30/01/2022 -

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

1737
Ngày 30/01 Cầu nguyện với Thánh Tôma Khuông
Ngày 30/01

Thánh Tôma Ngô Túc Khuông

 Linh mục (1780-1860)

I. Tiểu sử

Đạo Công giáo không những cấm các tín hữu chống đối triều đình,
mà còn khuyến khích họ cầu nguyện
và góp phần xây dựng quê hương an ninh thịnh vượng.

 

Thánh Tôma Ngô Túc Khuông sinh năm 1780 tại làng Nam Hòa, xứ Tiên Chu, tỉnh Hưng Yên. Thân phụ ngài giữ chức tuần phủ giàu sang quyền quý ở Hưng Yên, nhưng cậu bé Khuông chỉ ước mong dâng mình cho Chúa.

Sau khi chịu chức linh mục, cha Khuông xin nhập dòng Ba Đa Minh. Ngài là vị mục tử khôn ngoan, thánh thiện, nhân lành, tận tuỵ với sứ mệnh truyền giáo, khôn khéo trong giao tế nhưng cương quyết trong hành động. Cha rất sùng kính tràng hạt Mân Côi và nhiệt tâm cổ võ cho việc đạo đức này.

Trong thời kỳ bách đạo, cha Khuông vẫn âm thầm tiếp tục thi hành công việc mục vụ, ban các bí tích cho giáo dân nhờ sự khôn khéo giao tiếp với giới quan lại.

Năm 1859, một số ít giáo hữu xứ Cao Xá tổ chức võ trang để tự vệ, chống lại việc binh lính triều đình tấn công các làng đạo. Cha Khuông không ủng hộ việc này nên ngài lánh sang Hải Phòng, thuộc Giáo phận Đông Đàng Ngoài.

Khi đi lánh nạn đến đầu cầu làng Trần Xá, cha Khuông bị bắt do khẳng khái từ chối việc bước qua Thánh Giá. Cha bị tống ngục cùng một số tín hữu tháp tùng.

Quan tổng đốc tìm mọi cách ép buộc cha làm nhân chứng tố cáo những tín hữu Cao Xá chống lại triều đình, nhưng cha nhất mực từ chối khai báo và nói: “Đạo Công giáo không những cấm các tín hữu chống đối triều đình, mà còn khuyến khích họ cầu nguyện và góp phần xây dựng quê hương an ninh thịnh vượng.

Quan tổng đốc đổi chiến thuật yêu cầu cha khuyến khích giáo hữu đạp ảnh thánh, chối đạo để được trả tự do về đoàn tụ gia đình. Cha kiên quyết trả lời: “Tôi nay đã 80 tuổi. Là đạo trưởng Công giáo, tôi luôn khuyên nhủ giáo hữu trung thành giữ Đạo Thánh Chúa. Giờ đây, nếu tôi khuyên bảo họ chối đạo thì tôi thật bất xứng và chẳng đáng làm đạo trưởng”.

Án xử trảm cha Ngô Túc Khuông được thi hành ngày 30-01-1860 ngoài thành Hưng Yên. Trên đường tiến ra pháp trường, cha chống gậy tre nhưng còn cột thêm đầu gậy một thanh ngang ngắn, tạo thành cây Thập giá. Đến nơi xử, cha quỳ xuống cầu nguyện và cúi đầu lãnh nhận lưỡi gươm từ đao phủ.

Linh mục Tôma Ngô Túc Khuông được nâng lên hàng chân phước ngày 29-4-1951 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.

 

Trích sách "Hạnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam"
Biên soạn: 
Hội đồng Giám mục Việt Nam



II. Cầu nguyện

 

80 năm vì đạo
 

Nói đến tử đạo, người ta thường nghĩ đến hạnh phúc được chết làm chứng cho Chúa. Nhưng nói về thánh Tô-ma Khuông, sinh năm 1780 tại Nam Hào, Hưng Yên, là linh mục Dòng Ða Minh, bị xử trảm ngày 30/01/1860 tại dưới đời vua Tự Ðức, người ta không chỉ nghĩ đến cuộc tử đạo ở phút cuối, mà còn nghĩ về cuộc tử đạo liên lỉ kéo dài trong hành trình 80 năm làm người của ngài.

Sinh ra trong một gia đình nổi tiếng là giàu có, cha Tôma Khuông không khép mình trong no ấm an nhàn. Ngược lại, cha chọn dấn thân sống đời sống nay đây mai đó, chọn nghèo khó để hy sinh vì đạo, trở thành chứng nhân cho Chúa Giê-su, chứng nhân cho đạo Công Giáo, một tôn giáo mới đang bị miệt thị và chịu bách hại nặng nề tại Việt Nam lúc bấy giờ.

