Ngày 20/9
Chân Phước Phan-xi-cô Pô-xa-đát
B. Franciscus de Posadas
(1644 - 1713)
Cầu nguyện cho người li dị tái hôn
Chân Phước Phan-xi-cô Pô-xa-đát
B. Franciscus de Posadas
(1644 - 1713)
Cầu nguyện cho người li dị tái hôn
Mái ấm gia đình với sự yêu thương của mẹ cha vốn là miền đất tốt để ươm mầm cho hạt giống nhân đức của mỗi người con. Tuy nhiên, khi hôn nhân của cha mẹ kết thúc vì sự chia lìa bởi cái chết, vì sự chia xa bởi những bất hòa - khó khăn - hiểu lầm, rồi cha hoặc mẹ “bước thêm bước nữa”, thì các cuộc hôn nhân ấy sẽ không ngừng tác động và tạo nên giông bão phá vỡ sự bình yên ban đầu ảnh hưởng rất nhiều đến gia đình và con cái.
Thế nhưng, từ mảnh đất khô cằn và đầy tai ương, vẫn có thể có rất nhiều mầm non vươn lên thành những cây cao lớn tỏa bóng mát cho đời, trong sự quan phòng yêu thương của Chúa. Cuộc đời chân phước Phan-xi-cô Pô-xa-đát, dù phải gánh chịu những khắt khe của người cha kế, nhưng ngài vẫn làm nổi bật lên bao giá trị đáng trân quý. Trong phút cầu nguyện này, cùng với chân phước Phan-xi-cô Pô-xa-đát, ta hãy hướng đến các gia đình li dị tái hôn và cầu nguyện cho những người con trong các gia đình ấy.
Cậu Phan-xi-cô Pô-xa-đát sinh vào năm 1644 tại Co-đua trong một gia đình không mấy danh giá. Nhờ sự giúp đỡ của các tu sĩ, Phan-xi-cô Pô-xa-đát được làm quen với việc học. Cuộc đời cậu rẽ sang một bước ngoặt mới khi mẹ cậu tái giá. Các tài liệu liên quan không cho biết nguyên do cuộc hôn nhân lần thứ hai này, nhưng ta được biết kết quả bước đầu là việc học của Phan-xi-cô bị người cha kế làm gián đoạn. Ông bắt cậu đi làm thuê cho một ông chủ khó tính thay vì đi học. Vốn hiền lành và có tấm lòng với mọi người, nhất là với các tù nhân, bệnh nhân, người nghèo khó… Qua việc sẻ chia phần lương thực cho họ, Phan-xi-cô khiến ông chủ quý mến và cho cậu tiếp tục việc học.
Thiếu vắng tình thương từ người cha kế, nhưng cậu lại dạt dào yêu thương dành cho mọi người. Tiến xa hơn, Phan-xi-cô mong muốn được dấn thân và kết hiệp với Chúa qua ơn gọi dâng hiến. Gặp cản trở trong lần đầu xin vào tu viện Đa Minh ở Co-đua chỉ vì lý lịch gia đình, nhưng ít lâu sau, cậu đã được nhận vào tu viện Ca-la-cơ-li gần đó. Trong sự vui mừng, cậu chuyên chăm học hành, mở rộng kiến thức và trở thành một linh mục đạo đức, tài giỏi với khả năng hùng biện. Đồng thời, nhờ khiêm nhường và nhân đức, cha Phan-xi-cô Pô-xa-đát vui sống với thái độ hòa nhã, an bình trước mọi biến cố hay những lời châm chọc, chỉ trích hoặc bị từ chối trao những trách vụ quan trọng vì nguồn gốc xuất thân của cha.
Cha qua đời ở tuổi 69 (ngày 20/9/1713) và 100 năm sau (1818), đức giáo hoàng Piô VIII đã tôn cha lên hàng chân phước.
Trước thực trang Giáo hội và xã hội hôm nay đầy dẫy những gia đình li dị, tái hôn. Đức thánh cha Phan-xi-cô đã nói: “Những người li dị tái hôn phải tự hỏi xem mình đã cư xử thế nào đối với con cái khi hôn nhân của mình bị khủng hoảng? Có những cố gắng giải hòa hay không?... Đâu là hậu quả của quan hệ mới đối với phần còn lại của gia đình và cộng đồng các tín hữu? Đâu là tấm gương mà họ mang lại cho những người trẻ đang chuẩn bị kết hôn?”[1]
Giờ đây, nhờ lời chuyển cầu của chân phước Phan-xi-cô Pô-xa-đát xin các gia đình đang khủng hoảng trong hôn nhân, cùng hiệp dâng lên Chúa lời cầu nguyện:
Lạy Chúa, con đã trải qua một cuộc hôn nhân, giờ đây con đã chọn một cuộc hôn nhân mới, và con đang có một gia đình mới. Nguyện Chúa thương nâng đỡ gia đình con, để con chu toàn tốt trách nhiệm làm chồng - làm vợ, làm cha - làm mẹ. Xin đừng để con sống bất công hoặc phân biệt đối xử giữa con chung và con riêng, nhưng xin giúp con biết dạy dỗ chúng, ngày một trưởng thành về nhân đức và nhân cách.
Với lòng thương xót của Chúa, con ước mong nhìn thấy điểm tựa và ánh sáng cho niềm tin qua lời của vị cha chung rằng: “Những người li dị tái hôn không nên cảm thấy mình bị tuyệt thông, nhưng còn có thể sống và trưởng thành như những chi thể sinh động của Giáo hội, cảm thấy Giáo hội như một người Mẹ đón nhận, chăm sóc với tình yêu thương và khích lệ mình trong hành trình đời sống và Tin Mừng…”[2]
[1] Phúc trình chung kết Thượng Hội Đồng Giám mục về gia đình, số 85.
[2] Phúc trình chung kết Thượng Hội Đồng Giám mục về gia đình, số 84.