24/09/2023 -

Các Thánh Dòng

966
Ngày 24/9 Chân phước Đan-ma-xi-ô Mô-nê-ri
Ngày 24/9
Chân phước Đan-ma-xi-ô Mô-nê-ri

B. Dalmatius Moner

(1359-1456)

Gặp gỡ Chúa trong thiên nhiên

“Ngôi nhà chung của chúng ta” là cụm từ mà đức thánh cha Phan-xi-cô đã dùng để nói về trái đất trong Thông điệp Laudato Sí - Thông điệp về việc chăm sóc môi trường. Cụm từ “ngôi nhà chung” dường như gởi trao rất nhiều tâm tình, vì nó nhắc nhở mỗi người về mối tương quan rất thiêng liêng đã được thiết lập giữa Thiên Chúa với con người qua thế giới vạn vật. Quả thực, từ vẻ đẹp của thiên nhiên mà con người có thể gặp gỡ Thiên Chúa và nhận ra bàn tay quyền năng vô hình của Ngài. Trong phút cầu nguyện này, chúng ta cùng chiêm ngắm cuộc đời của chân phước Đan-ma-xi-ô Mô-nê-ri, một lần nữa ta như được mời gọi đến gặp gỡ Chúa nơi “ngôi nhà chung của chúng ta” cùng với ngài.

Chân phước Đan-ma-xi-ô Mô-nê-ri là người xứ Ca-ta-lan, Tây Ban Nha, sống vào thế kỉ XIV. Ngài sinh trưởng tại vùng Giê-rôn. Sau khi theo học ở Môn-pơ-li-ê, ngài xin trở về quê hương và xin tu trong dòng Đa Minh. Năm 23 tuổi ngài lãnh tu phục. Ngài học triết trong hai năm, rồi tiếp tục miệt mài nghiên cứu thần học, và trở thành linh mục của Dòng. Vào thời bấy giờ, người ta thường ví Đan-ma-xi-ô như ngôi sao của tu viện Ri-dơ-côn bởi đời sống thánh thiện của người. Điểm nổi bật trong cuộc đời của Đan-ma-xi-ô chính là sự nhiệm nhặt trong đời sống và sự kiết hiệp đối thoại thiêng liêng với Chúa. Dù là một người chiêm niệm và khép mình trong khổ chế, Đan-ma-xi-ô cũng là một người có “tấm lòng rộng mở”, để hòa mình vào thiên nhiên - vạn vật, để tìm gặp - ngợi khen và chúc tụng Đấng toàn năng.
Có rất nhiều con đường để ta gặp được Chúa, nhưng cách thức giản đơn mà chân phước Đan-ma-xi-ô đã chọn là chiêm ngắm Ngài nơi các thụ tạo. Qua vẻ đẹp thiên nhiên, qua trăng sao và muôn tinh tú, Đan-ma-xi-ô đã cảm nhận bàn tay quyền uy của Chúa  mà vang lời ngợi ca:

 
“…Trải mặt đất này trên làn nước bao la,
Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”.
(Tv 136,6)

 
Vâng, vì yêu thương, Thiên Chúa đã đặt con người trong “ngôi nhà chung” với bầu trời bao la, mặt đất trải dài, với suối nguồn nước mát, không khí trong lành, cây cối và muôn loài sinh vật phong phú,… Cũng chỉ vì yêu thương, Thiên Chúa đã trao tất cả cho con người quản lý, chăm sóc, hưởng dùng và làm phát triển (St 1,28). Nhưng, vẻ đẹp thuở ban sơ đã không còn, bức tranh thiên nhiên giờ đây đã bị vấy bẩn, nhiễm uế loang lổ... Giờ đây, ta phải đối diện với một sự thật đau lòng, đó là sự suy thoái môi trường mang tính toàn cầu.

Chiêm ngắm những cuộc gặp gỡ tuyệt vời của chân phước Đan-ma-xi-ô với Chúa nơi ngôi nhà thiên nhiên; lắng nghe âm vang bài ca Mặt trời - bài ca chúc tụng Chúa qua vẻ đẹp thiên nhiên của thánh Phan-xi-cô Át-xi-di; và đưa mắt hướng nhìn bầu trời cao, chúng ta hãy dừng lại để ngẫm nghĩ về lời cảnh tỉnh của đức thánh cha Phan-xi-cô: “Chưa bao giờ chúng ta lại làm tổn thương nặng nề và đối xử tệ hại với ngôi nhà chung của chúng ta như trong suốt hai trăm năm qua”. Và “ngôi nhà chung của chúng ta đang kêu khóc”, đang “rên siết và quằn quại”
[1] , vì chúng ta đã vô tâm hủy hoại trái đất, bằng việc sử dụng vô trách nhiệm và lạm dụng của cải vật chất mà Thiên Chúa ban tặng. Lúc này đây, đôi mắt đức tin của chúng ta đã bị che khuất, trái tim đã chai sạn, tâm hồn trở nên khô cứng, không thể cảm nghiệm và nhìn ra Thiên Chúa qua công trình sáng tạo kỳ diệu của Ngài. Vì thế, chúng ta hãy tha thiết thưa lên cùng Chúa:

Ôi lạy Cha là Đấng tạo tác muôn loài, cùng với tiếng kêu thống thiết của thiên nhiên, chúng con xin thú nhận tội lỗi, vì chúng con là những đầy tớ bất trung chưa quản lý và bảo vệ công trình kì diệu Cha trao ban. Tiếng rên siết vì môi sinh ô nhiễm đang vang lên mỗi lúc một thảm thiết, quặn đau...

Tại đất nước Việt Nam chúng con, biển đã thành biển chết, mọi thức ăn đã trở nên độc hại, môi trường sống của chúng con đã bị hủy diệt… Tất cả đều do những sự vô tâm, tư túi, ác độc của con người, cách riêng là sự tắc trách của các nhà lãnh đạo. Nguyện xin Cha xót thương và cải biến tâm hồn chúng con. Chúng con tin chắc rằng Cha vẫn đang ngự ở “ngôi nhà chung” để chờ đợi chúng con đến gặp Cha, và làm hòa cùng muôn vật, muôn loài. Amen

[1] Trích Laudato Sí, số 53, số 2
114.864864865135.135135135250