30/05/2023 -

Các Thánh Dòng

1006
Ngày 30/5 - Chân phước Gia-cô-bê Sa-lô-môn

Ngày 30/5

Chân phước Gia-cô-bê Sa-lô-môn

B. Jacobus Salomoni

(1229-1314)

Xin ơn dâng thánh lễ sốt sáng mỗi ngày

 

Tiểu sử của chân phước Gia-cô-bê Sa-lô-môn chỉ vỏn vẹn có vài dòng ngắn ngủi. Sinh tại Vê-nê-di-ơ trong một gia đình quý tộc danh giá. Là thành viên của dòng Đa Minh. Cha đã sống tinh thần Ða Minh suốt 66 năm và qua đời năm 85 tuổi. Ðiểm nổi bật trong cuộc đời dâng hiến của cha là đức khiêm nhường và lòng nhân ái đối với người nghèo khổ. Chính đời sống thinh lặng là động lực gợi hứng cho cha chuẩn bị những bài giảng thấm đượm tình bác ái. Mọi người đều thừa nhận rằng, cũng như thánh Ða Minh, cha Gia-cô-bê chỉ nói với Chúa và nói về Chúa. Mỗi lần cha cử hành thánh lễ, có quá nhiều tín hữu tham dự đến nỗi tu viện phải rào lưới sắt xung quanh nhà nguyện để hạn chế bớt những tín hữu có tính hiếu kỳ.

Tuy cuộc đời gói gọn trong những dòng tiểu sử ngắn ngủi, nhưng những dòng tiểu sử ấy lại chứa đựng tất cả những nét quan trọng mà một tu sĩ linh mục cần phải có: khiêm nhường, nhân ái với người nghèo, thinh lặng sâu xa để chỉ nói với Chúa và chỉ nói về Chúa, giảng thuyết thu phục, dâng thánh lễ sốt sáng

Còn gì quý hơn và cô đọng hơn nơi những dòng tiểu sử ấy. Trong phút cầu nguyện này, chúng ta xin chân phước Gia-cô-bê Sa-lô-môn phù trợ, để chúng ta cũng có được những tố chất như ngài. Đặc biệt, chúng ta nguyện xin Chúa qua lời bầu cử của chân phước Gia-cô-bê Sa-lô-môn cho chúng ta được ơn tham dự thánh lễ và dâng thánh lễ sốt sáng mỗi ngày, để chúng ta kết hợp mật thiết với Chúa trong từng ngày sống của chúng ta.

[1]Thánh lễ là thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô ôm trọn nhân loại trong sự thương xót cứu rỗi. Tê-la Đơ Sác-đanh (Teilhard de Chardin) kể lại rằng: năm 1923 ở sa mạc Á Châu, ngài quá ước ao dâng lễ mà không có bánh, không có rượu. Trong lúc khắc khoải vì không tìm được của lễ, ngài tự nhủ sao không lấy chính cuộc đời mình mà dâng lễ, đâu cần bánh rượu. Trong thánh lễ siêu nhiên ấy, ngài đã lấy cả địa cầu là bàn thờ, đôi chân đứng trên bàn thờ ấy dâng hiến cả vũ trụ cùng với con người mình thay bánh rượu. Và trong sự kết hiệp nên một với Chúa trong thánh lễ, Tê-la Đơ Sác-đanh (Teilhard de Chardin) nhận ra suối nguồn sự thương xót cứu rỗi.

Cha Ti-mô-thi (Timothy Radcliffe) dòng Đa Minh trong tác phẩm “Tại sao phải đi lễ” đã nói rằng: “Thánh lễ là vở kịch ba hồi, qua đó chúng ta chia sẻ sự sống của Thiên Chúa va bắt đầu ngay từ bây giờ được nếm hưởng hạnh phúc thần linh… Khởi đầu, qua việc nghe Lời Chúa, chúng ta lớn lên trong đức tin và vì thế sẵn sàng đọc kinh Tin Kính và bày tỏ những nhu cầu của mình. Trong hồi thứ hai, niềm tin dẫn đến hy vọng. Từ lúc chuẩn bị lễ vật cho đến hết Kinh nguyện Thánh Thể, chúng ta nhớ lại vào đêm trước ngày chịu chết, Đức Giê-su cầm lấy bánh, tạ ơn và trao cho các môn đệ và nói “Đây là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì anh em”. Đối diện với thất bại, bạo lực và cái chết, chúng ta được trao ban hy vọng, và lặp lại lời cầu nguyện của chính Đức Ki-tô. Trong hồi cuối, từ kinh Lạy Cha trở đi, niềm hy vọng của chúng ta đạt đến đỉnh điểm trong tình yêu. Chúng ta chuẩn bị hiệp lễ. Chúng ta gặp được Đức Ki-tô Phục Sinh, gặp được chiến thắng của Người trên sự chết và sự thù ghét, đồng thời đón nhận bánh sự sống. Cuối cùng, chúng ta được sai lên đường – “Ra đi và phục vụ Thiên Chúa” – như dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa cho thế giới.”[2]

Chân phước Gia-cô-bê Sa-lô-môn đã cảm nghiệm sự cao quý và giá trị vô biên của thánh lễ. Qua thánh lễ ngài dâng, ngài đã đem nhiều tâm hồn về cho Chúa.

Cha Nguyễn Tầm Thường dòng Tên cũng kể rằng, Mẹ Tê-rê-sa Can-cut-ta bảo tôi: “Mẹ quý thánh lễ lắm, nếu máy bay ném bom, Mẹ cũng dâng lễ xong mới chạy.” Trong phòng áo lễ tại nhà dòng của Mẹ, trước bàn mặc áo, nơi các linh mục chuẩn bị ra dâng lễ có hàng chữ: “Xin Cha dâng lễ này như thánh lễ mở tay, như thánh lễ cuối cùng, và như thánh lễ duy nhất chỉ có một lần trong đời”.[3]

Lạy Chúa, xin cho con cảm nghiệm tình yêu thương và lòng thương xót vô biên của Chúa dành cho con mỗi khi con tham dự thánh lễ. Để rồi sau mỗi thánh lễ, con được Chúa biến đổi và con vui say đem Chúa đến cho mọi người con gặp gỡ. Amen

 

[1] Trích truyện ngắn “Thánh Lễ và đồng 50 Rúppi” của Linh mục Nguyễn Tầm Thường Sj, kể lại câu chuyện của linh mục Teilhard de Chardin, “The Mass on the World” in Hymn of The Universe, 1923.

[2] Timothy Radcliffe, Tại sao phải đi lễ, 2016, Học viện Đa Minh dịch, tr 17-18.

[3] Nguyễn Tầm Thường Sj, Sđd.

114.864864865135.135135135250