Chân phước In-nô-cen-tê V (Phê-rô Ta-răng-tê)
B. Innocentius V
(1225c-1276)
Bằng cây cọ diệu kỳ, Thiên Chúa đã vẽ nên Giáo Hội và xã hội thành một bức tranh thật đẹp và lạ lùng. Cha Đa Minh Pha-bi-en Ri-ma đã miêu tả: “Thánh giáo hoàng Ka-rôn Vôn-ti-la[1] đã được tuyển chọn vì chúng ta còn thiếu những vị thánh nêu gương. Đức Giu-se Rát-gin-gơ[2] được mời gọi vì Giáo Hội khổ đau do giáo lý chưa rõ ràng. Và Hội Thánh cần một hình tượng đẹp, chính lúc ấy Chúa đã chọn đức giáo hoàng Phan-xi-cô”.[3]
Qủa vậy, qua các vị giáo hoàng ta thấy đường lối của Chúa thật vĩ đại. Quay ngược thời gian để trở về gần tám thế kỉ trước, chúng ta thấy sự chọn lựa diệu nhiệm nơi chân phước giáo hoàng In-nô-xen-tê V. Chân phước giáo hoàng In-nô-xen-tê V tên thật là Phê-rô Ta-răng-tê. Cuộc đời ngài gắn liền với những biến cố lịch sử quan trọng của Giáo Hội và của dòng Đa Minh ở thế kỉ XIII. Là một người thông minh đạo đức, ngài đã lãnh trách nhiệm giảng dạy trong Dòng. Sau này, ngài trở thành một trong năm giảng sư thần học được triệu về Va-len-xi-a để cùng thánh An-be-tô Cả và thánh Tô-ma A-qui-nô cải cách quy chế học vụ ở trong Dòng. Người tu sĩ đạo đức tài năng ấy đã được Chúa thương chọn làm giám tỉnh, rồi sau đó làm tổng giám mục Li-ông, rồi làm hồng y và đăng quang giáo hoàng. Hồi còn là tổng giám mục Li-ông, người đã cổ võ thiết lập hòa bình cho thành phố đang chìm trong máu lửa của cuộc nội chiến, và để chuẩn bị cho Công đồng Đại kết sẽ diễn ra tại đây. Sau này, với tư cách là hồng y, ngài đã tham dự những buổi thảo luận về giáo lý, về các cuộc thương thảo đình chỉ cuộc thánh chiến và cuộc canh tân đời sống giáo sĩ.
Cuộc đời chân phước giáo hoàng In-nô-xen-tê V cũng như các đức giáo hoàng sống trong thời đại của chúng ta, các ngài luôn toát lên vẻ đẹp của tình yêu mến và nỗ lực dựng xây Giáo Hội. Mỗi vị xây dựng Giáo Hội bằng những cách thức khác nhau tùy theo khả năng Chúa ban và cũng tùy theo thời đại mà các ngài đang sống. Nhưng, chung quy lại, các ngài đều yêu mến dựng xây Giáo Hội bằng một tâm hồn yêu mến Chúa Kitô.
Tất cả chúng ta, dù ở bậc sống nào chăng nữa cũng đều được mời gọi dựng xây Giáo Hội với hết cả khả năng và con tim của mình. Chúng ta không xây dựng Giáo Hội bằng những rào lũy, nhưng xây dựng Giáo Hội biết mở ra để đến với những vùng ven hiện sinh, xây dựng Giáo Hội bằng những con tim biết quan tâm tìm kiếm gặp gỡ nhau chứ không củng cố Giáo Hội bằng những ranh giới. Đức giáo hoàng Phan-xi-cô[4] đã nói: “Hình ảnh cánh cửa được mở rộng ra vẫn luôn luôn là biểu tượng của ánh sáng, tình bạn hữu, niềm vui, sự tự do, lòng tin tưởng. Chúng ta rất cần tìm lại được những điều này. Cánh cửa đóng kín làm hại chúng ta, làm chúng ta bị què quặt và tách biệt với nhau”.
Đứng trước một thời đại đang rất cần lòng thương xót, một thế giới đầy thương tích, hãy chung tay dựng xây Giáo Hội bằng cách xuất phát lại từ Đức Kitô để có khả năng biết mở ra cánh cửa lòng mình. Đừng đóng khung Tin Mừng trong những đồn lũy nội bộ nhưng hãy xây dựng và nối kết các tương quan. “Hãy đi đến với những người nam và người nữ không có tương quan với mình, với những người không hề biết Giáo Hội, những người đã xa với Giáo Hội và những người thờ ơ với Giáo Hội”[5]. Hãy gặp gỡ và ôm lấy họ để con tim khô héo của họ có thể lóe lên một chút kinh nghiệm về lòng thương xót của Thiên Chúa là Cha chúng ta. Về điều này, vai trò của Đức Thánh Cha là quan trọng, chúng ta cùng cầu nguyện cho ngài và cho Giáo Hội.
Lạy Chúa, Chúa đã xây dựng Giáo Hội trên nền đá tảng là các tông đồ. Chúa cũng đã trao Giáo Hội cho đức thánh cha cùng các đức giám mục kế vị các ngài cai quản. Chúng con biết nhiệm vụ của các ngài thật cao trọng nhưng cũng thật nặng nề. Xin Chúa thêm sức mạnh nâng đỡ các ngài. Xin cho chúng con biết cộng tác với các ngài, qua việc yêu mến và mong muốn dựng xây Giáo Hội bằng khả năng và bằng sức lực của mình. Amen
[1] Karol Wojtila
[2] Joseph Ratzinger
[3] “Bức tranh Giáo Hội và cây cọ lòng thương xót” bức thư chứa nhiều tâm tình của cha Dominique - Fabien Rimaz (Fribourg, Thụy Sĩ) gởi cho đức thánh cha Phan-xi-cô (Bản dịch của Viết Hiệp), đăng trên tuần báo Công giáo và dân tộc số 2049, tr 25.
[4] “Giáo Hội mà tôi mong đợi” Antonio Spadaro S.J (Bản dịch của Nt Quỳnh Giao đăng trên tuần báo Công giáo và dân tộc số 2049, tr 32.
[5] Sđd, tr 32.