Chân phước Ghi-giôm A-nô và các bạn tử đạo
Bb. Guillelmus Arnaud, Bernardus de Rochefort,
et Garcia de Aure
(+1242)
Cầu nguyện cho việc đối thoại liên tôn
Thế kỷ XII-XIII, trong Giáo Hội xuất hiện nhiều bè rối, lạc giáo và dị giáo. Các thánh và những người yêu mến Giáo Hội thì dốc toàn tâm toàn lực giảng truyền giáo lý chân chính, thu phục các anh chị em lạc giáo trở về. Những người theo lạc giáo và dị giáo quá khích thì luôn sẵn sàng sát hại các anh chị em không cùng nhóm với mình.
Ngày 29/5/1242 các thành viên quá khích của phái An-bi-doa sát hại một nhóm Ki-tô hữu vùng A-vi-nhô-nê. Trong số các vị tử đạo, có tu sĩ Ghi-giôm A-nô, Bê-na Rô-sê-pho, Gác-xi-a Ðô thuộc dòng Anh em Thuyết giáo; tu sĩ Ê-ti-ên Ra-bôn và Rây-mun-đô Các-bô-nê-ri thuộc dòng Anh em Hèn mọn, cha Rây-mun-đô tổng đại diện Tu-lu-dơ thuộc dòng Cơ-luy-ni cùng với ba người tuỳ tùng.
Để sát hại các ngài, ông Rây-mum-đô An-pha-rô là người cai quản vùng A-vi-nhô-nê, nhân danh là bá tước vùng Tu-lu-dơ, đã bày mưu một cách cẩn thận. Ông báo rằng ông đã tìm thấy một kẻ dị giáo là người quen của chân phước Ghi-giôm A-nô muốn bỏ dị giáo và trở lại với đức tin. Ông cho mời Ghi-giôm A-nô đến, ông cho lính mai phục rồi sát hại.
Biết rõ rằng đó là cái bẫy, nhưng Ghi-giôm A-nô vẫn không thể từ chối. Ngài và mười bạn đồng hành đi đến lâu đài của bá tước Rây-mum-đô vào tối ngày lễ Thăng Thiên, Các binh sĩ của Rây-mum-đô đã mai phục trong đại sảnh và giết chết tất cả. Nhưng bốn thành viên của nhóm trong đó có Ghi-giôm A-nô, đã được cứu thoát bởi những người bạn đã biết về âm mưu thâm độc của bá tước. Họ vội vã đến nhà thờ và đã lãnh phúc tử đạo đang khi hát thánh thi "Lạy Thiên Chúa".
Thi thể của các vị tử đạo đã được ném vào một khe núi sâu và họ đã lấy đá lấp lại. Chân phước Ghi-giôm A-nô thuộc dòng Đa Minh đã tử đạo trong dịp này. Không ai biết gì về cuộc sống ban đầu của ngài trước khi tử đạo.
Bạn thân mến,
Chẳng phải thời Trung Cổ mới có những hình thức giết hại nhau do không cùng đồng điệu trên bình diện niềm tin tôn giáo. Ngày nay, các nhóm Hồi Giáo cực đoan đã chẳng ngại giết người không cùng chung niềm tin và chống lại họ đó sao. Chẳng phải những người thuộc nhóm Hồi Giáo cực đoan ấy cũng đều coi mình là các vị tử đạo và vì đạo đó sao?
Lép Tôn-xtôi (Lev Tolstoy[1]) rất có lý khi nói rằng: “Tin rằng một người có thể cải thiện cuộc đời của một người khác thông qua bạo lực là một sai lầm”… Ông quả quyết: “Cách duy nhất để loại trừ bạo động là đừng tham gia vào nó”… Bởi vì, “Mỗi hành vi bạo động không những không làm xoa dịu chúng ta, mà còn mang đến ngày càng tăng thêm nhiều bạo động vào trong đời ta”… “Nếu chúng ta cần phải cưỡng bách người khác tuân phục công lý bằng cách sử dụng bạo lực, thì đó không phải là công lý chân thực”.
Trước tình hình thế giới càng ngày càng nhiều bạo động do khác biệt tôn giáo. Đức thánh cha Phan-xi-cô đã không ngớt kêu gọi đối thoại liên tôn. Ngài viết trong Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng[2] rằng: “Một thái độ cởi mở trong sự thật và yêu thương, phải là đặc tính của cuộc đối thoại với các tín đồ các tôn giáo không Ki-tô, dù vẫn còn những trở ngại và khó khăn, đặc biệt là trào lưu cực đoan trong cả hai phía”. Theo đức thánh cha Phan-xi-cô, mục tiêu và điều kiện của đối thoại liên tôn là sự tôn trọng lẫn nhau: “Tôn trọng quyền được sống của người khác, tôn trọng sự toàn vẹn về thể lý và những tự do căn bản, cụ thể là tự do lương tâm, tự do suy nghĩ, tự do ngôn luận và tự do tôn giáo”.
Suy nghĩ về bối cảnh mà chân phước Ghi-giôm A-nô và các bạn chịu tử đạo. Chúng ta được mời gọi nhìn về Giáo Hội hôm nay với những tác động phức tạp từ mọi phía. Chúng ta cùng dâng lên Chúa tâm tình cầu xin tha thiết:
Lạy Chúa, chân phước Ghi-giôm A-nô và các bạn tử đạo đã dám sống đến cùng ơn gọi Ki-tô hữu. Sự hy sinh của các ngài cho thấy tình yêu mạnh hơn sự chết. Dù mang phận người yếu đuối, nhưng nhờ ơn Chúa đỡ nâng, các ngài đã chiến thắng khải hoàn. Xin cho chúng con biết can trường sống đức tin trong một thế giới vắng bóng Thiên Chúa, biết nhiệt thành làm chứng về tình yêu bằng một đời hiến thân phục vụ. Ước gì trong mọi hoàn cảnh, chúng con luôn biết đối thoại ôn hòa và tôn trọng lẫn nhau.