21/01/2022 -

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

1614
Ngày 22/01 Thánh Mattheu Đậu và Thánh Phanxico Tế

Ngày 22/01

Thánh Matthêu Ðậu

(MATTEO  ALONSO LECINIANA - ĐẬU)

Linh mục (1702-1745)

I. Tiểu sử
 

Tôi có nhiệm vụ giảng dạy lề luật của Thiên Chúa,
là lề luật thánh thiện và chân chính.

 

Thánh Alonso Leciniana sinh ngày 26-10-1702 tại Tây Ban Nha. Ngài gia nhập dòng Đa Minh và tuyên khấn trọng thể năm 1723. Ngài thụ phong linh mục vào năm 25 tuổi (1727). Tháng 11 năm 1730, hai mươi lăm giáo sĩ trẻ dòng Đa Minh cập bến cảng Manila, trong số này có linh mục Alonso Leciniana được bổ nhiệm đến truyền giáo tại Giáo phận Đông Đàng Ngoài.

Cha học tiếng Việt và nhận tên Việt là Đậu. Vì nhân sự quá ít mà giáo phận lại rộng lớn, cha đã phải di chuyển mục vụ nhiều tại các huyện như Kim Động, Tiên Lữ, Thần Khê (Hưng Yên), Vũ Tiên (Thái Bình)...

Khi cha đang trú trong nhà ông trùm Độ thì có một tín hữu bỏ đạo đi báo quan. Ngày 29-11-1743, quân lính đến bao vây trong lúc cha đang dâng Thánh lễ tại Lục Thủy. Cha ôm Mình Thánh Chúa bỏ chạy nhưng bị bắt lại và bị đánh.

Nơi công đường, trước câu hỏi thẩm cung của quan án sát, cha Đậu khoan thai trả lời:“Tôi có nhiệm vụ giảng dạy lề luật của Thiên Chúa, là lề luật thánh thiện và chân chính... Tôi giảng lề luật của Chúa ngự trên trời, khuyên bảo người dân ăn ngay ở lành, tập luyện nhân đức và xa lánh con đường bất chính”.

Nhờ sự can thiệp của một viên quan có thiện cảm, cha được dời sang ngục Đông để giam chung phòng với cha Gil de Federich - Tế. Hai cha có nhiều cơ hội khuyên nhủ nhau chịu khó, nhất là được xưng tội và hiệp dâng Thánh lễ. Riêng năm 1744, cha Đậu đã ban Bí tích Thánh tẩy cho 33 tân tòng, giải tội 620 lần.

Ngày 22-01-1745, vị chứng nhân đức tin bị xử trảm tại pháp trường Đông Mơ, dưới thời Chúa Trịnh Doanh. Thi hài vị tôi trung đức tin được an táng tại Chủng viện Lục Thủy.

Linh mục Alonso Leciniana Ðậu được nâng lên bậc chân phước ngày 20-5-1906 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.

 

Thánh Phanxicô Tế

(FRANCESCO GIL FEDERICH - TẾ)

Linh mục dòng Đa Minh (1702-1745)

I. Tiểu sử
 

Các ông tìm ai ? Tôi là đạo trưởng mà các ông đang tìm bắt.
 

Thánh Francesco Gil Federich chào đời ngày 14-12-1702 tại Tortosa, nước Tây Ban Nha. Năm 16 tuổi, cậu dâng mình vào nhà Chúa, tuyên khấn dòng Thánh Đa Minh và thụ phong linh mục ngày 29-3-1727. Sau đó cha Federich đến Manila năm 1733, gia nhập Tỉnh dòng Rất Thánh Mân Côi, tỉnh dòng đặc trách công việc truyền giáo các dân tộc Viễn Đông.

Cảm mến tài đức của cha Federich, Cha giám tỉnh Diego Saeng chọn ngài làm thư ký tỉnh dòng trong hai năm 1733-1735, nhưng tâm hồn cha vẫn hướng về cánh đồng truyền giáo. Cha Federich - Tế xuống thuyền, vượt biển, đặt chân đến Đàng Ngoài mùa thu năm 1735, rao giảng Tin Mừng ở các xứ đạo Trực Ninh (Nam Định), Vũ Tiên (Thái Bình), Kẻ Mèn Bắc Trạch và  Lục Thủy.

Khi hay biết xứ đạo đã bị quan quân bao vây, lo sợ giáo hữu bị liên lụy, cha Tế tự ý trình diện nộp mình sau khi dâng thánh lễ vào ngày 03-6-1837 và bị bắt ngay trong nhà thờ Lục Thủy. Nguyên nhân là do có người tố cáo, người này từ lâu đã có ác cảm với đạo.
Giáo hữu quyên góp tiền bạc đến nhà người này xin chuộc mạng, nhưng ông đòi nhiều tiền hơn nên không chịu tha và cầm giữ cha Tế trong nhà hơn mười ngày. Tình thế giằng co, giáo hữu chạy lên quan trấn điều đình sự việc. Quan hạ lệnh bắt cha Tế và cả người tố cáo, nhưng người này đã nhanh chân chạy thoát lên Thăng Long, tố cáo ở phủ Chúa sự kiện quan trấn Sơn Nam ăn hối lộ, dung túng làng đạo Lục Thủy chứa chấp tây dương đạo trưởng. Chuyện bại lộ, quan trấn đành phải áp giải cha Federich - Tế về Thăng Long. Trong tù, cha Tế bị sốt rét nặng, vết thương do tra tấn ở hai chân khiến cha đau đớn.

