Chân phước Côn-tan-xi-ô Pha-bi-a-nô
B. Constantius de Fabriano
(+1482)
Cầu nguyện cho hòa bình thế giới
Mỗi người trong chúng ta, dường như ai cũng khao khát một thế giới hòa bình và một sự an nhiên tự nội tại. Trong tác phẩm “Đường đến hòa bình”, cha Hen-ri Nô-wen đã nói: “Việc xây dựng hòa bình là ơn gọi mà mỗi thành phần dân Thiên Chúa phải sử dụng hết thời gian để hoàn tất”. Nhưng mạnh mẽ và xác quyết hơn, Chúa Giê-su đã dạy: “Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa”. Để thực thi điều này, chúng ta không chỉ hô to với khẩu hiệu, mà thiết nghĩ đó phải là hành động cụ thể từ trong cuộc sống. Thánh Phan-xi-cô, vị thánh của hòa bình đã từng nhắn nhủ rằng: “Khi bạn công bố hòa bình ngoài môi miệng, bạn hãy cẩn thận để nền hòa bình ấy được trọn vẹn hơn trong lòng”. Với niềm khát khao ấy, chúng ta cùng cầu nguyện với chân phước Côn-tan-xi-ô Pha-bi-a-nô, một thành viên của dòng Đa Minh, người được nhắc đến như một tu sĩ - linh mục giảng thuyết về hòa bình, một người cổ võ hòa bình và đẩy lui bất công.
Côn-tan-xi-ô sinh ra trong một gia đình bình dân, nghèo nàn tại Pha-bi-a-nô, nước Ý, vào khoảng thế kỷ XV. Năm 15 tuổi, cậu Côn-tan-xi-ô xin nhập dòng Anh em Giảng Thuyết. Được dìu dắt và hướng dẫn, cậu được khấn dòng rồi lãnh tác vụ linh mục.
Khi làm linh mục, cha Côn-tan-xi-ô tiến nhanh trên đường nhân đức và trở nên gương sáng thánh thiện cho mọi người nhờ đời sống chuyên chăm cầu nguyện, say mê học hỏi và suy niệm Thánh Kinh. Sau này, cha đã trở nên một tu viện trưởng tốt lành, mẫu mực cho anh em trong nhiều năm bằng đời sống nhiệm nhặt, ăn chay hãm mình và mến giữ kỷ luật tu trì. Ngày 24/2/1481 cha Côn-tan-xi-ô qua đời tại Át-cu-li miền Pi-xê-ni. Ngày 22/9/1821 đức giáo hoàng Pi-ô VII tôn cha lên bậc chân phước.
Mẫu gương của chân phước Côn-tan-xi-ô khiến chúng ta tự hỏi thái độ cần có của chúng ta đối với nền hòa bình của thế giới là gì? Trong Sứ điệp Hòa bình ngày 01/01/2016 đức thánh cha Phan-xi-cô đã cho thấy hiện trạng của thế giới: “Các cuộc chiến tranh và hành động khủng bố với các hậu quả thê thảm của chúng, các vụ bắt cóc người, các bách hại vì các lý do chủng tộc hay tôn giáo, các lạm dụng… đã ghi dấu từ đầu tới cuối năm vừa qua (2015) đã gia tăng một cách đau đớn tại nhiều vùng trên thế giới, đến độ có các hình thức diễn ra mà chúng ta có thể gọi đó là ‘một đệ tam thế chiến từng mảnh’.” Đức thánh cha Phan-xi-cô nói thêm: “Trong viễn tượng của năm mới, chúng ta hãy canh tân lời khích lệ đừng mất hy vọng nơi khả năng của con người, với ơn của Thiên Chúa, hãy vượt thắng sự dữ và không buông xuôi cho thái độ chịu trận và thờ ơ”.
Trước lời mời gọi của đức thánh cha chúng ta hiểu rằng: Để có một thế giới hòa bình thì cần loại bỏ dần những thù hận, ghen ghét và ngay cả sự thờ ơ mà thay vào đó là tình huynh đệ. Để có một khu phố an hòa, một cộng đoàn an bình, một gia đình hạnh phúc thì nơi đó cần đến một chút đồng cảm, quan tâm, tha thứ, lắng nghe và chấp nhận lẫn nhau. Nhưng, để có những con người sống cho những mối tương quan tốt đẹp ấy, phải khởi đi từ những con người đã có hòa bình trong chính nội tâm. Đó là những con người luôn tìm gặp gỡ Chúa, được Chúa biến đổi, và đã thấm đượm giáo lý yêu thương của Ngài.
Lạy Chúa, từ trong thâm sâu cõi lòng, Chúa đã đặt để niềm khát khao được sống yêu thương, an bình. Nhưng cuộc sống của chúng con hôm nay còn có quá nhiều cay đắng và bất an. Chúng con bất đồng với chính mình, chúng con gây đau khổ, tổn thương nhau. Chỉ bởi vì chúng con còn để cho tâm hồn mình làm nô lệ cho bóng tối của sự dữ, bạo lực và tàn ác, của con ma tham lam - ích kỷ - vô tâm, của kiêu ngạo và lòng thù hận. Mà cũng chỉ bởi vì chúng con thiếu gặp gỡ Chúa là suối nguồn yêu thương và an bình đích thực. Xin Chúa thương xót con người yếu đuối và bất nhất của chúng con. Xin Chúa giúp chúng con nỗ lực xây dựng hòa bình khởi đi từ những giây phút chúng con gặp gỡ Chúa, ẩn sâu trong trái tim an bình của Ngài, để từ đó chúng con tích góp những chất liệu mà xây lên những nhịp cầu yêu thương với anh chị em tha nhân bên cạnh chúng con.