19/04/2024 -

Các Thánh Dòng

1173
Ngày 19/4 Chân phước Xi-bin-li-na Bít-cốt-xi

Ngày 19/4

Chân phước Xi-bin-li-na Bít-cốt-xi

B. Sibillina Biscossi

(1287-1367)

Cầu nguyện cho những trẻ em mồ côi, cơ nhỡ

 

Đến như tội của hai ông bà nguyên tổ mà còn được gọi là “Tội hồng phúc” vì từ đó ơn cứu độ đã được đem đến cho nhân loại, thì cuộc đời của những người gặp khó khăn đau khổ lại chẳng phải vẫn có thể xoay chiều để tạo ra hạnh phúc, an vui giữa những bất hạnh ấy hay sao? Để có thể cảm nghiệm được điều này, chúng ta cùng chiêm ngắm cuộc đời của chân phước Xi-bin-li-na Bít-cốt-xi, từ đó chúng ta giải mã được những đau khổ của cuộc đời chúng ta và sẵn sàng nâng đỡ những ai bất hạnh khổ đau.

Xuất thân trong một gia đình đạo đức ở Pa-vi-a, nước Ý, năm 1287, chị Xi-bin-li-na như có một xuất phát điểm rất tốt đẹp và thuận lợi. Vậy mà, nỗi bất hạnh tột cùng lại ập xuống trên chị… Cha mẹ chị đều qua đời, chị trở thành đứa trẻ mồ côi năm 12 tuổi; chưa hết, chị còn bị mù luôn hai con mắt. Bất hạnh chồng chất bất hạnh, đau khổ bao trùm đau khổ. Những điều ấy tưởng chừng như đè nặng trên đôi vai bé nhỏ của chị khiến nó oằn xuống và làm chị ngã quỵ. Nhưng, Thiên Chúa yêu thương đã xoa dịu nỗi đau của chị, Ngài đã phủ bóng trên cuộc đời chị, Ngài yêu thương và chăm sóc chị qua bàn tay của các chị em Hãm mình dòng ba Đa Minh.

Ân phúc đã đến trong đời, hạt mầm nhân đức nơi chị Xi-bin-li-na lớn dần lên từ mảnh đất tai ương. Nỗi bất hạnh của một tâm hồn đau khổ nay được chăm sóc vun tưới đã trổ sinh hoa trái tốt lành là đời sống cầu nguyện, mến yêu con người, lòng sùng kính Chúa Giê-su chịu đóng đinh và kính thờ Chúa Thánh Thần.

Chiêm ngắm chân phước Xi-bin-li-na, chúng ta như nhìn thấy rõ những kiếp người, nhất là trẻ em lang thang cơ nhỡ trong xã hội. Chúng ta hãy trăn trở và tự hỏi có biết bao nhiêu trẻ em cơ nhỡ không tìm được chốn nương nhờ; có ai sẵn sàng dang rộng vòng tay, mở rộng tấm lòng để đón nhận và nuôi dưỡng các em không? Như chân phước Xi-bin-li-na đã nhận được sự quan tâm chăm sóc, thì ước gì trẻ em cơ nhỡ cũng được như vậy. Chớ gì đức bác ái được thực thi, để những câu chuyện cổ tích có thật sẽ xuất hiện giữa đời và trẻ em cơ nhỡ không phải sống trong cảnh “gầm cầu là nhà, phố chợ là trường”.

Chiêm ngắm cuộc đời chân phước Xi-bin-li-na, chúng ta được đánh thức để không ngủ yên trước nỗi đau và nghịch cảnh của người khác. Thật vậy, xã hội ngày nay vẫn còn đó rất nhiều trẻ em lang thang cơ nhỡ, đôi khi các em còn bị gọi cách lạnh lùng là “trẻ bụi đời”. Tìm hiểu mỗi mảnh đời, chúng ta lại có những nguyên do khác nhau để giải thích. Lang thang, cơ nhỡ có thể do bản thân các em không được giáo dục tốt, có thể do gia đình, có thể do bạn bè dụ dỗ, có thể do bị bỏ rơi - hắt hủi, hoặc cũng có thể do hoàn cảnh sống giống như chân phước Xi-bin-li-na. Nhưng, dù với bất cứ lý do nào, các em cũng cần được dưỡng dục, yêu thương để phát triển về thể chất lẫn tinh thần.

Đã có những mái ấm, những nhà mở, những trung tâm được hình thành; đã có những người tình nguyện tham gia và chung tay mang lại những điều tốt đẹp; nhưng thiết nghĩ, đây mới chỉ là bước khởi đầu và cần bước tiến lâu dài của lòng nhân ái.

Chiêm ngắm chân phước Xi-bin-li-na, một cuộc đời bất hạnh nhưng vẫn không ngừng yêu thương những người bất hạnh. Bạn, tôi, chúng ta và hết những ai đang làm việc bác ái xã hội được mời gọi để đến với trẻ em cơ nhỡ. Nguyện cho tất cả mọi người giữ mãi ngọn lửa nhiệt thành và quảng đại. Với những giới hạn của kiếp người, chúng ta cần có niềm cậy trông vào Chúa để vượt qua sự mệt mỏi vì những đứa trẻ hiếu động, nghịch ngợm, để giảm bớt chán nản vì tiếng khóc, tiếng la hét của trẻ con,… để thấy vui khi chăm sóc những trẻ em cơ nhỡ.

Lạy Chúa, ở những góc tối của cuộc đời, vẫn còn đó những trẻ em cơ nhỡ không ai chăm sóc và yêu thương, vẫn còn đó những trẻ em nghèo khó không có cơm ăn áo mặc, không nơi nương ẩn, không được đến trường. Xin Chúa cho có nhiều nhà hảo tâm biết mở rộng lòng yêu thương các em. Xin cho chúng con là những cánh tay nối dài của Chúa, đem yêu thương đến cho các em luôn mãi… Amen

114.864864865135.135135135250