Khi tìm mẫu gương thánh cho những người say mê nghiên cứu học hành, người Ki-tô hữu và đặc biệt là người tu sĩ Đa Minh thường nêu danh thánh Tô-ma A-qui-nô như là một nhân vật nổi bật điển hình. Họ cho rằng nơi ngài là kết quả của những nghiên cứu học hỏi suy tư cách kiện toàn đến mức người ta không thể bàn cãi, không thể tranh luận hoặc thêm bớt gì được nữa. Dường như người ta đã dùng các học thuyết của ngài, danh ngài, uy tín uyên bác của ngài để đóng kín và kết thúc mọi tranh luận trái chiều. Dường như nơi thánh Tô-ma A-qui-nô, mọi vấn đề đã được kết thúc.
Xin thưa, không phải thế. Cuộc đời thánh Tô-ma A-qui-nô, một cuộc đời mở ra cho những nét hòa điệu căn bản. Từ những tư tưởng uyên thâm đến những nghĩ suy bình dị; từ những thái độ sống hằng ngày cho đến những triết thuyết cao siêu. Nơi thánh Tô-ma A-qui-nô người ta tìm thấy sự hài hòa bình dị đến mức tuyệt hảo.
Bởi đâu ngài được điều đó? Thưa, do các nhân đức, đặc biệt là do sự uyên bác tuyệt vời trong tư tưởng, cùng với sự trong sáng của cuộc đời ngài, và hơn nữa, do thánh Tô-ma có một tâm hồn vô cùng sống động với Chúa Giê-su Thánh Thể. Các bản thánh thi trác tuyệt mà phụng vụ Giáo Hội dùng để cử hành mầu nhiệm về sự hiện diện đích thực của Mình và Máu Chúa trong Thánh Thể, được quy gán cho đức tin và sự minh triết thần học là của thánh Tô-ma. Sự sâu sắc trong tư tưởng của thánh Tôma phát xuất từ chính đức tin sống động, cũng như từ lòng kính yêu Chúa một cách sâu sắc mà thánh nhân diễn tả qua đời sống. Thánh Tô-ma luôn cầu nguyện với Chúa: Con cầu xin Chúa, xin Chúa ban cho con một trái tim luôn tìm kiếm Chúa, một lý trí để hiểu biết Chúa, một sự minh triết để gặp được Chúa, một cuộc sống đức hạnh để làm Chúa vui, một sự kiên trung bền chí để chờ đợi Chúa, và một niềm hy vọng là sau cùng sẽ được ở bên Chúa.”
Thánh Tô-ma đã chứng minh được rằng giữa đức tin Ki-tô giáo và lý trí, luôn có một sự hài hòa rất tự nhiên. Đây chính là công trình vĩ đại của thánh nhân, một công trình dẫn đưa thế giới vào trong tương quan hòa điệu. Bởi lẽ, vào thời điểm ấy, thời điểm của các cuộc xung đột giữa hai nền văn hóa, thời điểm mà xem ra đức tin đang phải đầu hàng trước lý trí.
Điều quan trọng là khi khám phá ra nét hòa căn bản trong cuộc đời và tư tưởng của thánh Tô-ma, những người theo gương ngài cũng có thể học được một sự hòa hợp căn bản, tự nhiên; để có khả năng hướng dẫn, hiểu và xử lý nhiều vấn đề khác trong cùng một thái độ “khoan hòa”.
Chúng ta có thể thấy sự “khoan hòa” ấy, trước tiên trong thái độ sống của thánh Tôma, và trong những lập trường căn bản của ngài. Thánh Tô-ma không bị “chết chìm trong tranh luận”, nghĩa là không bị lôi cuốn vào thái độ đối đáp tranh cãi vụn vặt; thánh Tô-ma không mập mờ lẫn lộn giữa tư tưởng và người đưa ra tư tưởng, giữa vấn đề tranh luận với những con người cần được trân trọng. Tinh thần khao khát chân lý và thái độ sống khoan hòa khiến cho thánh Tô-ma cởi mở với những lập trường còn xa lạ, quảng đại với những người ngoại giáo. Nhiều lần, trong khi chú giải A-rit-tôt, cũng như với nhiều người khác, Tô-ma đã luôn “cắt nghĩa ngay lành”. Thái độ ấy bộc lộ trong một sự tôn trọng "đối thủ”, thái độ đi tìm chân lý của thánh Tôma biểu lộ trong một chiều hướng “nền tảng”, nghĩa là chìm sâu hơn ở bình diện chân lý chứ không phải sự đối đáp lời qua tiếng lại. Chúng ta có thể thấy chính “sự hòa hợp căn bản” đã hướng dẫn thái độ của thánh Tô-ma - chứ không phải những “khác biệt bề mặt” đã chi phối con người của ngài.