sự khiêm tốn tuyệt vời của cha Ma-nê. Tuy làm anh ruột của cha Đa Minh, nhưng nhận thấy ân sủng mà Chúa dành cho Giáo Hội qua bàn tay cha Đa Minh, cha Ma-nê đã hết lòng khiêm tốn cộng tác bằng việc trở nên môn đệ phục vụ trong Dòng do em thành lập.
Ngày 15/8/2017 khi cha Đa Minh sai 16 anh em đầu tiên của Dòng ra đi rao giảng Tin Mừng, cha Đa Minh đã cử cha Ma-nê cùng với tu sĩ Mát-thêu Phơ-ran-xơ và 5 anh em khác, đến Pa-ri để xây dựng Tu viện thánh Gia-cô-bê rồi đi rao giảng khắp miền Nam nước Pháp. Một lần nữa cha Ma-nê khiêm tốn mau lẹ vâng lời cha Đa Minh trong tư cách là Bề Trên của mình.
Từ năm 1219, vâng lời cha Đa Minh, cha Ma-nê đến Ma-rít để điều hành một tu viện vừa mới được xây dựng cho các nữ tu ở Tây Ban Nha, nơi đây cha đảm nhận trách vụ là tuyên úy trong khoảng một thập kỷ. Ít lâu sau, cha Đa Minh viết thư cho các nữ tu này; đây cũng là lá thư duy nhất còn được lưu giữ có nội dung như sau: “Chúng ta được hưởng nhờ đức độ từ người anh rất thân mến của chúng ta, người đã chịu hiến mình vì tội lỗi để các chị đạt tới sự thánh thiện, người đã tổ chức và xếp đặt mọi điều hữu ích để các chị cư xử với nhau thánh thiện và đạo đức…”
Năm 1234 khi nghe tin cha Đa Minh được phong thánh, người ta đã nói rằng cha Ma-nê đã đi đến Ca-lê-ru-ê-ga nơi sinh của cha Đa Minh và sống những năm cuối đời tại đó, cha khuyến khích người dân ở đây xây dựng một nhà nguyện để kính nhớ thánh Đa Minh. Một lần nữa cha Ma-nê cho thấy sự khiêm nhường đáng phục của ngài.
Đọc tiểu sử của chân phước Ma-nê chúng ta thấy được nơi ngài một trái tim thực sự khiêm tốn. Một tâm hồn khiêm tốn thật không tìm vinh danh cho mình, nhưng tìm vinh quang Thiên Chúa; một tâm hồn khiêm tốn luôn biết nhìn nhận khả năng và ân sủng của người khác cho dù người ấy có thể có vị thế nhỏ hơn mình; một tâm hồn hiêm nhường thật tìm thấy Thánh Ý Chúa cho cuộc đời mình qua những lệnh truyền của Bề Trên, của những người có trách nhiệm trên mình; tâm hồn khiêm nhường thật chấp nhận trở nên nhỏ bé, sống bình thường với khát vọng phi thường, dấn thân, phó thác cho quyền năng vô biên của Thiên Chúa. Đó là tất cả những gì người ta có thể nói về chân phước Ma-nê.
Khiêm nhường là nền tảng các nhân đức, chân phước Ma-nê vì có khiêm nhường nên nơi người hội tụ các nhân đức. Sử gia Giê-ra Phơ-ra-xê cho biết: “Chân phước Ma-nê là một nhà chiêm niệm thánh thiện, đã dành trọn cả cuộc đời để phụng sự Thiên Chúa trong nội thất tu viện”. Sử gia Cô-ri-ghê Xê-ra-tô là người đã từng sống tại một thung lũng gần Ca-lê-ru-ê-ga và quen thân với gia đình cha Ma-nê đã viết về cha Ma-nê như sau: “Tu sĩ Ma-nê là một nhà giảng thuyết nhiệt tình, đức độ, lịch thiệp, khiêm nhường, vui tươi và giàu lòng nhân ái...”
Hoa trái tốt lành của Giáo Hội sẽ không bao giờ bị rơi vao quên lãng, vì thế 6 thế kỉ sau khi cha Ma-nê qua đời, Đức Thánh Cha Giê-gô-ri-ô XVI đã công nhận ngày lễ kính và tôn phong người lên bậc chân phước năm 1833.
Lạy Chúa, Chúa đã muốn chân phước Ma-nê cộng tác với em là thánh Đa Minh trong sứ vụ giảng thuyết. Xin cho chúng con học theo gương ngài, biết khiêm nhường cộng tác với mọi người trong những đòi hỏi của Chúa cho cuộc đời chúng con. Xin cho chúng con luôn nhìn ra Thánh Ý Chúa trong đời sống thường ngày của con có thể qua những người nhỏ bé hơn con. Amen