24/07/2023 -

Các Thánh Dòng

717
Ngày 24/7-Thánh Giu-se Fer-nan-de Hiền

Ngày 24/7

Thánh Giu-se Fer-nan-de Hiền

( 1775-1838 )

Mục đích và niềm vui cuộc đời

 

Câu đầu tiên trong Sách Giáo lý bản hỏi đã dạy và đòi ta phải trả lời một cách xác quyết và rõ ràng là: Hỏi ta sống ở đời này để làm gì? Quả vậy, việc xác định mục đích của cuộc đời là quan trọng, là điều kiện tiên quyết. Một khi đã xác định mục đích, chúng ta cũng phải chú tâm và trả lời cho được câu hỏi thứ hai đó là: Phải đạt mục đích ấy bằng cách nào?

Thánh Giu-se Fer-nan-de Hiền trả lời rõ ràng hai câu hỏi trên bằng cả cuộc đời của ngài, và điều đó đáng nhắc lại làm gương mẫu cho chúng ta: Tôi sẵn sàng lấy máu mình để làm chứng cho người dân Việt biết đạo Thiên Chúa là đạo thật. Đó là mục đích và niềm vui của tôi”. Xác định rõ mục đích và niềm vui của cuộc đời, cha Hiền đã quan tâm thực hành điều ấy.

Giu-se Fer-nan-de Hiền sinh ngày 03/12/1775, tại Ventosa de la Cuesta, tỉnh Valladolid, giáo phận A-vi-la, Tây Ban Nha. Nhưng để thực hiện mục đích và hoài bão đã xác định sẵn là truyền bá Tin Mừng cho miền Viễn Đông, cha Fer-nan-de Hiền đã xin chuyển qua Tỉnh Dòng Rất Thánh Mân Côi, Ma-ni-la, Phi-lip-pin. Tại đây, cha Hiền cùng với ba cha khác Dòng Đa Minh, theo một tàu buôn của Anh vào bến Cửa Hàn (Đà Nẵng), ngày 18/02/1806.

Sau mấy tháng học tiếng, vị tông đồ trẻ đã bắt tay vào công việc truyền giáo một cách hăng say. Vốn tính hiền lành, khiêm tốn và nhã nhặn, cha Hiền được mọi người quí mến, nhờ đó cha đã giúp nhiều lương dân đón nhận đức tin. Với mục đích và niềm vui ấy, cha Fer-nan-de Hiền đã phục vụ truyền giáo trên cánh đồng Việt Nam với số năm bằng với số năm Chúa Giê-su sống trên gian trần; cha phục vụ quên mình như Chúa Giê-su phục vụ; cha đã mang án tử như Chúa Giê-su đã mang án tử.

Năm 1938, trong cơn truy lùng gắt gao của tổng đốc Trịnh Quang Khanh, cha Fer-nan-de Hiền đã bị bắt. Khi bị bắt, các quan tra hỏi về các thừa sai, cha Fer-nan-de Hiền liền nhận là có quen thân với đức cha De-ga-do Y và Hê-na-rê Minh. Cha xin quan cho gặp các ngài vì biết hai vị cũng đang bị giam cầm cùng một chỗ với cha. Các ngài gặp nhau trong cảnh mỗi vị một cũi. Bỗng đức cha De-ga-do Y hỏi Cha Hiền: "Này cha Bề trên Phụ tỉnh, cha đã sẵn lòng tự nguyện để người ta chém đầu chưa?" Không chút chần chừ, cha Hiền trả lời: "Dĩ nhiên đã sẵn sàng".

Giá trị dâng hiến của cha Hiền thể hiện ở thái độ sẵn sàng, bình tĩnh, vui tươi dù cái chết cận kề. Giá trị ấy còn thể hiện ở thái độ quả quyết. Trước mặt các quan lại cha Hiền nói: "Xin các ngài biết cho, không bao giờ tôi chà đạp Thánh Giá. Còn việc về nước (Tây Ban Nha) thì tôi không muốn, vì tôi đến đây với ước nguyện là giảng đạo Chúa Ki-tô". Quan tiếp tục dụ dỗ sẽ đặt cha làm thông dịch viên nếu cha chịu bỏ đạo, cha đáp: "Tôi đến đây không để phục vụ vua chúa trần gian này mà chỉ để rao giảng đạo Đức Chúa Trời thôi".

Với thái độ cương quyết khó thuyết phục của cha, vì thế, sáng ngày 24/07/1938 quan quân quyết định đem cha đi xử. Trước khi đem đi xử, các quan lại khuyên dụ cha Hiền lần cuối: "Lát nữa ông sẽ bị chém đầu nếu không đạp lên Thập Giá. Hãy quyết định lại đi, ông sẽ được tha về Âu châu". Vị chứng nhân cương quyết trả lời: "Tôi không bao giờ đạp lên Thánh Giá, các ông muốn chém thì cứ chém".

Tại pháp trường, quân lính kéo ngài ra khỏi cũi và xô ngài lên chiếu, ngài hầu như không gượng dậy nổi. Thấy vậy, lý hình vung gươm chém. Đầu vị tử đạo phải bêu ba ngày trước khi bị ném xuống sông.

Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã thương ban cho chúng con thánh tử đạo Giu-se Hiền, một mẫu gương giúp chúng con ý thức về cùng đích cuộc đời mình, một mẫu gương sống cho Chúa với trọn vẹn niềm vui. Xin cho con biết xác định mục đích cuộc đời là làm vinh danh Chúa. Xin cho con biết chọn cách thức thực hành nục đích đó là “niềm vui”. Xin cho chúng con cương quyết đạt mục đích đã chọn cho dẫu phải hy sinh, bắt bớ, tù đày, hiểm nguy.

Và lạy Chúa, nếu có lúc nào đó trong đời, chúng con cảm thấy mất định hướng và lơ là với mục đích cuộc đời, thì xin Chúa cho chúng con tìm lại được trong an bình tươi vui. Amen

114.864864865135.135135135250