31/10/2023 -

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

1453
Ngày 01/11  Thánh Giê-rô-ni-mô Liêm

Ngày 01/11

Thánh Giê-rô-ni-mô Héc-mô-xi-la Liêm (Vọng)

(JERONIMO HERMOSILLA - VỌNG)
Giám mục dòng Đa Minh (1800 - 1861)


I. Tiểu sử

Nếu được chết vì đạo này, đối với tôi là một hạnh phúc.
 

Thánh Jeronimo Hermosilla - Vọng (Liêm) chào đời ngày 30-12-1800 tại Tây Ban Nha trong một gia đình nghèo và đạo đức. Cậu Jeronimo vào chủng viện do dòng Đa Minh điều hành.

Năm 19 tuổi, cậu Jeronimo lãnh tu phục trong Tu viện Thánh Đa Minh thành Valenza. Ngày 29-10-1823, thầy Jeronimo tuyên khấn vĩnh viễn và lãnh chức phó tế.

Thầy tình nguyện đi truyền giáo miền Viễn Đông. Ngày 02-3-1825, thầy và 11 tu sĩ Đa Minh, xuống tàu đi Manila, Philippines. Thầy thụ phong linh mục năm 1826 và làm giám đốc hội Mân Côi tại Manila.

Ngày 23-10-1828, ngài được bề trên gửi đến truyền giáo tại Việt Nam và ngày 15-5-1829, cha đến Thái Bình, thuộc Giáo phận Đông Đàng Ngoài.

Trong hai năm 1830 - 1832, vua Minh Mạng tăng cường bách hại đạo. Giáo phận rộng lớn với số giáo dân đông đảo nhưng chỉ còn lại ba giáo sĩ đã già yếu. Đức cha Delgado - Y và Đức cha Henares - Minh đặt tên cho cha trẻ Hermosilla là Vọng vì cha chính là thế hệ trẻ nối ba vị già yếu. Ngày 25-3-1841, cha được tấn phong giám mục thay thế Đức cha Delgado - Y và Đức cha Henares - Minh vừa được tử đạo. Trong bảy năm đời vua Thiệu Trị tình hình tương đối bình yên.

Đức cha Hermosilla - Vọng tu sửa các nhà thờ, nhà nguyện bị tàn phá, mở trường dạy kinh bổn, giáo lý, mua sắm đồ phụng tự... Ưu tiên hàng đầu của ngài là mở các tuần đại phúc cho các xứ đạo, đi tìm những con chiên lạc (số giáo dân đã đạp ảnh, bỏ đạo), khích lệ lần hạt Mân Côi. Ngài tái lập chủng viện, tu viện, tập hợp các nữ tu đã bị phân tán và truyền chức cho 7 tân linh mục.

Thời vua Tự Đức, việc bách hại trở nên khốc liệt. Đức cha Hermosilla - Vọng hai lần đổi tên thành Liêm hay Tuấn để tránh quan quân. Khi Đức cha và thầy giảng Nguyễn Duy Khang đang ẩn náu trong gia đình ông Bính, một gia đình không Công giáo, thì chẳng may, giữa hai cha con gia đình này có sự bất hòa. Đứa con đi tố cáo quan trên là trong nhà có chứa tây dương đạo trưởng. Đức cha và thầy Khang bị bắt ngày 21-10-1861 và bị giải về Hải Dương.

Trước quan quân, Đức cha Hermosilla - Vọng minh nhiên khẳng định: “Đạo Thiên Chúa là đạo chân chính, dạy con người biết tôn thờ vị Thượng Đế tạo thành trời đất và yêu thương đồng loại, để khi chết được lên Thiên Đàng hưởng phúc trường sinh, chứ không phải là một tà đạo. Nếu được chết vì đạo này, đối với tôi là một hạnh phúc”.

Đức cha lãnh án xử trảm ngày 01-11-1861 tại pháp trường Năm Mẫu, ngoại thành Hải Dương. Thi hài của ngài được ông tổng Oánh, người không Công giáo nhưng có cảm tình với Đức cha, đưa về an táng tại xứ Thọ Ninh, sau rước về tôn kính trong nhà nguyện Dòng Mến Thánh Giá Kẻ Mốt.

Ðức giám mục Hermosilla - Vọng được nâng lên bậc chân phước ngày 20-5-1906 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.

 

Trích sách "Hạnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam"
Biên soạn: 
Hội đồng Giám mục Việt Nam



II. Cầu nguyện
 

Giáo Hội Việt Nam ghi ơn Ngài
 

Khi nói về các vị thừa sai đã đổ máu đào trên quê hương Việt Nam để đem Tin Mừng đến cho dân Việt, chúng ta không thể không nói đến ba vị thừa sai lỗi lạc và can đảm nhất trong lịch sử Giáo Hội Việt Nam đó là: đức cha Héc-mô-xi-la Liêm, đức cha Stê-pha-nô Thể và đức cha Rê-tô Liêu. Đây là ba cột trụ nâng đỡ Giáo Hội Việt Nam trong những giai đoạn khó khăn bách hại. Riêng thánh giám mục Héc-mô-xi-la Liêm luôn đứng đầu sổ truy nã của ba triều vua. Tuy nhiên, ngài đã hoàn thành sứ mệnh truyền giáo cách xuất sắc.

