28/09/2024 -

Các Thánh Dòng

1270
Ngày 28/9 Thánh Đa Minh Ibanhê Êquixia và các bạn tử đạo

Ngày 28/9

Thánh Đa Minh Ibanhê Êquixia và Giacôbê
Ki-u-xê-i Tômônaga; Lôrenxô Ru-i và 13 đồng bạn

Ss. Dominicus Ibanez de Erquicia (1589-1633)
et 15 Socii (1633-1637)

Cầu nguyện cho các Kitô hữu bị bách hại

 

Trong buổi tiếp kiến chung ngày 30/8/2015, tại quảng trường Thánh Phêrô, một ngày sau lễ phong chân phước cho Đức Cha Michael Melki, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: Đức Cha Melki – người đã cương quyết không bỏ Công Giáo để theo Hồi Giáo. Vì thế, Ngài đã bị tra tấn cho đến chết và đã bị chặt đầu. Hôm nay, các anh chị em Kitô hữu yêu quý của chúng ta, ở Trung Đông và các khu vực khác trên thế giới, cũng đang bị bách hại như thế...

 Ký giả John Allen của báo Vatican cho chúng ta biết thêm:  Theo trung tâm nghiên cứu Kitô hữu toàn cầu tại Chủng viện Thần học Gordon-Conwell, Massachusetts, trong những thập kỷ qua, đã có đến cả hàng 100.000 Kitô hữu bị giết vì “lý do đức tin” hàng năm. Trung bình, vào mỗi giờ, sẽ có 11 Kitô hữu bị giết ở đâu đó trên thế giới, cứ như thế bảy ngày trong một tuần và 365 ngày trong một năm...[1]

Vâng, lịch sử Giáo Hội là lịch sử thấm đẫm máu đào của các anh hùng tử đạo. Cách nay 400 năm đạo Công Giáo được truyền đến vùng Viễn Đông, đã có biết bao anh hùng tử đạo đổ máu trên mảnh đất Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam... Hôm nay, gia đình Đa Minh kính nhớ 13 thành viên của gia đình và 3 vị khác có liên hệ. Các vị này đã lãnh phúc tử đạo vào các năm 1633, 1634, 1637. Các vị đã góp phần xây dựng Hội Thánh ở Na-ga-xa-ki.

Thế giới hôm nay, rùng mình ghê sợ khi nhìn thấy trên mạng internet và các phương tiện truyền thông, các hình ảnh, các đoạn video, về cảnh các Kitô hữu bị giết hại dã man trong tay của các phiến quân Hồi Giáo cực đoan. Các kẻ giết người này không cho thế giới biết mình là ai. Họ trùm kín mặt, ẩn mình, và hành động lén lút. Các nhà truyền giáo tại Nhật Bản những năm 1630 chịu chết bằng nhiều cực hình rất kinh khủng, các hình khổ mà các vị phải chịu được thực hiện cách công khai và dã man gấp bội, không một chút thương xót, chẳng một chút nhát tay… Trong lá thư thánh Đa Minh Ibanhe Êquixia từ Nhật Bản gởi về cho cụ thân sinh, ngày 18/10/1630 đã ghi lại như sau: “Những hình khổ người ta dùng để ép buộc bỏ đạo thật dã man: Có người bị dội nước sôi lên đầu từ từ, bị bồi thêm diêm sinh, nhựa thông, dầu hoặc các chất khác, để nạn nhân thêm đau khổ. Có người bị đóng đinh vào thập giá, người khác bị dìm xuống dòng nước lạnh cho chết rét, người khác bị chôn đứng nửa người, rồi người ta lấy cưa tre xẻ thân mình,... Cuộc hành hình kéo dài trong bảy tám ngày. Các tu sĩ bị thiêu sống, người ta để những đống củi cháy vây quanh, làm cho nạn nhân không bị lửa đốt cháy, nhưng chết ngạt từ từ”.[2]

Giữa những đau khổ xé thây như thế, các vị anh hùng đã không mất đức tin, không chối Chúa. Các vị, một số là giáo sư đang giữ vị trí cao của Đại Học Thánh Tôma Philippine, có người thuộc gia đình vọng tộc, có vị là nữ nhi liễu yếu đào tơ, có vị là sinh viên trẻ đầy tương lai hứa hẹn... Các vị tử đạo này gồm 9 người Nhật Bản, 4 người Tây Ban Nha, 1 người Pháp, và 1 người Ý. Cha Ða Minh Ibanhê Êquixia, người được phúc tử đạo đầu tiên vào ngày 14/8/1633. Ông Lôrenxô Ru-i, quê tại Manila, một giáo dân có gia đình, ông là vị tử đạo tiên khởi của Hội Thánh Philippine. Vì tình yêu Đức Kitô, vì muốn đem Chúa đến cho muôn người nên các vị đã quên thân mình. Các ngài thật xứng muôn lời ca ngợi:

“Dòng máu thắm anh hùng tử đạo

Bao thánh nhân tiết tháo can trường,

Nhục hình, gian khổ coi thường,

Tỏ bày Thiên Chúa yêu thương con người.

Đây Giáo Hội đẹp tươi rạng rỡ,

Hoa đức tin nở rộ khắp nơi,

Mầm non đức mến đâm chồi,

Từ lòng đất mẹ, chính nơi pháp trường.

Máu các Thánh nên lời minh chứng,

Một tình yêu bền vững muôn đời,

Ân thiêng cải hóa lòng người,

Bình an khắp cõi vạn lời chúc khen.

Lạy Chúa, hiện nay con không phải chịu những cực hình đau đớn như các thánh khi xưa, hoặc như các anh chị em ở Trung Đông, nhưng xin cho con biết làm chứng cho Chúa bằng việc từ bỏ chính mình, sống cho Chúa và cho anh chị em đồng loại. Amen

 

 

[1] John Allen, “Chiến tranh toàn cầu về các Kitô hữu”, năm 2013.

[2] Trích thư thánh Đa Minh Ibanhe Eequixia linh mục tử đạo, từ Nhật Bản gởi về cho cụ thân sinh, ngày 18/10/1630. Bài đọc Kinh Sách phần riêng Dòng Đa Minh, ngày 28/9.

 

114.864864865135.135135135250