Cha Tô-ma Khuông nổi tiếng là một linh mục khôn ngoan, thánh thiện và nhiệt thành với xứ vụ truyền giảng Tin Mừng. Cha đã chọn sống theo tinh thần Dòng Ba Đa Minh và cha đã cổ động nhiều giáo hữu cùng sống với nhiệt tâm đem Chúa đến cho mọi người.

Tránh những dịp tội, quyết không phạm tội, không dung túng với tội, đây cũng là hình thức vì đạo mà cha Khuông đã thực thi. Chuyện kể lại, một lần kia khi cha Tô-ma Khuông đi làm mục vụ, cha thấy quân lính đặt sẵn ở đầu cầu, ngay lối đi một Thánh Giá và buộc mọi người đi qua phải đạp lên. Thấy thế, cha nhất định quay lưng trở lại tìm lối đi khác. Thấy cha nhất mực từ chối việc bước qua Thánh Giá, lính liền bắt trói cha cùng với người tín hữu đi cùng. Ngày nay, không ai bắt chúng ta bước qua Thánh Giá, nhưng chúng ta có dám sống vì đạo bằng cách mạnh dạn làm Dấu Thánh Giá tuyên xưng Thiên Chúa trước bữa ăn trong một nhà hàng không? Chúng ta có dám cúi đầu khi cùng với các bạn không Công Giáo đi ngang qua Nhà Tạm không?

Khi bị bắt, quan buộc cha bỏ đạo - đòi cha bước qua Thánh Giá và yêu cầu cha khuyên các tín hữu khác làm như vậy để được trả tự do. Cha mạnh dạn trả lời: "Tôi nay đã 80 tuổi rồi, lại là linh mục Công Giáo, tôi luôn luôn nhắc nhở các tín hữu trung thành giữ đạo thánh Chúa. Giờ đây nếu tôi khuyên họ chối đạo thì tôi thật bất xứng và chẳng đáng làm linh mục. Tôi và các bạn tôi không mong ước gì hơn là được hy sinh mạng sống vì đạo Chúa". Thái độ mạnh mẽ và không thỏa hiệp trước những điều sai trái cũng là một hình thức tử đạo hằng ngày mà cha Khuông đã để lại cho chúng ta.

Ngày cha Tô-ma Khuông bị điệu ra pháp trường, trên đường tới đồi Can-vê của mình, mọi người thấy cha chống cây gậy mà cha đã cẩn thận cột thêm một thanh ngang cho giống Thánh Giá. Cây Thánh Giá, biểu tượng suốt đời cha đã tin tưởng và công bố, cây Thánh Giá mà cha không bao giờ giày đạp cho dù phải chịu muôn nỗi gian khổ và cả cái chết. Giờ đây, với cách biểu hiện đơn sơ, cha muốn nói với mọi người rằng: cho đến phút cuối cùng của cuộc đời, Thánh Giá vẫn mãi mãi là niềm an ủi và là chỗ dựa vững chắc cho người Ki-tô hữu. Đến nơi xử, cha Khuông quỳ gối trang nghiêm cầu nguyện trước cây Thánh Giá rồi cúi đầu lãnh nhận lưỡi gươm đem lại vinh phúc ngàn thu.

Cha Tô-ma Khuông bị kết án xử trảm không vì lỗi gì trái với luân thường đạo lý, cha bị bắt chỉ vì cha làm chứng cho Chúa và nên giống Chúa. Nói như các Ki-tô hữu bị bách hại ở I-rắc là: “Lỗi duy nhất của chúng con là mang danh Chúa Giê-su Đấng Cứu Thế và làm các việc lành diễn tả tình yêu và hòa bình trên tất cả các thụ tạo[1]. Cha đã chết vì đạo đó là ân lộc Chúa ban, nhưng cả đời cha đã sống làm chứng vì đạo đó mới là chiến thắng vẻ vang mà cha đã dành được sau 80 năm làm con Chúa.

Lạy Chúa Giê-su xin cho con nên giống Chúa. Lạy Chúa, khi thời điểm khó khăn đến trong đời con, khi thập giá của con trở nên quá nặng nề, khi những gian nan bủa vây lấy con, xin cho con luôn nhớ đến Chúa, xin cho con biết nói về Chúa, xin cho con giữ chặt lấy Chúa, xin cho con biết dựa vào Chúa, xin cho con biết khẩn cầu Chúa, xin đưa con vào nghỉ yên trong trái tim Chúa. Amen


   [1] Trích thư của các gia đình Kitô hữu I-rắc tị nạn, gi cho Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, ngày 06/3/2015.

114.864864865135.135135135250