Trong một phiên tòa, người tố cáo xin đạp ảnh thập tự để thanh minh mình không a tòng với dân đạo. Các quan án cũng ép buộc giáo sĩ Federich - Tế đạp ảnh thánh, không những cha từ khước hành vi phạm thánh, lại còn quỳ xuống cung kính hôn Thánh Giá. Ngày 10-7-1738, các quan kết án trảm quyết cha Federich - Tế về tội truyền bá “tà đạo”.

Nhiều biến cố chính trị đương thời xảy ra, quan triều bận rộn, bản án tử hình giáo sĩ Federich - Tế bị quên lãng. Các quan cho phép cha đi thăm viếng giáo hữu ngoài phố chợ và vùng kinh đô. Giám mục Giáo phận Tây Đàng Ngoài, muốn đề cử giáo sĩ Federich - Tế làm Chính xứ Kẻ Chợ (Hà Nội), nhưng ngài khiêm nhượng từ chối. Trong năm 1741, giáo hữu được tự do ra vào thăm viếng, giáo sĩ Federich - Tế ngồi tòa giải tội 2767 lượt, rửa tội 44 người lớn, 41 trẻ em và xức dầu thánh cho 88 bệnh nhân nguy tử.

Bảy năm sau, ngày 22-01-1745, cha Tế lãnh bản án xử trảm tại đất Thăng Long dưới thời Chúa Trịnh Doanh. Thi hài vị anh hùng tử đạo được long trọng rước về Nhà chung Lục Thủy.

Linh mục thừa sai Francesco Gil Federich Tế được tôn phong chân phước ngày 20-5-1906 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.

 

Trích sách "Hạnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam"
Biên soạn: 
Hội đồng Giám mục Việt Nam


II. Cầu nguyện

Cặp đôi “hoàn cảnh”[1]

 

Trong danh sách Các Thánh Dòng Đa Minh, tên của thánh Matthaeus Alonso Leciniana và thánh Franciscus Gil de Federich được xếp vào một mục[2]. Trong danh sách Các Thánh Tử Đạo tại Việt Nam[3] hai vị thánh này được mừng kính trong ngày 22 tháng 01 hàng năm. Đây là hai vị thánh tử đạo đầu tiên, đứng đầu danh sách 117 Thánh Tử Ðạo Việt Nam. Cha Matthaeus Alonso Leciniana có tên Việt Nam là Matthêu Đậu; Cha Franciscus Gil de Federich có tên Việt Nam là Phanxico Tế.

Nếu dùng từ ngữ theo kiểu của “tuổi tin” ngày nay, thì chúng ta có thể gọi hai vị thánh này là “cặp đôi hoàn cảnh”; vì dường như hai vị thánh này có nhiều điểm tương đồng về hoàn cảnh sống và hoàn cảnh sứ vụ trong đời dâng hiến. Cùng sinh năm 1702, cùng vào Dòng Đa Minh lúc 15 tuổi, cùng quốc tịch Tây Ban Nha, cùng làm linh mục Dòng Giảng Thuyết lúc tuổi đôi mươi, cùng được sai đi truyền giáo tại Việt Nam, cùng được hưởng phúc tử đạo trong ngày 22/01/1745, cùng được phong chân phước ngày 15/04/1906 do Đức Thánh Cha Piô X và cùng được Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II nâng lên hàng hiển thánh ngày 19/6/1988, cùng được mừng kính vào ngày 22/01 hàng năm.

Năm 1729, tỉnh dòng Đa Minh tại Philippines tuyển mộ các vị thừa sai để đi truyền giáo tại Việt Nam và Trung Hoa. Cha Matthaeus Alonso Leciniana xin ghi tên, nhưng sau lại rút lui. Một cơn bệnh ập đến làm cho ngài phải suy nghĩ nhiều đến việc đã từ chối đi truyền giáo. Dịp may lại đến để cha có thể chuộc lại lỗi xưa, ngày 04/7/1729 cha được nhập đoàn với hai thầy khác và 27 vị thừa sai đi Philippines. Ngày 18/01/1732 cha tới miền Bắc Việt.