Giê-rô-ni-mô Héc-mô-xi-la Liêm sinh 30/9/1800 tại Tây Ban Nha. Từ nhỏ, cậu được theo học với các cha dòng Biển Đức, nhưng duyên kỳ ngộ đã đưa cậu đến với dòng Đa Minh. Cậu được lãnh tu phục năm 19 tuổi. Sau khi khấn dòng năm 24 tuổi, thầy Héc-mô-xi-la và 11 tu sĩ cùng Dòng tình nguyện đi truyền giáo ở Viễn Đông và đã đến Ma-ni-la. Tại đây, ngài được thụ phong linh mục. Năm 28 tuổi, ngài tình nguyện đến Việt Nam cùng với ba thừa sai Pháp. Tháng 4/1841, ngài làm Đại diện Tông Tòa và được tấn phong giám mục.

Dưới thời vua Thiệu Trị, tình thế bắt hại đạo tạm lắng. Đức cha Liêm đã cho tu sửa các nhà thờ bị tàn phá, mở lại các trường dạy giáo lý, tổ chức các tuần đại phúc, phát động chương trình lần hạt mân côi, lập lại các chủng viện, khôi phục lại các nhà dòng, đào tạo linh mục.

Ngài để lại cho các giáo phận dòng ở miền Bắc Việt Nam một nét đẹp văn hóa đó là: Năm 1844, ngài mở lễ kính thánh Đa Minh rất trọng thể. Các linh mục tu sĩ, giáo dân thay nhau về Nam Am suốt tám ngày liền. Họ gặp nhau chia sẻ tin tức và kinh nghiệm sống đạo của mình. Thánh lễ đại trào duy nhất của đức cha Liêm, sau này đã trở thành tập tục "Lễ Đầu Dòng" trong giáo phận. Ngày 22/8/1844 tại Đông Xuyên, đức cha Liêm rửa tội cho 44 người lớn, trong đó có một chánh tổng, một phó tổng, tám lý trưởng, một thầy cúng.

Công việc đáng ghi nhớ nhất là ngài đã xin Tòa Thánh cho phân chia giáo phận thành hai: giáo phận Trung Đàng Ngoài (Bùi Chu và Thái Bình) và giáo phận Đông Đàng Ngoài (Hải Phòng).

Ngài đang đổ công sức xây dựng Giáo Hội Việt Nam, thì cuộc bách hại đạo của vua Tự Đức bắt đầu. Nếu hình ảnh ba cây thập giá trên đồi Can-vê xưa, ở đó Chúa Giê-su bị án oan giữa hai tên trộm làm cho nhiều người qua lại dừng chân; thì hình ảnh thương tâm của ngày 01/11/1861 đã khắc sâu trong lòng giáo dân Việt Nam – ba vị truyền giáo cùng quê hương Tây Ban Nha: đức cha Héc-mô-xi-la Liêm, đức cha O-choa Vinh và cha A-ma-tô Bình cùng bị nhốt trong cũi, cùng bị trói vào cột và cùng bị chém đầu sau một tiếng trống.

Đức cha đã nằm xuống, nhưng chân lý ngài đã truyền giảng, phong thái và nhiệt tâm của ngài vẫn sống mãi trong các tín hữu và hàng giáo sĩ của Giáo phận. Đức Giáo Hoàng Phao-lô VI từng nhắc nhở các vị mục tử trong Giáo Hội rằng: ngày nay người ta cần những chứng nhân hơn là thầy dạy và nếu có là thầy dạy thì cũng phải là những chứng nhân. Hơn lúc nào hết, Giáo Hội Việt Nam của chúng ta đang cần những vị mục tử nhân lành, dám sống và dám chết và nên gương mẫu cho đoàn chiên của mình. Chiêm ngắm gương thánh giám mục Héc-mô-xi-la Liêm, chúng ta cùng cầu nguyện:

Lạy Chúa, Chúa đã xây dựng Giáo Hội bằng cuộc hiến tế của Chúa. Bởi thế chúng con vững tin rằng không có một thế lực trần gian nào có thể làm hủy hoại hay triệt phá Giáo Hội được. Trong lòng tin đó, xin Chúa ban cho Giáo Hội Việt Nam thân yêu của chúng con có được những vị mục tử nhân lành dám sống và làm chứng cho chân lý của Chúa. Xin cho các ngài luôn biết lấy Lời Chúa mà bảo ban dạy dỗ; lấy chính đời sống đạo hạnh làm đuốc soi đường cho đàn chiên tiến về quê hương vĩnh cửu; lấy tình yêu mục tử mà đối xử với đàn chiên và nhất là dám can đảm hy sinh để bảo vệ đàn chiên trước những thế lực xấu xa đang tìm cách bách hại Giáo Hội.

Chúng con cũng nài xin Chúa ban cho chúng con lòng trung thành đối với Giáo Hội và sự tuân phục đối với các đấng bản quyền mà Chúa đã đặt lên làm người mục tử chăm sóc chúng con. Amen
114.864864865135.135135135250