Khác với Cha Matthaeus Leciniana, hai năm trước khi làm linh mục tức năm 1725, Cha Franciscus Federich đã ghi tên xin đi Philippines để đi truyền giáo, nhưng bề trên không chấp nhận. Năm 1729, Cha Franciscus Federich lại xin một lần nữa, cuối cùng ý nguyện của cha được bề trên chấp thuận. Cha cùng với 24 người khác tới Manilla tháng 11/1730. Cha được bề trên Manilla gửi tới miền Bắc Việt, ngày 28/8/1735.

Sự khác biệt đôi chút trong bước đầu hành trình truyền giáo của hai vị thánh này cho chúng ta thật nhiều suy nghĩ. Có những môi trường chúng ta khát khao được đến để được thực hiện những lý tưởng; chúng ta sốt mến chờ đợi, khi dịp thuận tiện đến chúng ta ngập tràn niềm vui như tâm trạng của Cha Franciscus Federich. Có những môi trường mà trong một lúc nào đó chúng ta cảm thấy ngại ngần, lo sợ và muốn tránh né, không dám dấn thân tiến bước; nhưng rồi Thiên Chúa lại muốn dẫn ta đi, Ngài đưa ta đến đó và làm cho tâm hồn chúng ta ngập tràn bình an vui sướng như khởi đầu hành trình truyền giáo của Cha Matthaeus Leciniana. Trong cuộc sống, nhiều lúc ý ta trùng ý Chúa, con đường ta chọn trùng khớp với con đường Chúa muốn ta đi, ta ngập tràn hân hoan vui sướng. Nhưng cũng trong cuộc sống ấy, nhiều lúc ý của ta chưa phải là ý Chúa, con đường Chúa muốn ta đi chẳng giống con đường ta mơ tưởng, lòng ta buồn rầu ảo não héo hon. Làm sao để tìm thấy niềm vui, làm sao để có thể tin là Chúa luôn đồng hành, làm sao để biết đó là ý Chúa.???

Mẫu gương của thánh Matthaeus Leciniana và thánh Franciscus Federich trong sự vâng phục ý Chúa, giống hệt cuộc đời Chúa Giêsu. Những ngày tháng dịch bệnh hoành hành dân Việt hai cha không quản ngại khó khăn, lây nhiễm, đến giúp đỡ người bệnh. Những người bê tha tội lỗi tật bệnh thiêng liêng, hai cha tìm cách đưa về với Chúa. Những ngày bị bắt, cha bị dắt đi trong thành phố như những tên tội phạm cho dân chúng chế diễu. Trong cuộc lùng bắt hành hình, cha Federich cũng hỏi lại quân lính câu hỏi của Chúa Giêsu: "Các ông tìm ai ? Chính tôi đây là người các ông muốn."  Trong lần gặp gỡ cuối cùng với giáo dân cha khuyên nhủ: "Anh chị em quí mến, cũng như Chúa Kitô trong bữa tiệc ly, tôi muốn khuyên anh chị em theo lời của Chúa, anh chị em hãy yêu thương nhau như ruột thịt, hãy vững mạnh trong đức tin..." Trong ngày xử án, hai tên lính cầm gươm đồng loạt chém đầu hai vị, các ngài cũng được diễm phúc chết vào ngày thứ Sáu như Chúa.

Lạy Chúa, trong cuộc sống hằng ngày, việc nhìn ra ý Chúa đã là khó, nhưng việc thực thi ý Chúa lại càng khó hơn. Xin Chúa ban sức mạnh cho con, để con vui sướng đi theo Chúa, để con vui sướng nói về thánh ý Chúa tỏ rạng trong cuộc đời con cho mọi người. Amen

 [1] Từ ngữ “cặp đôi hoàn cảnh” nhại lại từ ngữ của chương trình “cặp đôi hoàn hảo” trên đài truyền hình. Cặp đôi hoàn hảo có những nét tương đồng gắn kết với nhau cách hoàn hảo, đi qua từng chặng của cuộc thi cho đến khi vào chung kết. “Cặp đôi hoàn cảnh” là từ “tuổi tin” (tuổi từ 13 đến 19 = xteen của tiếng Anh) gắn cho những cặp đôi không có cùng chọn lựa nhưng chỉ vì hoàn cảnh mà trở thành cặp đôi, không phải trong các cuộc thi mà là trong bối cảnh nào đó của cuộc sống... Từ ngữ này mang tính “hài hước”. Trong bài này, từ ngữ “cặp đôi hoàn cảnh” được sử dụng vừa có tính hài, vừa có dụng ý nói về hai người cùng hoàn cảnh.

[2] Dựa theo Catalogus hagiographicus Ordinis Praedicatorum (Santa Sabina, Roma 2001)

  [3]Tiểu sử của hai vị thánh này xin xem “Hạnh tích các Thánh Tử Đạo Việt Nam” của Linh mục Gioakim Nguyễn Đức Việt Châu, SSS, 2005, Louisiana, trang 42-53. Hoặc xem tại link:

 http://tinmung.net/CACTHANH/118ThanhTDVN/INDEX.htm.

 

114.864864865135.135135135250